Kép” là thuật ngữ chỉ nhân vật thuộc giới tính nam. Ngoại hình kép thông thường là nam thanh niên hoặc trung niên.

Đặc điểm chung: “Kép” là thuật ngữ chỉ nhân vật thuộc giới tính nam. Ngoại hình kép thông thường là nam thanh niên hoặc trung niên, hóa trang mặt sạch (dùng râu để phân biệt). Đây là kiểu hóa trang tối giản, được vận dụng để thể hiện nhân vật có tướng mạo khôi ngô, hoặc bình thường; thường là nhân vật tâm lý không dùng các điểm nhấn hóa trang để bộc lộ tính cách. Tương ứng với mô hình kép là kiểu kỹ thuật hát – nói trong sáng, nho nhã. Các nhân vật tiêu biểu thuộc mô hình kép (còn gọi là kép trắng) là Tiết Đinh San, Tiết Ứng Luông (Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ); Bá Ấp Khảo (Bá Ấp Khảo); v.v..

Nhân vật Lữ Bố. Diễn viên: Nghệ sĩ Hà Trí Nhơn

Lữ Bố là một tướng tài dũng mãnh cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Lữ Bố đặc biệt nổi tiếng qua tích truyện “liên hoàn kế” trong pho tiểu thuyết “Tam quốc chí diễn nghĩa” của La Quán Trung. Tích truyện này đã sớm trở thành chất liệu của nhiều hình thức diễn xướng và biểu diễn dân gian cũng như chuyên nghiệp tại Trung Quốc lẫn các quốc gia Đông Á, Nam Á xung quanh. Ở Việt Nam, tích truyện này đã được “sân khấu hóa” thành các kịch bản hát bội và cải lương tuồng cổ kinh điển mang tên “Phụng Nghi đình”. Lữ Bố là nhân vật tiêu biểu cho mô hình “kép”, hóa trang theo lối “mặt sạch” (kiểu hóa trang tối giản) thể hiện con người có tướng mạo khôi ngô, bắt mắt. Trang phục Lữ Bố thường là giáp nam, vũ khí đặc thù là cây “Phương thiên họa kích”. Phía trên mũ của Lữ Bố thường giắt một cặp lông trĩ để tăng tính thẩm mỹ cho vũ đạo thiên về thuộc tính “võ” của nhân vật. Nhờ vậy mà Lữ Bố tích hợp cả sự nho nhã (do diện mạo tuấn tú gây ra cho người xem) lẫn khí chất oai phong, dũng mãnh.

Ở mức độ phân hóa sâu hơn, mô hình kép còn được xây dựng thành các mô hình nhánh cấp 2 đặc thù. 

1.1. Kép đỏ

Là mô hình nhân vật dựa trên hoàn toàn các đặc điểm của mô hình kép (kép trắng), tuy nhiên hóa trang màu nền trên mặt nhân vật thường đỏ tươi hay đỏ hồng. Đây là kiểu nhân vật bộc lộ cá tính trung nghĩa, khí phách trong quan niệm hóa trang hát bội. Ví dụ: Quan Vũ (Tử chiến Phàn thành); Đổng Kim Lân (San Hậu); Cao Hoài Đức (Trảm Trịnh Ân); v.v..

Nhân vật Quan Vũ. Diễn viên: Nghệ sĩ Minh Khương

Giống như Lữ Bố, Quan Vũ là một nhân vật lịch sử nổi tiếng cuối thời Đông Hán ở Trung Quốc. Quan Vũ cũng trở thành nhân vật tiêu biểu cho các tính “tuyệt nghĩa”, “tuyệt dũng” trong pho tiểu thuyết “Tam quốc chí diễn nghĩa” của La Quán Trung. Không những vậy, Quan Vũ còn trở thành một vị phúc thần trong tín ngưỡng dân gian Trung Hoa và nhiều quốc gia khu vực lân cận, trong đó có Việt Nam.Quan Vũ là nhân vật có sự kết hợp giữa hai mô hình “kép đỏ” và “tướng”. Hóa trang mặt Quan Vũ luôn dùng màu đỏ làm nền, râu năm chòm dài nho nhã, đúng như miêu tả trong tiểu thuyết “mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt”. Quan Vũ thường vận phục trang là bộ giáp nam truyền thống của hát bội, vũ khí sử dụng là siêu, tức “Thanh long yển nguyệt đao”.

Nhân vật Đổng Kim Lân. Diễn viên: NSƯT Linh Hiền

Đổng Kim Lân là nhân vật chính diện tiêu biểu cho tư tưởng “trung quân” trong kịch bản hát bội kinh điển “San Hậu”. Đổng Kim Lân thuộc vào vào kiểu mô hình nhân vật “kép đỏ”. Đây là mô hình nhánh cấp 2 đặc thù của mô hình “kép”, nên về cơ bản hóa trang gần giống “kép” chỉ thay đổi màu nền gương mặt là đỏ tươi, đỏ hồng. “Kép đỏ” thường là loại nhân vật bộc lộ cá tính trung nghĩa, khí phách cương trực. Là kiểu mẫu của người anh hùng thuộc phe chính diện. Kịch bản “San Hậu” được chia thành 3 tuồng, diễn biến theo thời gian tuyến tính. Ở 2 tuồng đầu, Đổng Kim Lân là nhân vật còn trẻ tuổi, đến tuồng thứ 3 thì Đổng Kim Lân đã ở độ tuổi trung niên nên đeo râu 5 chòm dài suôn mượt. Nhân vật này vừa thể hiện được nhân vật kép ở độ tuổi trẻ lẫn trung niên. Thông thường phục trang của Đổng Kim Lân áo long chấn, đầu đội kim khôi, vũ khí thường dùng là trường thương.

1.2. Kép xanh/kép rừng/kép núi

Mặt thường xám nhạt hoặc xanh lục; mắt – mày vẽ xếch (tùy theo truyền thống tạo hình nhân vật của địa phương, đơn vị biểu diễn). Kiểu nhân vật này thường mang tác phong quê mùa, mộc mạc chân chất, màu hóa trang xám nhạt và xanh để biểu lộ xuất thân dân dã, nông phu, sơn cước. Ví dụ: Khương Linh Tá (San Hậu); Châu Sáng (Thất Nam Dương thành); v.v..

Nhân vật Khương Linh Tá. Diễn viên: Nghệ sĩ Bảo Châu

Khương Linh Tá là một trong các nhân vật chính diện phò vua trong kịch bản hát bội kinh điển “San Hậu”, là cặp bài trùng với nhân vật Đổng Kim Lân, thuộc vào vào kiểu mô hình nhân vật “kép xanh”. Tuy thuộc vào mô hình nhánh kép xanh/kép rừng/kép núi nhưng kịch bản “San Hậu” không cung cấp nhiều về lai lịch của họ Khương. Hóa trang theo mô hình “kép xanh” có thể được lý giải rằng nhân vật đã hoàn thiện nguyên lý cặp đôi trong tư duy người xưa: Hai viên tướng trung thành với vua, một mặt xanh – một mặt đỏ, một diện mạo quê mùa, dân dã (mắt, mày xếch, khoang mắt cách điệu hình chim) – một thì lại thanh tú.Tuy nhiên, do nhân vật này yểu mệnh, bị phe phản diện hạ sát ở tuồng thứ 2, nên màu xanh trên hóa trang của nhân vật cũng bị gán cho tính chất “yểu mệnh”. Thông thường, phục trang của Khương Linh Tá cũng là áo long chấn, đầu đội kim khôi, vũ khí thường dùng là trường thương (giống Đổng Kim Lân).

1.3. Kép tròng xéo đỏ

mô hình kép vượt qua khỏi những đặc điểm chung và có nhiều biện pháp “khoa sức” trong hóa trang. Màu nền mặt đỏ; có tròng mắt trắng và kiểu chân mày cách điệu, xếch lên thái dương. Sở dĩ có sự đặc biệt này vì đây là kiểu nhân vật thiếu niên, có tướng diện phi thường gắn với tài năng hơn người. Có thể kể đến như nhân vật Phàn Diệm (San Hậu); ngoài ra nhân vật Trịnh Ấn (Trảm Trịnh Ân) cũng là một dạng kép tròng xéo nhưng có màu nền gương mặt là xám tro hoặc đen. Kiểu kép tròng xéo này hay còn gọi là “kép con” và hầu như thường xuất hiện trong sự đối sánh với một nhân vật lớn tuổi hơn (có thể là cha ruột – như Phàn Định Công, Trịnh Ân), diện mạo phi thường hơn nhằm “dự báo” tài năng phát tiết khi họ trưởng thành.

Nhân vật Phàn Diệm. Diễn viên: Nghệ sĩ Hoàng Tuấn 

Phàn Diệm con trai của Phàn Định Công, em của Phàn Phụng Cơ, thuộc phe chính diện tôn quân trong kịch bản hát bội “San Hậu”. Phàn Diệm là nhân vật thuộc mô hình nhánh cấp 2 của “kép”: “kép tròng xéo đỏ”. “Kép tròng xéo đỏ” là mô hình “kép” vượt qua khỏi những đặc điểm chung và có nhiều biện pháp “khoa sức” trong hóa trang. Màu nền mặt đỏ; có tròng mắt trắng và kiểu chân mày cách điệu, xếch lên thái dương.  Sở dĩ có sự đặc biệt này vì đây là kiểu nhân vật thiếu niên, có tướng diện phi thường gắn với tài năng hơn người. Trong kịch bản, Phàn Diệm là người cùng với Đổng Kim Lân phò tá ấu chúa, diệt phe phản loạn giành lại triều đình chính thống. 

Ngoài ra còn có các mô hình nhánh khác như kép nước, kép trắng, kép thư sinh, kép pha, kép em, v.v. nhưng các loại nhân vật này thường ít gặp hoặc không phải điểm nhấn nhân vật trong kịch bản. (Còn tiếp) 

———— 

MÔ HÌNH NHÂN VẬT TRONG NGHỆ THUẬT HÁT BỘI VIỆT NAM do Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish và ICHCAP hợp tác thực hiện. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại (reup) ở bất kỳ hình thức nào.

  • Tác giả: Vương Hoài Lâm 
  • Dịch giả Việt- Anh: Hà Hoàng Minh Trang
  • Biên tập: Lục Phạm Quỳnh Nhi 
  • Hình ảnh: Giang Phạm  

————

————

ICHCAP-UNESCO: Trung tâm mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương trực thuộc UNESCO.

ichLinks: được ICHCAP-UNESCO chính thức triển khai từ năm 2020 với hoạt động chính là phát triển một hệ thống nền tảng chia sẻ thông tin về di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương