Hiếu Văn Ngư giới thiệu nghệ thuật hát bội đến bạn bè quốc tế tại liên hoan sân khấu trẻ châu Á (AYTF)
Workshop giới thiệu nghệ thuật hát bội do Hiếu Văn Ngư thực hiện tại AYTF đã thu hút gần 80 bạn trẻ đến từ 14 quốc gia châu Á tham dự và nhận được rất nhiều hưởng ứng tích cực từ các bạn. Giá mà team Cá có thể “gom” hết không khí của 120 phút ngày hôm đó vào trong một cái tráp rồi đem về đây mở ra cho các bạn mình được biết ha, nhộn nhịp mà rần rần rộ rộ dữ lắm.
Từ sớm, các thành viên Hiếu Văn Ngư đã đến không gian tổ chức workshop để sắp xếp âm thanh, bàn ghế và bận sẵn bộ giáp nam đặc trưng của hát bội để có thể đón tiếp khách tham dự một cách trang trọng nhất. Vẻ ngoài thu hút của bộ giáp nam (do Uyên Phương đảm trách mặc cho Josh Trombley), cùng với âm nhạc của hát bội đã “hớp hồn” các bạn quốc tế ngay khi vừa check – in; ai cũng hỏi có vẻ rất háo hức chờ xem các hoạt động tiếp theo của team Cá. Mà bạn biết hông, bộ giáp nam này cũng chính là trang phục biểu diễn của diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. HCM mà Hiếu Văn Ngư vô cùng may mắn khi được các cô chú hỗ trợ đó!
“Hỡi bạn hữu năm châu! Như chúng tôi:
Từ đất nước bên kia bờ biển
Đến hội này chuông khánh rền vang
Việt Nam - Cá gửi tấm lòng vàng
Đem văn hiến giao lưu xứ bạn” (Vương Hoài Lâm soạn lời)
Lấy cảm hứng từ nghi lễ xây chầu – đại bội mà Hiếu Văn Ngư quan sát được ở các dịp lễ kỳ yên, team Cá đã soạn một tiết mục nhỏ để mở màn cho workshop. Trong tiết mục này, các thành viên Hiếu Văn Ngư cầm theo mặt nạ giấy bồi vẽ theo lối hoá trang hát bội, bước đi một cách khoa sức và nói lối xuân một bài thơ chào mừng. Bài thơ này do nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm (anh còn hay tự gọi mình là “khán giả coi hát lâu năm”) đề tặng cho team Cá đó! Vì không thể mang hết tất cả các chất liệu hát bội đến AYTF, team Cá đã lựa chọn một chút hoá trang (mặt nạ giấy bồi), một chút phong cách hát – nói qua nói lối xuân cùng một chút vũ đạo; ấy vậy mà cũng khiến cho không khí của phòng workshop trở nên hào hứng lắm đó!
Sau phần mở màn tạo ra nhiều tiếng “ồ à” đó, Hiếu Văn Ngư bắt đầu giới thiệu sơ lược về lịch sử nghệ thuật hát bội Việt Nam cũng như các đặc trưng khoa sức của bộ môn này. Chúng mình còn dạy các bạn trẻ châu Á chữ “đẹp” ý để dặn các bạn là mọi thứ của sân khấu hát bội từ áo mão, văn chương, hoá trang, vũ đạo, hát nói,… đều phải được “làm quá” một cách đẹp đẽ (đặc trưng khoa sức). Ý tưởng dạy chữ “đẹp” này cũng đến từ quá trình team Cá luyện tập vũ đạo hát bội với nghệ sĩ Bảo Châu cũng liên tục được anh nhắc nhở “phải làm cho đẹp”. Sau buổi workshop hôm đó, chữ “đẹp” cứ được các bạn trẻ từ 14 quốc gia châu Á đọc mãi khiến cho team Cá thấy vui quá chừng! Hát bội mà, phải đẹp chứ!
Đến phần quan trọng nhất của workshop rồi đây: thực hành vũ đạo của nghệ thuật hát bội. Dựa trên những gì đã được chỉ dạy bởi nghệ sĩ Bảo Châu hướng dẫn qua chương trình “Biết người biết ta” cũng như các buổi tập thêm sau đó, Hiếu Văn Ngư đã hướng dẫn 9 điệu bộ hết sức cơ bản của hát bội đến hơn 80 bạn quốc tế tham dự workshop. Các điệu bộ có thể kể đến như cầm, trốc, khán, khai, niêm, thinh, ký, cầu,… Các thành viên Josh Trombley (mặc giáp nam), Đức Tùng, Uyên Phương đã nhiệt tình hướng dẫn và chỉnh sửa từng chút một cho các bạn tham dự, hệt như cách chúng mình đã được dạy bởi các cô chú anh chị diễn viên hát bội vậy. Các bạn trẻ AYTF vốn đã quen với vũ đạo nhưng khi gặp vũ đạo hát bội vẫn hết sức ngạc nhiên vì…độ khó, tính thẩm mỹ và đặc biệt là nhìn…siêu ngầu! Giá mà ngôn ngữ của Cá có thể diễn tả hết cho bạn mình hiểu không khí luyện tập rôm rả, đầy sức sống của buổi đó heng, trời ơi rất là vui luôn đó! Nhìn lại hình mà Cá tui còn thấy xúc động nữa.
Sau phần thực hành vũ đạo, các bạn trẻ tham dự workshop được chia thành các nhóm để luyện tập và được khuyến khích sáng tạo với vũ đạo hát bội. Đa phần các nhóm đều thực hiện cho đủ 9 vũ đạo với các đội hình khác nhau, cá biệt có nhóm còn dùng vũ đạo hát bội để diễn tả cảnh…nấu ăn. Nếu bạn đang tò mò là “làm sao có thể?” thì xem liền link bên dưới nghen!
Trước khi đến phần tổng kết và hoàn tất workshop, Hiếu Văn Ngư còn “khảo bài” các bạn tham dự bằng cách hỏi những câu hỏi ngắn về lịch sử và đặc trưng hát bội. Các bạn quốc tế giỏi lắm nha, không chỉ nhớ được tiếng Việt “đẹp”, còn thuộc luôn tên các bộ “khai, niêm, thinh, ký, cầu” và những bạn trả lời đúng đều được team Cá tặng stickers hát bội do chính Josh Trombley và Uyên Phương thiết kế.
Không khí “rần rần” và bất ngờ được Hiếu Văn Ngư duy trì đến tiết mục kết thúc, cũng là lấy cảm hứng “có thủ có vĩ” (có đầu có đuôi) trong hát bội. Với màn biểu diễn này, Hiếu Văn Ngư đã được nghệ sĩ Bảo Châu giúp sức để biên soạn, lấy cảm hứng từ lớp “Tứ thiên vương” trong lễ đại bội. Nếu bạn mình hay đến đình để dự lễ kỳ yên chắc sẽ biết tiết mục này hay xuất hiện 4 vị tứ thiên vương mang theo 4 bức liễn với những lời chúc may mắn như “Phong điều vũ thuận”, “Phúc như đông hải”,… Để tăng sự hấp dẫn và bất ngờ, Josh Trombley – thành viên mặc giáp nam đã trực tiếp vẽ bộ tứ linh long – lân – quy – phụng lên bốn bức liễn. Với lợi thế là nghệ sĩ thị giác, Josh Trombley đã hoàn thành xuất sắc phần vẽ “live” này, cả khán phòng như vỡ oà khi nhận ra bộ tứ linh và team Cá đã gửi tặng 4 liễn này đến ban tổ chức AYTF.
Kết thúc workshop, Hiếu Văn Ngư không được nghỉ liền mà liên tục được các nước đến mời chụp ảnh lưu niệm. Ai ai cũng cảm ơn team Cá vì đã mang đến workshop thú vị, và nhất định phải chụp ảnh với bộ giáp nam, bức liễn cũng như các thành viên Hiếu Văn Ngư. Cảm giác của chúng mình lúc đó thiệt là muốn có cách nào để livestream khoe liền với các bạn mình cũng như cô chú anh chị diễn viên hát bội cũng đang ngóng theo hành trình của team Cá. Thiệt là tự hào, xúc động và hân hoan lắm các bạn ơi!
Đến với AYTF 2023, Hiếu Văn Ngư là một trong hai nhóm không biểu diễn nên được Ban tổ chức ưu ái cho thời gian workshop gấp đôi các workshop khác (120 phút). Và chúng mình đã hết lòng hết dạ chuẩn bị, luyện tập để đem đến cho cho AYTF những gì mà team Cá trân quý từ nghệ thuật hát bội. Bạn biết không, hành trình chuẩn bị cho 120 phút này cũng rất nhiều chặng, nhiều chuyện có thể kể, mà bài hôm nay đã dài nên Cá hẹn bạn kỳ sau để có thể “giải mã” từng chút một những gì mà Hiếu Văn Ngư đã dày công lên kế hoạch nghen!
——————————–
Trân trọng cảm ơn Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM (anh Võ Hồ Hoàng Vũ – giám đốc nhà hát, NSND Thanh Trang, nghệ sĩ Bảo Châu, nghệ sĩ Thanh Bình), nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm đã đồng hành và hỗ trợ cho Hiếu Văn Ngư trong hành trình mang hát bội đến với AYTF.
Nguồn ảnh tổng hợp từ USA little theatre, USA publications, Bud Theatre.
——————————–
Liên hoan sân khấu trẻ châu Á (Asian Youth Theatre Festival – AYTF) được khởi xướng đầu tiên vào năm 2016 với mong muốn mang lại thay đổi cho khu vực châu Á. AYTF thu hút sự tham gia của các tổ chức văn hoá – nghệ thuật – giáo dục, các nghệ sĩ trẻ trong khu vực. Mỗi mùa AYTF thường được tổ chức tại một thành phố châu Á khác nhau và thời lượng liên hoan lên đến 4 ngày với các hoạt động biểu diễn, đối thoại, workshop. Thông qua các hoạt động này, nghệ sĩ trẻ có cơ hội thảo luận về quá trình sáng tạo nghệ thuật của các đối tác.
Năm nay, Đại học San Agustin (thông qua USA Little Theater) tổ chức Liên hoan sân khấu trẻ châu Á (AYTF) tại thành phố biển Iloilo (Philippines). Từ ngày 22-26/11/2023, sự kiện AYTF với chủ đề “Kết nên hy vọng” (Weaving hope) dự kiến mang đến nhiều hoạt động giao lưu văn hoá, workshop và các tiết mục biểu diễn đa dạng. đến từ 13 đại diện từ các quốc gia châu Á gồm: Bangladesh, Brunei, Cambodia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Sri Lanka, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.