Lý như dòng sông dạt dào tình cảm, chứa nhiều thông điệp từ miền dĩ vãng xa xưa.

Trên hành trình tìm kiếm di sản âm nhạc trong kho tàng diễn xướng dân gian Nam Bộ, lý hiện lên như những viên ngọc sáng. Phương Nam sông nước mênh mông, cánh đồng bát ngát, tình người xứ sở bao dung trở thành vùng đất màu mỡ cho làn điệu lý “đơm hoa” kết nên “trái ngọt”. Có bài sản sinh hàng chục dị bản, như: Lý con sáo, Lý ngựa ô. Chưa kể, lý tiếp tục dịch chuyển sâu hơn vào loại hình diễn xướng tổng hợp, như lý đi đường ở hát sắc bùa, lý giọng bóng ở hát bóng rỗi, rồi bước lên sân khấu Cải lương nhằm khắc họa tính cách nhân vật qua Lý cây bông, Lý qua cầu, Lý Mỹ Hưng, Lý trăng thu dạ khúc… Nhờ mức độ phổ biến, kết tinh văn hóa nghệ thuật dân gian, lý tràn cả vào ca khúc mới, thậm chí có nhiều làn điệu lầm tưởng là ca khúc, như: Lý ngựa ô Giồng Riềng mang tên Hành trình lý ngựa ô, Lý chèo đưa cá ông có tên: Kiên Giang mình đẹp lắm, Lý giọng kiềng trong Thiết tha miền Hậu Giang, Lý trèo đèo trong Về Sông Bé quê em, Lý cây khế trong Vợ chồng làm biếng… Sự giao thoa giữa lý và ca khúc chứng tỏ sức hấp dẫn của một thể loại dân ca trong đời sống âm nhạc. 

Lý sinh ra từ làng quê

Chữ lý (俚) nguyên gốc tiếng Hán có nghĩa là: “ca dao dân gian”1, như: “lý ca, câu hát quê kệch của người nhà quê hát”2. “Từ điển tiếng Việt” giải thích mục từ Lí: “Điệu hát dân gian ngắn, gọn, tính nhạc phong phú và rõ nét, chịu nhiều ảnh hưởng của nhạc đàn”3. Đứng ở góc độ âm nhạc, lý là những bài dân ca lưu truyền ở làng quê Việt xưa. Loại bài hát ấy có cấu trúc ngắn gọn, giai điệu ngân nga, uyển chuyển, đặc biệt có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời và nhạc. Nó phản ánh cuộc sống bình dị của người dân Nam Bộ. Làn điệu lý thường sử dụng thể thơ lục bát, song thất, song bát, song thất lục bát hoặc hỗn hợp, thông qua phương tiện biểu hiện của âm nhạc trở thành những mô thức ổn định trong văn hóa giúp cho dễ học, dễ nhớ, từ đó sản sinh hiện tượng dịch chuyển từ vùng này sang vùng khác, từ quá khứ đến hiện tại. 

Giống nhiều thể loại dân ca khác, hát lý đa số trường hợp không có nhạc cụ đệm. Thay vào đó, điệu lý sử dụng thêm từ đệm lót, tiếng láy đưa hơi, tiếng đệm phụ nghĩa, đảo dấu giọng kết hợp thủ pháp luyến âm (một từ nhiều âm)… góp phần tô điểm cho hình thức thanh nhạc. Phải chăng, vì thế mà “Từ điển tiếng Việt” giải thích rằng lý “chịu nhiều ảnh hưởng của nhạc đàn”?! Bên cạnh một số thủ pháp âm nhạc phổ biến trong dân ca, ở lý cũng xuất hiện nhiều tiếng đệm phỏng theo âm sắc nhạc cụ, như: “tình bằng”, “tình tang”, “tình non tang tính”, “xự xế xang”, “hò xự xang”, “lụy xàng xê”, “tang tích tịch”, “tang tệ tang”…  

Playlist các điệu lý Nam Bộ do cô Song Oanh và chú Sáu Hưng thể hiện.

So với hát ru, hò, hát lý bắt đầu có nhịp điệu ổn định hơn, đồng thời thoát khỏi môi trường diễn xướng cố định hay tính năng thực hành xã hội trở thành làn điệu có đề tài, nội dung, phạm vi phản ánh rộng rãi, đa dạng. Nếu hát ru bảo lưu trong môi trường văn hóa gia đình, hò ít nhiều chịu sự ràng buộc bởi tính thực hành xã hội thì lý có khả năng tồn tại độc lập, thể hiện tính chất trình diễn. Có thể bắt gặp ở lý nội dung, đề tài của cuộc sống đa sắc, muôn màu muôn vẻ. Nó như tấm gương phản chiếu sự vật, hiện tượng, tư tưởng, tình cảm thân thương liên quan đến con người, từ chim muông, cỏ cây, hoa lá, dòng sông, bến nước, cây cầu, con tôm, con tép, con cua, cây bưởi, cây ổi, mái chùa, ánh trăng, tình yêu… Tất cả hình ảnh thị giác và cảm quan vô hình đều ẩn hiện qua lời ca, câu hát. Lý như dòng sông dạt dào tình cảm, chứa nhiều thông điệp từ miền dĩ vãng xa xưa. 

1 “Từ điển Hán ngữ xưa nay”, Trung tâm Nghiên cứu Từ thư – Thương vụ Ấn thư quán, Bắc Kinh biên soạn, năm 2004, tr 864.

2 Thiều Chửu: “Hán Việt tự điển”, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, năm 2002, tr 25.

3 “Từ điển tiếng Việt”, Trung tâm Từ điển học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội năm 1994, tr 544.

Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào. 

Tác giả: Lê Hải Đăng

Biên tập: Lục Nhi | Huyên

Thiết kế: Dương Trương

Ảnh bìa: Tran Duy 

Hoạt động được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.