Với chủ đề “Dạo chơi trong văn hoá Việt Nam”, khoá “Biết người biết ta” (Mùa 2 từ ngày 10/03 – 18/03/2023) đã nỗ lực mang đến cho học viên những trải nghiệm đa dạng không chỉ về số lượng các lĩnh vực (nhân học, sân khấu truyền thống, ẩm thực, nghi lễ,…) mà còn phong phú về hình thức truyền tải (lớp học, workshop, trải nghiệm pha chế, du khảo, vv).

Tiếp nối thành công của “Biết người biết ta” mùa trước (năm 2021), chương trình lần này lấy chủ đề “Dạo chơi trong văn hoá Việt Nam”, tiếp tục cung cấp kiến thức nền tảng và hướng dẫn thực hành văn hóa, nhằm tìm hiểu các đặc tính văn hóa – lịch sử Việt Nam như một cách để hiểu về chính mình (ảnh hưởng của văn hóa lên tư duy, tình cảm, hành động). Khoá “Biết người biết ta” (Mùa 2 từ ngày 10/03 – 18/03/2023) đã nỗ lực mang đến cho học viên những trải nghiệm đa dạng không chỉ về số lượng các lĩnh vực (nhân học, sân khấu truyền thống, ẩm thực, nghi lễ,…) mà còn phong phú về hình thức truyền tải (lớp học, workshop, trải nghiệm pha chế, du khảo, vv).

Hãy cùng Hiếu Văn Ngư nhìn lại hành trình “Biết người biết ta” này nhé: 

1. “Tổng quan văn hoá Việt Nam”: lớp học trang bị kiến thức đi “phượt có nghề’

Được xem là phần “nền tảng” cho toàn bộ chương trình “Biết người biết ta” học phần “Tổng quan văn hoá Việt Nam” cung cấp cho học viên những góc nhìn của nhà nhân học – dân tộc học nhằm hiểu hơn về vùng đất nơi mình sinh ra cũng như cách để quan sát và tiếp xúc với các nền văn hoá khác nhau. Hình ảnh trên đây chỉ có thể “chụp” được học viên, giảng viên nhìn khá “truyền thống” chứ thực tế thì học phần này lại rất sôi nổi vì câu hỏi từ học viên, những chuyện tiếu lâm của nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng và cả những phiên thảo luận của học viên về vấn đề giáo dục, văn hóa, ký ức. 

Dù là một học phần có phần “nặng đô” về kiến thức nhưng nhà nghiên cứu – giảng viên Lê Hải Đăng đã cố gắng mang đến “bài học” cuối cùng thật đặc biệt: học hát “Bèo giạt mây trôi” với chính tiếng đàn của anh. Hy vọng những kiến thức nền tảng từ “Tổng quan văn hoá Việt Nam” sẽ mang đến cho các anh chị học viên thật nhiều tự tin khi đi “phượt” ở nước mình và mọi nơi trên thế giới.

Nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng hướng dẫn học viên hát “Bèo giạt mây trôi” trên tiếng đàn guitar của anh

2. Học phần “Hát Bội 101”: tập làm khán giả coi hát “có nghề”


“Hát bội 101” vốn đã quen thuộc với những ai quan tâm đến Hiếu Văn Ngư từ những ngày đầu thành lập bởi đây là học phần hướng đến…khán giả với các kiến thức “nhà nghề” để có thể thưởng thức các loại hình diễn xướng như hát bội, cải lương, kịch nói, vv. Khi được tích hợp trong chương trình “Biết người biết ta”, “Hát bội 101”  không chỉ mang đến kiến thức “coi hát” mà còn cung cấp những góc nhìn, thông tin về các loại hình biểu diễn có trong khu vực châu Á mang những nét tương đồng với hát bội. Được dẫn dắt bởi nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm (người khiêm tốn nhận mình là “một người coi hát lâu năm”), “Hát bội 101” là những buổi học đầy ắp tiếng cười khi các anh chị học viên được trải nghiệm nói lối, được nghe tích truyện có trong tuồng, được giải đáp những sự “quen quen lạ lạ” trước giờ hay gặp nhưng không biết nó đến từ sân khấu hát bội.

Nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm hướng dẫn học viên đọc thơ theo lối trung đại, kết hợp thêm các điệu bộ mà học viên sáng tạo nên

Đặc biệt, “Hát bội 101” còn mang đến cơ hội trải nghiệm khoác lên người bộ trang phục của đào kép hát bội cũng như “sắm tuồng”. Từ những anh chị học viên vốn chưa từng đụng vào son phấn hát bội, qua bàn tay chăm chút tỉ mỉ của các cô chú anh chị diễn viên hát bội đến từ Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM đã trở thành những kép võ, kép văn, đào đẹp, đào võ,… Workshop này thú vị đến nỗi một số học viên đã quyết định giữ nguyên phần vẽ mặt để…chạy xe ngoài đường.

3. Học phần “Dân ca Nam bộ”: thì ra ca cổ dễ dàng như vậy


Nghệ sĩ Sáu Hưng và nghệ sĩ Song Oanh đã gắn bó với Hiếu Văn Ngư qua các hoạt động giới thiệu đờn ca tài tử, cải lương (phần âm nhạc), nói thơ, dân ca Nam Bộ,…đến với khán giả. Với học phần “Dân ca Nam bộ”, hai nghệ sĩ không chỉ mang đến tiếng đờn lời ca mà còn khuyến khích học viên trẻ tự tin sáng tạo với các chất liệu truyền thống. Trong khoảng 3 tiếng của lớp, học viên được hướng dẫn để thực hành ba hình thức dân ca như hò, hát ru, lý. Học dân ca nhưng mà nhiều hoạt động, từ ngồi tại chỗ đến phải di chuyển, không khí rần rần rộ rộ rất là phấn chấn.

Học viên sáng tạo với giai điệu các bài “Lý cây ổi”, “Lý cây khế”,..

4. Học phần “Truyện thơ Lục Vân Tiên”: trước đèn xem chuyện Tây Minh…


Là màn “song kiếm hợp bích” đến từ nghệ sĩ Sáu Hưng – Song Oanh và nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm; học phần “Truyện thơ Lục Vân Tiên” hướng dẫn cho học viên các nói thơ đúng điệu miền Nam bên cạnh một lớp “lý thuyết” giảng giải những điều hay của tác phẩm này về mặt văn học lẫn vai trò của nó đối với văn hoá miền Nam. Hai buổi “Truyện thơ Lục Vân Tiên” mang đến không khí mới lạ đối với một tác phẩm “văn học nhà trường”. 

Không khí thảo luận và các hoạt động lớp sôi nổi của lớp nói thơ Vân Tiên

5. Học phần “Lịch sử cá nhân & tìm hiểu về người Hoa Chợ Lớn”: từ câu chuyện lịch sử cá nhân…

Bên cạnh các học phần tổng quan có tính chất khái lược hay các lớp “101” nhập môn, Hiếu Văn Ngư còn đưa vào chương trình “Biết người biết ta” những “case study” có tính chất cá nhân, ví dụ như học phần “Đối thoại Chợ Lớn” cùng anh Lương Chí Cường – một người Hoa ở Chợ Lớn với nhiều kinh nghiệm trong ngành du lịch và thương mại. Thông qua “lịch sử cá nhân” của anh Cường vốn là chuỗi các biến cố, trải nghiệm và sự lựa chọn, học viên có thể phần nào hình dung một người chọn căn tính cho mình thuộc về một nền văn hóa nào đó là như thế nào và những yếu tố thời đại có ảnh hưởng ra sao, cá nhân này khi va chạm với môi trường đa văn hóa, khi làm việc sẽ có những phản ứng gì liên quan đến “bản sắc”. Thật vui vì bữa hôm đó các anh chị học viên rất thoải mái chia sẻ câu chuyện của chính mình, cùng thảo luận với giảng viên và từ đó mở ra nhiều sự suy tư mà mình để ý là kéo dài đến một tuần sau đó.

Phiên chia sẻ câu chuyện cá nhân của anh Lương Chí Cường với trải nghiệm “chọn làm người Hoa”

Sau buổi đối thoại này là một chuyến du khảo Chợ Lớn trong ngày khám phá đôi nét về cộng đồng người Hoa Chợ Lớn qua kiến trúc, tâm linh, ẩm thực, nghệ thuật lân sư rồng,… Bằng việc đi bộ qua các không gian văn hoá ở khu vực Chợ Lớn, trải nghiệm ẩm thực cũng như ghé thăm Thắng Nghĩa Đường, học viên có dịp tìm hiểu về văn hoá người Hoa và lại có thêm “chất liệu” để trao đổi với người hướng dẫn.

Học viên Hiếu Văn Ngư tham quan Thắng Nghĩa Đường

6. Workshop “Thưởng thức cà phê”: văn hoá là sinh hoạt


Cà phê không phải là cây bản địa ở Việt Nam nhưng chúng ta thì không lạ với mấy câu kiểu như “đi ăn sáng uống cà phê”, “bữa nào cà phê nha”,… Cùng với cây lúa, cây cà phê có thể “kể” câu chuyện Việt Nam với các góc độ kinh tế, nông nghiệp, văn hóa, hương vị,… Thời may, Hiếu Văn Ngư có thể mời được anh Lê Hữu Phước làm giảng viên cho nội dung thú vị này, mà anh gọi là workshop “Dạo chơi cùng cà phê”. Với quan điểm “văn hoá là sinh hoạt”, barista Lê Hữu Phước đã chia sẻ với các anh chị tham dự workshop “Thưởng thức cà phê” đôi nét về lịch sử cây cà phê trên thế giới và những kinh nghiệm của anh đối với ngành cà phê Việt Nam.

Barista Lê Hữu Phước hướng dẫn thực hành pha cà phê

Barista Lê Hữu Phước còn gợi mở cho học viên chia sẻ trải nghiệm cà phê từ hồi còn nhỏ xíu, vừa hướng dẫn pha chế cà phê đủ kiểu từ máy, pour over, phin,… Buổi này mình hay giỡn vui là “cực phê” vì ngửi, pha, nếm nhiều loại cà từ thương mại tới specialty, trò chuyện rôm rả như học trong lab vậy. Thích nhất là mỗi khi học viên nếm cà phê và nhận ra sự khác nhau nếu thay đổi các yếu tố công cụ, nhiệt độ, kích cỡ xay; ngồi ngắm lớp mà như phòng lab thôi cũng đủ vui rồi. “Vơ đét” của ngày là món cà phê muối ngon quên lối về, ít thấy ai chỉ dừng ở 1 ly.

Niềm vui khi được thưởng thức cà phê muối ngon tuyệt

7. Học phần “Nghi lễ”: trước đình sau miếu

Trip “Trước đình sau miếu” hay được giới thiệu là bản “hướng dẫn sử dụng” đình, miếu; nghĩa là học cách nhận diện các trú xứ tâm linh, biết hành lễ với các vị ở đó và khi hành lễ thì biết vì mình đang thực hành văn hóa chứ không phải là sự sợ hãi. Trip này do anh Lê Bá THông hướng dẫn hết sức căn bản về nghi lễ ở miền Nam và ảnh cũng rất chịu giải thích cho học viên những chi tiết nhỏ nhỏ ở đình, miếu. Ảnh còn tận tình hướng dẫn cách bái, lạy và “giải thiêng” mấy cái mà dân gian hay đồn thổi về nghi lễ và càng về sau trip thì các bạn học viên càng thoải mái hơn với những không gian này.

Anh Lê Bá Thông chia sẻ cách mà anh thường thực hành nghi lễ cúng, bái trong các không gian văn hoá như đình, miếu

Trước trip này, Hiếu Văn Ngư cũng trang bị cho học viên kiến thức về đình, miếu hiểu như là các thiết chế văn hóa thuộc về cộng đồng – mà ta cũng là một phần của cộng đồng đó. Và vì vậy, ta không nên e dè đình, miếu; càng không cần phải sợ hãi nếu ai đó tô vẽ cho những nơi này theo kiểu “giật gân”, “rùng rợn”. Hành trình “biết người biết ta” là để hiểu hơn những yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến ta, để hiểu, để lựa chọn, và để…thong dong tự tại hơn trong tư tưởng.

Còn rất nhiều câu chuyện để chia sẻ về hành trình “biết người biết ta” (mùa 2) nhưng bài đã dài, Hiếu Văn Ngư xin hẹn những dịp sau sẽ kể thật kỹ từng học phần. “Biết người biết ta” sẽ sớm được khai giảng lại với các nội dung được làm mới, bạn hãy đón chờ thông tin trên trang Facebook hoặc website của Hiếu Văn Ngư  nhé. 

THÔNG TIN LIÊN HỆ:
  • Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish