Hát bội có những kiểu nhân vật nào
Ngoài việc tham gia vào kịch bản, nhân vật trong sân khấu hát bội còn giữ vai trò thiết yếu trong kỹ thuật biểu hiện.
Trong cấu trúc nội tại của mình, nghệ thuật sân khấu là phép tính cộng hưởng của những nhân tố thuộc các lĩnh vực từ văn học (literary elements), kỹ thuật biểu hiện (technical elements) cho đến nghệ thuật diễn xuất (performance elements). Trong đó, văn học hay kịch bản văn học là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công tất yếu của một tác phẩm sân khấu. Kịch bản văn học là bản gốc của kịch, ghi chú tất cả những yếu tố cần thiết của một tác phẩm loại thể kịch như cốt truyện kịch, hành động kịch, nhân vật kịch, ngôn ngữ kịch, không gian và thời gian kịch. Tất cả những yếu tố vừa nêu tạo nên cốt lõi tinh thần, là nền móng làm nên sự sống động của tác phẩm kịch/sân khấu. Mặt khác, kỹ thuật biểu hiện lại là hệ thống những phương tiện trong từng loại hình kịch (thoại kịch, ca kịch, vũ kịch) nhằm thể hiện những giá trị thẩm mỹ và nhân văn của tác phẩm sân khấu. Nếu như kịch bản và kỹ thuật biểu hiện là điều kiện cần và đủ để hình thành một vở diễn sân khấu tròn trịa thì nghệ thuật diễn xuất lại là điểm nhấn sáng tạo của người đạo diễn trong hoạt động chỉ đạo, của người diễn viên trong hoạt động trình diễn. Nhờ nghệ thuật diễn xuất mà tác phẩm sân khấu trở nên thành công và bất hủ trong lòng khán giả.
Không nằm ngoài cấu trúc đặc thù chung đó, sân khấu kịch hát truyền thống Việt Nam là hát bội (hay còn gọi là tuồng, hát bộ) cũng thể hiện bản chất tổng hợp cao độ thành ba lĩnh vực tương ứng như trên. Trong nghệ thuật sân khấu nói chung, sân khấu hát bội nói riêng, nhân vật có vai trò vô cùng quan trọng. Nhờ có nhân vật mà những yếu tố khác như cốt truyện, hành động, ngôn ngữ… được biểu hiện đầy đủ nhất đến người xem. Không giống như thoại kịch phương Tây, sự biểu hiện nhân vật tùy vào khả năng mô phỏng, những trải nghiệm cá nhân của diễn viên được mỹ hóa thành hành động, ngôn ngữ kịch; nghệ thuật hát bội thuộc loại hình sân khấu tự sự phương Đông, chịu ảnh hưởng của những ước lệ đặc thù theo khuynh hướng tượng trưng, cách điệu. Vì lẽ đó, nhân vật kịch không phải là sự mô phỏng một cách sống động con người hiện thực mà là sự chắt lọc, gộp mẫu nhiều điển hình tính cách, nhân dạng con người. Như vậy, ngoài việc tham gia vào kịch bản, nhân vật trong sân khấu hát bội còn giữ vai trò thiết yếu trong kỹ thuật biểu hiện.
Kỹ thuật biểu hiện sân khấu hát bội, theo giáo sư Hoàng Châu Ký, thuộc vào phương pháp “mô hình hóa”. Theo cách định danh này, tác giả đã phân chia thành các phạm vi là mô hình nhân vật, mô hình nghệ thuật hát – nói, mô hình vũ đạo, mô hình hóa trang và kỹ thuật biểu hiện không – thời gian. Từ mô hình nhân vật, người diễn viên sẽ nắm bắt được những thông tin thiết yếu để chọn lựa mô hình hát – nói, mô hình vũ đạo, mô hình hóa trang tương ứng.
Theo đó, nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam có thể chia ra thành các kiểu mô hình: kép, lão, đào, mụ, nịnh, tướng, yêu đạo. Chuỗi bài viết “Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam” nhằm phác họa nét đặc trưng của các kiểu nhân vật này. Quý vị có thể theo dõi các kỳ:
- Nhân vật “kép”
- Nhân vật “lão”
- Nhân vật “đào” và”mụ”
- Nhân vật phản diện: nịnh, tướng phản diện và yêu đạo
————
MÔ HÌNH NHÂN VẬT TRONG NGHỆ THUẬT HÁT BỘI VIỆT NAM do Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish và ICHCAP hợp tác thực hiện. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại (reup) ở bất kỳ hình thức nào.
- Tác giả: Vương Hoài Lâm
- Dịch giả Việt- Anh: Hà Hoàng Minh Trang
- Biên tập: Lục Phạm Quỳnh Nhi
- Hình ảnh: Giang Phạm
————
- Đọc phiên bản tiếng Anh tại: https://ichlinks.com/exhibition/hat-boi/
- Xem video “Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam” tại: https://youtu.be/vo0ukRj70CU
————
ICHCAP-UNESCO: Trung tâm mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương trực thuộc UNESCO.
ichLinks: được ICHCAP-UNESCO chính thức triển khai từ năm 2020 với hoạt động chính là phát triển một hệ thống nền tảng chia sẻ thông tin về di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương