Một chương trình tích hợp nhiều góc nhìn từ kể chuyện lịch sử – văn hoá, ẩm thực, thể thao, du khảo, nhiếp ảnh… để học sinh có thể hiểu hơn về thành phố nơi các bạn sống.

Tiếp nối chương trình giáo dục trước đó về lịch sử – văn hoá Nam Bộ, với lần trở lại này, Hiếu Văn Ngư mang đến cho các bạn nhỏ lớp Đồng Ca (trường Đồng Xanh Steiner) thêm nhiều chuyện kể và hoạt động tại lớp lẫn ngoài trời để khám phá thành phố Sài Gòn (TP.HCM). Hành trình 2 tuần (từ 12/12 – 23/12/2022) đã để lại nhiều ký ức sinh động cho các bạn nhỏ cũng như chính đội ngũ thực hiện chương trình. Đặc biệt, để tổng kết “Dạo chơi Sài Gòn”, các bạn nhỏ Đồng Ca còn biểu diễn tác phẩm “Mỵ Châu – Trọng Thuỷ” do chính các bạn biên kịch, đạo diễn.

Phương pháp tiếp cận đa dạng – nhân văn

Đúng với tinh thần “dạo chơi”, Hiếu Văn Ngư đã xây dựng giáo án dựa trên nhiều phương pháp như kể chuyện, trò chơi chiến lược (board game), âm nhạc (đờn ca tài tử), nghệ thuật biểu diễn truyền thống (hát bội), nhiếp ảnh, pha chế cafe, thể thao (cung thuật),… để các bạn nhỏ Đồng Ca vừa học vừa chơi, vừa hình thành những kết nối tự nhiên với thành phố nơi các bạn sống. Hai tuần “Dạo chơi Sài Gòn” là hai tuần đầy ắp những câu chuyện kể, hoạt động, thí nghiệm, những chuyến đi nội thành thú vị và nhiều nhất là những câu hỏi, tự háo hức, tò mò đến từ các bạn nhỏ.

Từ thành phố của em…

“Dạo chơi Sài Gòn” mở đầu bằng trò chơi vận động – đóng vai, sau đó là “bài tập” cho các bạn tự thiết kế một thành phố các bạn thích. Vậy là có bạn muốn thành phố tên “Tây phương cực lạc” vì nơi đó không có khổ đau, không ai làm hại nhau được; có bạn muốn xây thành phố mà cư dân toàn ở nhà trên cây, có mái vòm phun nước khi bị cháy; có bạn muốn xây thành phố mà trường học, công viên, khu vui chơi, thư viện đều…miễn phí cho mọi người; lại có đứa muốn xây thành phố có nhiều…cục tình báo (lấy cảm hứng từ bộ truyện mà bạn đang đọc). Từ những hình dung của các bạn  nhỏ về một thành phố, các thành viên Hiếu Văn Ngư đã mời lớp Đồng Ca du hành qua những miền văn hoá của thành phố.

Phác hoạ nên thành phố trong tưởng tượng

Sài Gòn cà phê sữa đá

Cà phê là một trong những “nội dung” mà Hiếu Văn Ngư luôn muốn giới thiệu cho các bạn nhỏ (vì món này vừa thơm, vừa ngon) nhưng sợ các bạn say cà phê nên cứ chần chừ. Lần này được thầy chủ nhiệm Trần Minh Sang “bật đèn xanh”, hỏi kỹ các bạn trước ngày học mới yên tâm đem hết đồ đạc trong nhà lên trường để “mở quán” với các bạn. Cà phê là một trong những nét văn hóa thú vị của Sài Gòn, cũng là “cái cớ” để nói chuyện về du nhập văn hóa của Việt Nam nói chung. Do vậy, workshop pha cà phê lúc đầu của thầy Đức Tùng chú trọng đến việc mang lại cảm giác vui vẻ, được chơi, được “thí nghiệm” các công thức cà phê (khi pha cùng sữa, đá,…) cho các bạn. Trong lúc thưởng thức, các bạn được nghe kể chuyện về cây cà phê cũng như cách cà phê đã đến với Việt Nam nói chung và thành phố Sài Gòn nói riêng.

Diễn xướng Nam Bộ: Đờn ca tài tử & Hát bội

Nghệ sĩ Thanh Bình hướng dẫn vũ đạo hát bội đơn giản cho các bạn lớp Đồng Ca

Lệ thường, cứ học với Hiếu Văn Ngư chắc chắn có màn ca hát. Lần này với chủ đề “dạo chơi Sài Gòn”, lớp Đồng Ca được giới thiệu hai “món ăn chơi” xịn xò là hát bội và đờn ca tài tử: một loại hình diễn xướng tổng hợp lộng lẫy một thời không chỉ ở Sài Gòn mà khắp chốn nước Nam, một loại hình sang trọng nhu nhã từng được thị dân thành phố này ưa thích.

Đây là lần đầu tiên “Hát Bội 101” được Hiếu Văn Ngư giới thiệu đến các bạn nhỏ tiểu học, trước đó khóa này đã được đón nhận bởi nhóm học viên từ teen đến trung niên. Dĩ nhiên, nói chuyện hát bội cho trẻ con không đơn giản vì có nhiều thuật ngữ Hán Việt, nhiều điều lạ thường với trải nghiệm của các bạn. Vậy mà nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông qua cách giảng dạy vừa kể chuyện – vừa minh họa (vũ đạo, nói lối), thử thách đọc thơ theo phong cách trung đại và cách phân loại nhân vật hát bội thành các motif điển hình. Hoạt động vẽ “mặt nạ” rất đặc trưng của thầy Lâm cũng được đón nhận nồng hậu. Thiệt khó tả lại cảm xúc của team Cá lúc đó ra sao khi mà mấy đứa nhỏ đã nhớ hát bội có tính “khoa sức”, làm “làm lố nhưng phải đẹp”, “ố dề mà phải có duyên”. 

Quan sát các cô chú anh chị diễn viên hát bội tập tuồng

Phần tiếp theo của nội dung hát bội là khi các bạn nhỏ được đến xem cô chú anh chị diễn viên tập tuồng tại nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM. Dù chỉ là tập, chưa sắm tuồng hay vẽ mặt nhưng tụi nhỏ nhìn cô chú thoại bằng thơ, hát mấy câu và vũ đạo “múa may quay cuồng” đã phục sát đất, còn hết sức hào hứng đòi coi hát cả ngày. Lớp còn được “chú Bình” (Nghệ sĩ Thanh Bình) hướng dẫn cho 5 miếng vũ đạo đơn giản, tập ngay trên sân khấu.

Với Đờn ca tài tử, vốn đã quen với nghệ sĩ Sáu Hưng – Song Oanh ở học kỳ trước khi học dân ca, lần này lớp được nghiêng tai lắng nghe các hơi Bắc, Nam, Oán, Lễ rồi kết hợp trò chơi vận động. Hai nghệ sĩ cũng nhiệt tình dạy các bạn ca “Hành vân” lời mới, xướng âm “xang xê liu ú…” không biết bao nhiêu lần để lớp vạch nhịp, xác định nhịp song lang. Biết đâu mai kia mốt nọ, khi dòng đời lao xao, các bạn nhỏ ngày hôm nay sẽ tựa vào một câu Nam Xuân để trải lòng thì sao…

Du khảo kết hợp nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh gia Giang Phạm hướng dẫn chụp ảnh cho các bạn nhỏ

Ban đầu, khi các bạn lớp Đồng Ca nghe chủ đề của 2 tuần học là…Sài Gòn, các bạn có vẻ thất vọng vì trước đó nghĩ là sẽ được đi chơi xa và thành phố thì có gì lạ nữa đâu. Ấy vậy mà khi được giao cho máy ảnh film với giới hạn số ảnh có thể chụp (4 tấm), không gian “tác nghiệp” là khu chợ Bàn Cờ nhộn nhàng, các bạn nhỏ phát hiện ra thành phố này vừa quen vừa lạ. 

– “Cái hẻm này rất là…hẻm, ở ngoài nhìn không có gì mà bên trong đẹp ghê” – một bạn cảm thán khi tình cờ bước vô con hẻm có trang trí Giáng sinh.

– Hiếu Văn Ngư đáp lại: “Đó đó, Sài Gòn hay như vậy đó”

Nội dung nhiếp ảnh và du khảo được dẫn dắt bởi nhiếp ảnh gia Giang Phạm. Thầy Giang hướng dẫn các bạn nhỏ cách kể chuyện qua hình ảnh, làm thế nào để chụp đẹp hơn (bố cục, quy tắc chụp,…) nhưng rồi vẫn luôn dặn “con giơ máy lên thấy đẹp thì chụp”. Các bạn lớp Đồng Ca học cách quan sát, chờ đợi, và cân nhắc để đưa ra quyết định chụp (vì không biết trạm kế tiếp có đẹp hơn hay không). Cứ vậy, chuyến du khảo trong lòng thành phố (do thầy Giang đề xuất lộ trình) tưởng không hào hứng nhưng lại vui không tưởng. Kiểu niềm vui đó không hẳn là náo nhiệt như chuyến đi về miền Tây lần trước với rất nhiều hoạt động nhóm, mà là kiểu niềm vui có phần sâu lắng, thêm phần tò mò và cũng có chút phiêu lưu vì không biết điều gì đang chờ đợi hay những người ở chợ sẽ nói gì, làm gì với các bạn.

Rèn luyện thân – tâm cùng cung thuật

Nếu không kể các chuyến du khảo thì đây là buổi học hoàn toàn ngoài trời, lại còn là sáng thứ hai trong lành, mát mẻ. Cả lớp hẹn nhau (thực ra do Hiếu Văn Ngư “bày trò”) ăn mặc “khác ngày thường” để bắn cung, chẳng vì mục đích gì cả, chỉ vì vui thôi. Vậy là mấy thầy cô ở Câu lạc bộ bắn cung Trần Quan cũng hưởng ứng cùng học trò. Buổi học sáng nay cứ rộn rã một góc vườn với đủ loại thú, trái cây, mặt nạ…hát bội.

Dĩ nhiên nội dung bắn cung vẫn phải liên quan tới chủ đề Sài Gòn mà Đồng Ca đang học cùng với Hiếu Văn Ngư. Ngoài kể chuyện võ bị thời xưa (cung tên là minh họa) thì các bạn nhỏ còn phải xây…thành để phòng thủ, phỏng theo thành Quy, thành Phụng một thời. Kể ra học từ 9h tới 11h mới xong nhưng thấy thời gian trôi qua lẹ ơi là lẹ, có mấy bạn chơi chưa đã cứ muốn được bắn thêm 

Trò chơi chiến lược (boardgame) học về thương mại

Bữa cuối của hai tuần học về Sài Gòn kết thúc nhẹ nhàng bằng…boardgame. Khác với không khí “rần rần rộ rộ” của mấy bữa trước vì có trò chơi vận động, học ngoài trời hay đi field trip, lần này các bạn nhỏ được thử sức với việc tư duy, lên kế hoạch buôn bán sao cho “có lời” và làm việc nhóm để cùng đạt được lợi ích. Lớp sáng nay lại rộn rã theo kiểu…cái chợ đúng nghĩa, đứa bán đứa mua, đứa “ép giá”, đứa năn nỉ ỉ ôi, thiệt hết sức thú vị. Cũng nhờ vậy mà bất ngờ phát hiện ra nhiều bạn rất thông minh, biết phân việc trong nhóm và hiểu được tình hình “thị trường” luôn! Buổi chơi boardgame học về Sài Gòn được dẫn dắt bởi Ngô Quang Đĩnh – một host boardgame thường xuyên tổ chức các buổi chơi boardgame giao lưu tại TP.HCM. 

Buổi tổng kết bất ngờ

Hành trình 2 tuần (từ 12/12 – 23/12/2022) đã để lại nhiều ký ức sinh động cho các bạn nhỏ cũng như chính đội ngũ thực hiện chương trình. Đặc biệt, để tổng kết “Dạo chơi Sài Gòn”, các bạn nhỏ Đồng Ca còn biểu diễn tác phẩm “Mỵ Châu – Trọng Thuỷ” do chính các bạn biên kịch, đạo diễn. Các bạn còn tự là phục trang, thiết kế sân khấu, đưa vào tác phẩm biểu diễn của mình các mảng miếng hát bội đã được học.

Tiết mục “Mỵ Châu – Trọng Thuỷ” do lớp Đồng Ca thực hiện và không có sự can thiệp của các thầy cô

Kết thúc chương trình, Hiếu Văn Ngư cùng thầy Trần Minh Sang (chủ nhiệm lớp Đồng Ca) cùng các bạn học sinh hát với nhau những bài bản đờn ca tài tử, ngắm lại hình ảnh các bạn đã chụp trong chuyến du khảo và dành cho nhau nhiều lời khen đối với “Mỵ Châu – Trọng Thuỷ”. Hiếu Văn Ngư hy vọng những gì “Dạo chơi Sài Gòn” mang đến cho lớp Đồng Ca sẽ là cảm hứng để các bạn tìm hiểu và yêu quý hơn thành phố nơi mình sinh sống. 

————————————–

Đội ngũ thực hiện chương trình “Dạo chơi Sài Gòn”

Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish

  • Quản lý dự án (project manager): Hà Thúc Đức Tùng
  • Concept và nội dung: Lục Phạm Quỳnh Nhi
  • Giáo viên/ người kể chuyện: Hà Thúc Đức Tùng (cung thuật, pha chế cafe, lịch sử), Lục Phạm Quỳnh Nhi (lịch sử, văn hoá), nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm (nghệ thuật hát bội), nghệ sĩ Sáu Hưng – nghệ sĩ Song Oanh (đờn ca tài tử). 
  • Trợ lý và hình ảnh: Võ Trung Hậu 

Cùng sự hỗ trợ của

  • Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh. 
  • Câu lạc bộ bắn cung Trần Quan Brothers
  • Nhiếp ảnh gia – nhà báo Giang Phạm
  • Host boardgame Ngô Quang Đĩnh
  • Phụ huynh lớp Đồng Ca (trường Đồng Xanh Steiner) 

Để tìm hiểu về hoạt động thiết kế và giảng dạy các khóa học với nhiều chủ đề như khoa học, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật,… vui lòng liên hệ với Hiếu Văn Ngư qua email [email protected] hoặc số điện thoại 0934848800 (Đức Tùng)