Cùng ngắm hình ảnh Lễ Kỳ Yên năm Canh Tý (2020) ở đình Phú Nhuận.

English version is available for this post.

Hình ảnh: Tran Duy

“Ăn chơi cho hết tháng hai

Cho làng đóng đám, cho trai dọn đình” (Ca dao)

Ngó lịch thấy hôm nay đã gần hết tháng Giêng, nhiều “kèo” vui chơi đình đám đã theo “Cô Vy” mà xếp lại. Cá tiếc nhất là không được du xuân coi hát ở các đình nhân dịp lễ Kỳ Yên, chỉ có thể lấy hình cũ ra xem vậy. Thôi thì mùa xuân hãy còn đây, mời bạn mình cùng Cá “ăn chơi” online nghen. Bữa nay giới thiệu đến quý bạn gần xa Lễ Kỳ Yên ở các đình Nam Bộ, lấy/ ví dụ là đình thần Phú Nhuận (Quận Phú Nhuận, Tp.HCM). Đây là một trong những ngôi đình nổi tiếng và do đó lễ Kỳ Yên nơi đây cũng cực kỳ lớn, thu hút bá tánh đến tham dự mấy ngày mấy đêm liền, đặc biệt đêm nào cũng có hát bội để coi.

Hình ảnh: Tran Duy

Trong đời sống tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đình là một không gian quan trọng để thờ tự các nhiên thần (các vị thần đại diện cho những yếu tố tự nhiên) và phúc thần (các vị thần bảo hộ cuộc sống của con người). Đình nằm trong khuôn khổ của thiết chế tín ngưỡng ở khu vực thôn – làng, nhưng không ngừng tiếp biến những lễ thức chính thống của nhà nước quân chủ phong kiến thành một thể hòa trộn giữa màu sắc bình dân, cởi mở, tự do của dân gian với màu sắc trang nghiêm, quy củ của quốc điển. Dù đứng về phía “quốc điển” hay “dân gian”, đình vẫn giữ chức năng quan trọng là bảo hộ cuộc sống ấm no, bình an cho con người trong địa vực mà đình tọa lạc/ thần cai quản. Bên cạnh đó, đình còn là không gian thực hành và lưu giữ những sản phẩm phi vật thể mang giá trị kết nối giữa xưa và nay, mà diễn xướng và biểu diễn truyền thống là một bộ phận.

Hình ảnh: Tran Duy

“Kỳ yên” từ sớm đã trở thành một nghi lễ quan trọng trong không gian đình Nam bộ. Bản chất của lễ Kỳ yên cũng giống như tên gọi của nó (“kỳ yên” là cách đọc khác của từ “cầu an”) là nhằm bày tỏ sự thành tâm kính ngưỡng đến các thần linh sở tại, chủ yếu là thần Thành hoàng, cầu mong cho bách tính sống yên ổn, thái bình, mùa màng tốt tươi, cuộc sống sung túc mỹ mãn. Căn bản, lễ Kỳ yên là một tập hợp nhiều hình thức cúng tế xen lẫn diễn xướng và biểu diễn truyền thống như hát bội, cải lương,…

Hình ảnh: Tran Duy

Đình Phú Nhuận tọa lạc tại số 18 đường Mai Văn Ngọc, phường 10, quận Phú Nhuận. Đình Phú Nhuận được xây dựng khoảng năm 1818 ở xóm Kinh, sát kinh Nhiêu Lộc, đến năm 1852 được xây lại trên địa điểm hiện nay. Ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý (tức ngày 08 tháng 01 năm 1853), vua Tự Đức đã ban sắc phong cho Thần Thành Hoàng của đình. Đình trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1930, 1966, 1989 và 1998, nhưng vẫn giữ được nét độc đáo kiến trúc cổ của đình Nam bộ thế kỷ XIX. Đình Phú Nhuận được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 3744/QĐ-VHTT ngày 29 tháng 01 năm 1997. (Trích trong quyển “Hành trình di sản văn hóa TP.HCM – NXB Thông Tấn – Tháng 07/2011).

Hình ảnh: Tran Duy

Ngày lễ lớn nhất của đình Phú Nhuận là lễ Kỳ Yên, được tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng Giêng. Ngày 16 tháng Giêng là ngày lễ chính khai mạc với lễ Xây Chầu – Đại Bội do Ban chấp sự của đình và các nghệ sĩ hát bội thực hiện. Sau lễ này, bá tánh tứ phương có thể đến chiêm bái đình cũng như thưởng thức các kịch bản hát bội đặc sắc. Đêm 18 tháng Giêng, đoàn Hát Bội biểu diễn kịch bản “Đường về San Hậu” kinh điển rồi kết thúc đại lễ Kỳ Yên bằng lễ Tôn Vương.

Để xem toàn bộ album ảnh “Cho làng đóng đám, cho trai dọn đình”, mời bạn truy cập thư viện Cultura Fish. 

Tác giả: Huyên – Biên dịch: Karen Trang 

Hình ảnh: Tran Duy | Photo retouch: Karen Trang. 

“Cá kể” là chuyên đề ngao du và ghi chép lại chuyện trên đường đi nhằm giới thiệu những nét nghệ thuật, văn hóa đặc sắc ở Việt Nam.