Nhân vật “đào” và”mụ” trong nghệ thuật hát bội Việt Nam
Trong mô hình đào, chỉ có nhân vật Chung Vô Diệm, Đào Tam Xuân và Ngọc Kỳ Lân là hóa trang kiểu “mặt nạ”, còn lại hầu như đều là hóa trang mặt sạch.
MÔ HÌNH ĐÀO
Đặc điểm chung: “Đào” là thuật ngữ chỉ nhân vật thuộc giới tính nữ. Ngoại hình đào thông thường là thiếu nữ hoặc trung niên, phần lớn hóa trang mặt sạch, tác phong đoan trang; hát – nói trong sáng. Trong mô hình đào, chỉ có nhân vật Chung Vô Diệm, Đào Tam Xuân và Ngọc Kỳ Lân là hóa trang kiểu “mặt nạ”, còn lại hầu như đều là hóa trang mặt sạch.
Mô hình đào cấp 2 sẽ được phân hóa như sau:
3.1. Đào văn
Mang đầy đủ những đặc điểm chung của mô hình đào, tác phong đoan trang, dịu dàng; hát – nói trong sáng. Trong đó, “đào trào” là kiểu nhân vật nữ tham gia việc triều đình chính thống; Ví dụ: Tạ Nguyệt Kiểu (San Hậu). Còn “đào trần/đào trâm cơ” là kiểu nhân vật thiếu nữ bình dân, hoặc xuất thân trâm anh nhưng lưu lạc dân dã, không đội mũ/ngạch, chỉ cài trâm; Ví dụ: Điều Huê Nữ (Điều Huê Nữ hạ san).
Nhân vật Tạ Nguyệt Kiểu. Diễn viên: Nghệ sĩ Kiều My
Trong kịch bản “San Hậu”, Tạ Nguyệt Kiểu là chị ruột của Tạ Thiên Lăng, Tạ Ôn Đình, là người trong gia đình tiếm quyền. Song, Nguyệt Kiểu lại có lập trường trung quân, phản đối hành động vô luân của người thân, âm thầm giúp đỡ nhà Tề khôi phục giang sơn. Tạ Nguyệt Kiểu mang đầy đủ những đặc điểm chung của mô hình “đào văn”: hóa trang mặt sạch; tác phong đoan trang, dịu dàng; hát – nói trong sáng. Ngoài ra, ở cấp độ nhánh chi tiết hơn, Nguyệt Kiểu là kiểu nhân vật nữ tham gia việc triều đình chính thống nên xếp vào loại “đào trào”.
Nhân vật Phàn Phụng Cơ. Diễn viên: Nghệ sĩ Anh Thi
Phàn Phụng Cơ là nhân vật nữ trong kịch bản “San Hậu”, là con gái của Phàn Định Công, được vua Tề sủng ái sắc phong làm thứ phi. Phụng Cơ cũng là người mang thai hoàng tử, người sẽ nối nghiệp và khôi phục giang sơn nhà Tề khỏi tay bọn phản thần. Cũng như Tạ Nguyệt Kiểu, Phàn Phụng Cơ mang đầy đủ những đặc điểm chung của mô hình “đào văn”: hóa trang mặt sạch; tác phong đoan trang, dịu dàng; hát – nói trong sáng. Phàn Phụng Cơ chia ra làm hai giai đoạn tương ứng hai mô hình nhánh cấp 3: Giai đoạn đầu (khi còn làm thứ phi trong cung) Phụng Cơ là kiểu nhân vật nữ tham gia việc triều đình chính thống nên xếp vào loại “đào trào”. Giai đoạn sau (khi lưu lạc trong dân gian) thì tạo hình theo lối “đào trần” hay “đào trâm cơ”.
3.2. Đào võ
Mang đầy đủ những đặc điểm chung của mô hình đào, song tác phong oai vệ, nghiêm trang; hát – nói có lực. Ví dụ: Thần Nữ (Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ); Đoàn Hồng Ngọc (Đãi yến Đoàn Hồng Ngọc); v.v.. Ngoài ra, những nhân vật đào hóa trang “mặt nạ” nêu trên (Chung Vô Diệm, Đào Tam Xuân, Ngọc Kỳ Lân) đều thuộc mô hình đào võ. Hóa trang theo hướng “khoa sức” của họ nhằm khắc họa bản lĩnh và tài năng phi thường.
Nhân vật Chung Vô Diệm. Diễn viên: Nghệ sĩ Ngọc Giàu
Chung Vô Diệm là vương hậu nước Tề thời Chiến quốc trong lịch sử Trung Quốc. Tương truyền bà là người nhà trời bị đày xuống phàm gian, mang hình lốt xấu xí, song cực cực kỳ tài lược, phép thuật hơn người. Nhờ có Chung Vô Diệm mà vua Tề mới định thâu được lục quốc lúc bấy giờ. Chung Vô Diệm là hình mẫu nhân vật nữ (“đào”) tiêu biểu cho kiểu hóa trang “mặt nạ”. Để biểu đạt sự xấu xí khác người trong diện mạo nhân vật, thông thường hóa trang Chung Vô Diệm chọn màu nền xanh, trán có họa tiết chữ “nhâm” to màu đỏ, khoang tròng mắt to, kéo dài xuống gò má, miệng rộng đỏ tươi, nanh dài chĩa xuống tận cằm. Đây là cách mượn hình ảnh của loại linh thú trong thần thoại Đông Á, hoặc gương mặt của “chằn” trong nghệ thuật tạo hình Nam Á mà ra. Về trang phục, Chung Vô Diệm luôn mặc bộ giáp nữ truyền thống của hát bội, đầu đội ngạch có 3 sừng ở trên (biểu trưng bằng ba chiếc que dựng đứng), có thể giắt lông trĩ hỗ trợ làm đẹp vũ đạo và thuộc tính “võ”, vũ khí dùng kèm là siêu. Chung Vô Diệm là nhân vật thuộc mô hình “đào võ”.
MÔ HÌNH MỤ
“Mụ” là kiểu nhân vật nữ (đào) cao tuổi; hóa trang phần lớn là mặt sạch, chân mày kẻ bạc trắng; tóc bạc; tác phong chậm chạp; hát – nói khàn. Đa số nhân vật thuộc mô hình mụ đều là mụ văn, tác phong nho nhã, khoan thai, từ tốn. Ví dụ: Đổng mẫu (San Hậu); Dương lịnh bà (Mộc Quế anh dâng cây) tuy có lai lịch là một lão nữ tướng nhưng thường được biểu hiện như một mệnh phụ tao nhã, bặt thiệp.
Nhân vật Đổng Mẫu. Diễn viên: NSƯT Thanh Trang
Đổng Mẫu là mẹ của nhân vật Đổng Kim Lân trong kịch bản hát bội tuồng thầy “San Hậu”. Đổng Mẫu tiêu biểu cho mô hình nhân vật mụ, tức là kiểu nhân vật nữ (“đào”), hóa trang mặt sạch, theo lối già, kẻ mày trắng, đội tóc bạc. Cũng như hầu hết các kiểu nhân vật “mụ” khác, Đổng Mẫu có tác phong khoan thai, từ tốn, hành động theo lối thuộc tính “văn”, ăn vận giản dị.
(Còn tiếp)
————
MÔ HÌNH NHÂN VẬT TRONG NGHỆ THUẬT HÁT BỘI VIỆT NAM do Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish và ICHCAP hợp tác thực hiện. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại (reup) ở bất kỳ hình thức nào.
- Tác giả: Vương Hoài Lâm
- Dịch giả Việt- Anh: Hà Hoàng Minh Trang
- Biên tập: Lục Phạm Quỳnh Nhi
- Hình ảnh: Giang Phạm
————
- Theo dõi chuỗi bài viết tại: https://culturafish.com/vi/hat-boi-co-nhung-kieu-nhan-vat-nao-ky-01-tong-quan/
- Đọc phiên bản tiếng Anh tại: https://ichlinks.com/exhibition/hat-boi/
- Xem video “Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam” tại: https://youtu.be/vo0ukRj70CU
————
ICHCAP-UNESCO: Trung tâm mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương trực thuộc UNESCO.
ichLinks: được ICHCAP-UNESCO chính thức triển khai từ năm 2020 với hoạt động chính là phát triển một hệ thống nền tảng chia sẻ thông tin về di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương