Hành trình “Du ngoạn trong không gian và thời gian văn hoá” đã khép lại với nhiều trải nghiệm sâu sắc và thú vị dành cho học viên.

Từ ngày 04/11 – 18/11/2023, HiếU Văn Ngư đã tổ chức chương trình “Biết người biết ta” (Mùa 3) với chủ đề  “Du ngoạn trong không gian và thời gian văn hoá”. Tương tự như các mùa trước, “Biết người biết ta” mùa 3 gồm chuỗi các bài giảng và workshop nhằm tìm hiểu các đặc tính văn hóa – lịch sử Việt Nam như một cách để hiểu về chính mình (biết ta) và có “hành trang” để trở thành công dân toàn cầu (biết người). Hiếu Văn Ngư đã mang đến cho học viên những trải nghiệm sâu sắc thông qua các nội dung về tổng quan văn hoá Việt Nam, thường thức nghệ thuật biểu diễn – diễn xướng truyền thống, thực hành vũ đạo hát bội, thực hành dân ca Nam Bộ, tìm hiểu và thực hành làm bánh mì Việt Nam, vv. Hãy cùng chúng mình nhìn lại hành trình thú vị này nhé.

HỌC PHẦN “TỔNG QUAN VĂN HOÁ VIỆT NAM”

Với sự dẫn dắt của Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng, các anh chị học viên “Tổng quan văn hoá Việt Nam” đã cùng “phượt” qua nhiều miền không gian – thời gian văn hoá khác nhau. Có lúc là “nước Việt” những ngày thuỷ tổ cho đến bối cảnh hiện đại, có khi “dạo chơi” nơi đình, miếu; lại có những khi cùng nhau thưởng thức dân ca từ khắp mọi miền đất nước. Nhận diện được các yếu tố văn hoá đã và đang tác động lên suy nghĩ và hành vi sẽ giúp chúng ta cơi nới thêm khoảng trời tư duy và có thêm nhiều suy tư khi quyết định. 
Để kết thúc học phần này, nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng đã lựa chọn Trường ca “Hòn vọng phu” (Sáng tác: Lê Thương) làm tiết mục “tổng kết” học phần mang chủ đề “Du ngoạn qua thời gian và không gian văn hoá” với hy vọng có thể dùng âm nhạc để đưa các học viên lên đường “vạn lý xuyên nước Nam” ở hai chiều kích không – thời.

HỌC PHẦN “THƯỜNG THỨC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN – DIỄN XƯỚNG TRUYỀN THỐNG”

Với học phần này, nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm (người tự nhận mình là “khán giả coi hát lâu năm) không chỉ trang bị kiến thức nền tảng về sân khấu kịch, cải lương, chèo, hát bội,… cho các học viên mà còn mang tới những giờ phút thực hành từ nói thơ theo phong cách trung đại, vẽ “mặt nạ” dựa trên chất liệu truyền thống, tập hát cải lương. Đặc biệt, Hiếu Văn Ngư còn tổ chức workshop vũ đạo hát bội với diễn viên chuyên nghiệp từ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM để các học viên có những trải nghiệm thật nhất về nghệ thuật hát bội.

Nghe có vẻ vất vả nhưng với những gì được trải nghiệm ở học phần này, học viên sẽ không ngại bất kỳ loại hình sân khấu cổ truyền nào ở nước mình; thậm chí còn có thể dùng “vốn liếng” đó để coi được Kinh kịch (Trung Quốc), Kabuki (Nhật Bản), kịch Noh, hay Talchum (Hàn Quốc),… Đây cũng chính là hàm ý “biết người biết ta” mà Hiếu Văn Ngư đang cổ vũ.

WORKSHOP “DÂN CA NAM BỘ”

Workshop “Dân ca Nam Bộ” buổi 1

Lời ru đưa nôi “chiều chiều quạ nói với diều”, câu hò đối đáp hay mấy điệu lý cấy, lý cây chanh, lý con mèo,… lại có thể khiến người ta “trôi” về miền ký ức một cách mạnh mẽ. Cũng vì thế mà hai lần tổ chức workshop “Dân ca Nam Bộ” đều là những buổi tâm tình thật gần gũi, thân thương bên cạnh những giờ phút thực hành hò, lý, hát ru với sự hướng dẫn của nghệ sĩ Sáu Hưng và nghệ sĩ Song Oanh. Tâm sự của các anh chị về ngày còn nghe mẹ hát ru, lúc đi học chép tay nhiều câu ca dao, câu hò bị quên ngang trong buổi diễn văn nghệ, hay điểm 3 vì hò chưa hay của cô giáo cứ vậy cứ vậy được khơi ra, dòng chảy của dân ca nhẹ nhàng len lỏi vào trong tim.

Workshop “Dân ca Nam Bộ” buổi 2

WORKSHOP LÀM BÁNH MÌ VIỆT NAM

Nếu như “Biết người biết ta” mùa 2 mang đến trải nghiệm pha cà phê thì với mùa 3, các học viên tiếp tục khám phá cách làm bánh mì – một món ăn quen thuộc ở Việt Nam vốn có nguồn gốc ngoại lai. Các anh chị học viên và các bạn nhỏ đã lao động cật lực để có thể có được mẻ bánh nóng giòn, “có da rùa” nhưng không được gãy vụn như yêu cầu của thầy Diệp Đại Liên Bảo – người hướng dẫn. Đây cũng là sự kiện khép lại chuỗi chương trình “Biết người biết ta” (Mùa 3) với những câu chuyện kể về bánh mì Việt Nam trong mối tương quan với lịch sử…nhân loại, thế giới vi sinh và rất nhiều chuyện thú vị khác do Hà Thúc Đức Tùng và Võ Trung Hậu dẫn dắt.

Hiếu Văn Ngư: Được thành lập từ năm 2020, Hiếu Văn Ngư (Cultura Fish) là nhóm nghiên cứu, ứng dụng và sáng tạo văn hoá – nghệ thuật. Với cách tiếp cận đa diện các lĩnh vực như giáo dục, nghệ thuật thị giác, âm nhạc, lịch sử – văn hoá, thể thao, ẩm – thực, biểu diễn,… các hoạt động của Hiếu Văn Ngư thường chạm đến trái tim người tham dự; một số dự án có thể kể như “Hát bội 101”, “Phong hoa ca vịnh”, các chương trình giáo dục theo lối kể chuyện nhập vai. Bên cạnh đó, Hiếu Văn Ngư cũng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước như ICHCAP-UNESCO, British Council Vietnam, Asian Youth Theatre Festival (AYTF). 

———————————–

THÔNG TIN LIÊN HỆ: