Mô hình các nhân vật phản diện trong nghệ thuật hát bội Việt Nam
MÔ HÌNH NỊNH
Là nhân vật nam thuộc phe phản diện; thường mặt trắng mốc, râu rìa. Mô hình nịnh cấp 2 gồm:
Nịnh gốc: Mang tất cả đặc điểm chung của mô hình nịnh; đã có phe cánh vững mạnh. Ví dụ: Tạ Thiên Lăng (San Hậu).
Nịnh mụt: Cũng mang tất cả đặc điểm chung của mô hình nịnh; song chưa có phe cánh vững mạnh. Ví dụ: Vưu Hồn, Bí Trọng (Bá Ấp Khảo). Tuy có sự phân hóa, nhưng hai nhánh mô hình nịnh này có kỹ thuật biểu hiện không khác nhau mấy về tạo hình, chỉ phân biệt rõ ràng theo phong thái. Nếu như nịnh gốc thường có thái độ ngông nghênh, xem thường tất cả thì nịnh mụt chỉ bộc lộ phong thái hèn hạ, a dua, bợ đỡ.
Nhân vật Đổng Trác. Diễn viên: Nghệ sĩ Hoàng Hà
Đổng Trác tiếp tục là một trong bộ ba nhân vật nam (cùng với Lữ Bố, Vương Doãn) tiêu biểu trong tích truyện “liên hoàn kế” hay kịch bản “Phụng Nghi đình”. Trong “Tam quốc chí diễn nghĩa” của La Quán Trung, Đổng Trác được miêu tả là một tên gian thần lộng quyền, có tham vọng thí chúa đoạt ngôi. Quan niệm đó đi vào dân gian và những sáng tác thông tục, bao gồm cả những kịch bản hát bội đã được “Việt Nam hóa”. Do đó, Đổng Trác là nhân vật đại diện cho mô hình nhân vật “nịnh”, thuộc vào nhánh “nịnh gốc”, tức “nịnh” đã có phe cánh vững mạnh. Tạo hình nhân vật Đổng Trác trên sân khấu hát bội bao gồm: Hóa trang mặt nền màu trắng (mặt mốc), râu rìa xồm xoàm, mũi nở rộng như mũi trâu; bụng to, dáng đi khệnh khạng, kềnh càng; phục trang thường là mãng bào lớn, đầu đội mũ bình thiên.
MÔ HÌNH TƯỚNG – YÊU ĐẠO
So với các mô hình khác, mô hình tướng và yêu đạo (hay còn gọi là mô hình thầy rùa) là các mô hình nhân vật phản ánh đậm đà đặc trưng khoa sức của nghệ thuật hát bội từ kỹ thuật hát – nói, hóa trang đến vũ đạo. Điều đó làm cho khán giả, người thưởng thức đặt sự quan tâm nhiều đến các mô hình này.
Mô hình tướng
Đặc điểm chung: Mô hình tướng là mô hình nhân vật tiếp nhận một cơ số những đặc điểm về phong thái, hành động và vũ đạo của kép mang thuộc tính võ: Oai vệ, nhanh nhẹn; hát – nói có lực mạnh. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là hóa trang mặt của mô hình tướng là hóa trang kiểu “mặt nạ”, rất đa dạng và phong phú các hình thức biểu hiện theo lối tượng trưng, cách điệu. Tùy vào vai trò trong vở diễn chúng ta có tướng chính diện (tướng thuộc phe lương thiện, trung nghĩa) như Trịnh Ân (Trảm Trịnh Ân), Hoàng Phi Hổ (Bá Ấp Khảo), v.v.; và tướng phản diện (tướng thuộc phe ác, bất nghĩa) như Tạ Ôn Đình (San Hậu), Từ Hải Thọ (Gia hình loạn tướng), Ô Lợi Hắc (Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ), v.v..
Nhân vật Tạ Ôn Đình. Diễn viên: NSƯT Hữu Danh
Tạ Ôn Đình là nhân vật thuộc phe phản diện trong kịch bản hát bội kinh điển “San Hậu”. Tạ Ôn Đình là dũng tướng trong gia đình họ Tạ, hỗ trợ anh là Tạ Thiên Lăng cướp ngôi nhà Tề. Tuy vậy, trong nghệ thuật hát bội Việt Nam, Tạ Ôn Đình là nhân vật hội tụ nhiều biện pháp nghệ thuật mang đậm nét “khoa sức” đáng chú ý. Tạ Ôn Đình là nhân vật thuộc mô hình “tướng lớn – phản diện” vì có vai vế xã hội lớn, và có vị trí quan trọng trong kịch bản. Trong hóa trang, mặt Tạ Ôn Đình là kiểu mặt rằn, phối hợp xen lẫn giữa màu đen và trắng, bộc lộ vẻ dữ tợn, gây khiếp sợ.
Ngoài ra, mô hình tướng còn phân hóa sâu sắc hơn ở nhánh cấp độ 2 là tướng lớn và tướng nhỏ. Tướng lớn là các mô hình tướng vừa nêu ở trên, có vai vế xã hội, chiếm vai trò quan trọng trong kịch bản. Tướng nhỏ, ngược lại, là những nhân vật có vai trò không quá “chủ chốt” trong kịch bản như Châu Thương (Tử chiến Phàn thành), Tiết Quỳ (Tiết Giao đoạt ngọc), v.v..
Nhân vật Tạ Lôi Nhược. Diễn viên: NSƯT Linh Phước
Tạ Lôi Nhược cũng là một trong các nhân vật thuộc phe phản diện trong kịch bản hát bội kinh điển “San Hậu”, em ruột của Tạ Thiên Lăng và Tạ Ôn Đình. Tạ Lôi Nhược là nhân vật thuộc mô hình “tướng nhỏ – phản diện” vì có vai vế xã hội nhỏ, và có vị trí trong kịch bản không quan trọng, xếp hàng thứ yếu. Bản tính của Lôi Nhược lí lắc, nhanh nhảu tạo thành một cặp đối lập bổ khuyết cho nhau với Ôn Đình: Ông Đình – tĩnh, nghiêm, Lôi Nhược động – hài hước.
Mô hình yêu đạo (thầy rùa)
Đặc điểm chung: Cũng giống như mô hình tướng, mô hình yêu đạo bao chứa nhiều đặc thù “khoa sức” của nghệ thuật hát bội. Tuy nhiên, yêu đạo thường được quan niệm là kiểu nhân vật phản diện, mang tính chất đối lập với những nhân vật chính diện, thừa hành chính nghĩa, công lý chiểu theo ý thức hệ phong kiến. Thêm nữa, những nhân vật này thường có gốc gác là các loài cầm thú tu luyện thành người nên hành động, phong thái cũng mô phỏng sâu sắc các loài vật. Hóa trang nhân vật vì lẽ đó cũng là một bản gợi ý những cách điệu, tượng trưng cho lai lịch của nhân vật. Ví dụ như Dư Hồng (Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu) nguyên là chim hồng nhạn tu luyện thành người nên họa tiết tròng mắt cũng mô phỏng motif hình chim, màu nền mặt là màu đỏ. Tạo hình nhân vật yêu đạo/thầy rùa thường dùng mắt thau để diễn tả mắt lộ kỳ quái, bụng to để chứa đựng phép mầu (nên con gọi là bụng phép), và phục trang mô phỏng cách ăn mặc của đạo sĩ Đạo giáo.
Nhân vật pháp sư Dư Hồng. Diễn viên: NS Nguyễn Tuấn
Cũng giống như mô hình “tướng” (Tạ Ôn Đình, Tạ Lôi Nhược), mô hình “yêu đạo” bao chứa nhiều đặc thù “khoa sức” của nghệ thuật hát bội. Yêu đạo thường được quan niệm là kiểu nhân vật phản diện, mang tính chất đối lập với những nhân vật chính diện, thừa hành chính nghĩa, công lý chiểu theo ý thức hệ phong kiến. Thêm nữa, những nhân vật này thường có gốc gác là các loài cầm thú tu luyện thành người nên hành động, phong thái cũng mô phỏng sâu sắc các loài vật. Tiêu biểu cho mô hình “yêu đạo” là nhân vật Dư Hồng trong kịch bản “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”. Dư Hồng nguyên là con chim hồng nhạn tu luyện thành người, bái Xích Mi Lão Tổ làm thầy. Dư Hồng vâng lệnh thầy xuống trợ giúp nước Nam Đường đánh Tống, để trừng phạt vua Tống là Triệu Khuông Dận. Do nghiệp Tống còn chưa dứt mạch nên về sau được Lưu Kim Đính đến giải trừ, Dư Hồng bị Kim Đính tiêu diệt. Lai lịch của nhân vật này vì lẽ đó cũng là một bản gợi ý những cách điệu, tượng trưng trong “mặt nạ”. Mặt Dư Hồng lấy màu đỏ làm nền, tròng mắt cách điệu motif hình chim, đeo mắt thau để diễn tả mắt lộ kỳ quái, giữa trán có con mắt thứ 3, bụng to để chứa đựng phép mầu (nên con gọi là bụng phép), và phục trang mô phỏng cách ăn mặc của đạo sĩ Đạo giáo.
————
MÔ HÌNH NHÂN VẬT TRONG NGHỆ THUẬT HÁT BỘI VIỆT NAM do Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish và ICHCAP hợp tác thực hiện. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại (reup) ở bất kỳ hình thức nào.
- Tác giả: Vương Hoài Lâm
- Dịch giả Việt- Anh: Hà Hoàng Minh Trang
- Biên tập: Lục Phạm Quỳnh Nhi
- Hình ảnh: Giang Phạm
————
- Theo dõi chuỗi bài viết tại: https://culturafish.com/vi/hat-boi-co-nhung-kieu-nhan-vat-nao-ky-01-tong-quan/
- Đọc phiên bản tiếng Anh tại: https://ichlinks.com/exhibition/hat-boi/
- Xem video “Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam” tại: https://youtu.be/vo0ukRj70CU
————
ICHCAP-UNESCO: Trung tâm mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương trực thuộc UNESCO.
ichLinks: được ICHCAP-UNESCO chính thức triển khai từ năm 2020 với hoạt động chính là phát triển một hệ thống nền tảng chia sẻ thông tin về di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương