“PHONG HOA CA VỊNH” TRỞ LẠI VỚI HỢP PHẦN ỨNG DỤNG DI SẢN
Với hợp phần ứng dụng này, người tham dự sẽ được các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ hướng dẫn để sáng tạo những tác phẩm âm nhạc mới có sử dụng chất liệu ru, hò và lý Nam Bộ.
Tháng 05/2021, Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish công bố dự án dài 3 năm nhằm lưu trữ, truyền dạy và ứng dụng chất liệu diễn xướng dân gian Nam Bộ (ru, hò, lý) mang tên gọi “Phong hoa ca vịnh”. Với mong muốn “ru lại câu hò” (và cả những bài lý) trong lòng khán giả; ở hợp phần lưu trữ và truyền dạy, Hiếu Văn Ngư đã biên soạn các nội dung infographic dựa trên bài viết của nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng, thực hiện thâu âm các bài bản cùng nghệ sĩ Sáu Hưng – Song Oanh, tổ chức các minigame, cuộc thi viết “Gió đưa gió đẩy” và thường xuyên mở các workshop, lớp học truyền dạy ru, hò và lý. Thật vinh dự và hân hoan cho đội ngũ thực hiện khi “Phong hoa ca vịnh” đã được khán giả từ nhiều độ tuổi khác nhau đón nhận cũng như nhiệt tình tham dự các hoạt động của dự án.
Tiếp mạch phong quang ấy, Hiếu Văn Ngư trân trọng thông báo chặng thứ ba của “Phong hoa ca vịnh” – hợp phần ứng dụng ru, hò và lý chính thức ra khởi động từ 04/2023. Với hợp phần ứng dụng này, 25 người tham dự sẽ được các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ hướng dẫn để sáng tạo những tác phẩm âm nhạc mới có sử dụng chất liệu ru, hò và lý Nam Bộ.
Đặc biệt, hợp phần ứng dụng của “Phong hoa ca vịnh” được hỗ trợ một phần chi phí bởi Hội đồng Anh (British Council) trong khuôn khổ dự án “Di sản kết nối”. (*)
ĐỐI TƯỢNG
- Các cá nhân sinh sống tại Việt Nam, quan tâm đến “Phong hoa ca vịnh” nói riêng và di sản phi vật thể nói chung.
*Lưu ý: Các cá nhân cần cam kết tham gia toàn bộ chương trình “Phong hoa ca vịnh – hợp phần ứng dụng” trong khoảng thời gian từ tháng 05/2023 – 07/2023. (Vui lòng tham khảo kế hoạch chương trình bên dưới).
CÁC HOẠT ĐỘNG
Thời gian: “Phong hoa ca vịnh” – hợp phần ứng dụng diễn ra vào tháng 05/2023 – 07/2023 gồm các hoạt động sau:
- Tiếp xúc di sản: người tham dự tiếp xúc với chất liệu ru, hò và lý thông qua bộ sưu tập di sản số “Phong hoa ca vịnh” và các workshop chuyên sâu cùng nghệ sĩ.
- Khóa học thực hành, ứng dụng di sản âm nhạc dân gian trong sáng tác cùng nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng. Các học phần gồm có: âm nhạc nhập môn, các phương tiện biểu hiện trong âm nhạc, làm quen thực hành sáng tác, vận dụng chất liệu trong sáng tác và lưu trữ – hoàn chỉnh tác phẩm.
- Thực hành và sáng tạo: Người tham dự thực hành ru, hò và lý; đồng thời sáng tác tác phẩm âm nhạc có ứng dụng các chất liệu này.
- Hoàn thiện tác phẩm: người tham dự được nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng hướng dẫn hoàn chỉnh tác phẩm.
- Chương trình biểu diễn – Tuyển chọn những tác phẩm tốt để biểu diễn.
Thời gian biểu dự kiến:
Hoạt động | Thời gian dự kiến | Ghi chú |
Thông báo dự án và đăng ký | Thời gian đăng ký: 21/04/2023 – 02/05/2023 | |
Tiếp xúc di sản: người tham dự tiếp xúc với chất liệu ru, hò và lý thông qua bộ sưu tập di sản số “Phong hoa ca vịnh” và các workshop chuyên sâu cùng nghệ sĩ. | Thứ tư (03/05/2023) và thứ sáu (05/05/2023).Thời gian lớp: 19h00 – 22h00 | |
Khóa học thực hành, ứng dụng di sản âm nhạc dân gian trong sáng tác cùng nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng. Các học phần gồm có: âm nhạc nhập môn, các phương tiện biểu hiện trong âm nhạc, làm quen thực hành sáng tác, vận dụng chất liệu trong sáng tác và lưu trữ – hoàn chỉnh tác phẩm. | Các ngày thứ hai và thứ sáu từ 08/05 – 26/05/2023. Thời gian lớp: 19h00 – 22h00 | Số buổi học có thể tăng tùy theo tình hình thực tế của lớp |
Thực hành và sáng tạo: Người tham dự thực hành hát ru, hò và lý; đồng thời sáng tác tác phẩm âm nhạc có ứng dụng các chất liệu này. | Từ lúc bắt đầu khóa âm nhạc – sáng tác nền tảng đến 11/06/2023. (Gặp nhau vào ngày 09/06/2023 từ 19h00 – 22h00) | |
Hoàn thiện tác phẩm: người tham dự được nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng hướng dẫn hoàn chỉnh tác phẩm. Từ đó, các tác phẩm tiềm năng sẽ được biểu diễn. | Từ 12/06 – 30/06/2023 (gặp nhau vào các buổi tối thứ sáu từ 19h00 – 22h00). Sau thời gian này, dự án sẽ chọn ra các tác phẩm để trình diễn và tiến hành luyện tập. | |
Chương trình biểu diễn | Dự kiến 22/07/2023 | |
Truyền thông | 07/2023 – 10/08/2023. Hiếu Văn Ngư đăng tải các tác phẩm cùng nội dung liên quan đến dự án lên các trang website, Facebook, Youtube. |
CÁCH THỨC ĐĂNG KÝ
- Vui lòng đăng ký tham dự “Phong hoa ca vịnh – Hợp phần ứng dụng” tại link https://forms.gle/1yj8qpG4fGuVWAE67
- Sau khi đăng ký, Hiếu Văn Ngư sẽ xác nhận thông tin qua email và người tham dự tiến hành thanh toán chi phí tham dự 2.000.000 VNĐ. (Đây là chi phí đã được hỗ trợ bởi dự án).
NHÀ NGHIÊN CỨU – NGHỆ SĨ ĐỒNG HÀNH VỚI DỰ ÁN
Nhạc sĩ – Nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng
Nhạc sĩ – nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng học âm nhạc từ năm 9 tuổi, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội năm 1996 với hai chuyên ngành Lý luận và Guitare. Anh từng đảm nhận vị trí Trưởng ban Văn hóa Cổ truyền, Trưởng ban Di sản Văn hóa – Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại TP. HCM, có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu dân ca, văn hóa nghệ thuật dân gian, truyền thống. Anh Lê Hải Đăng đã từng làm diễn giả cho nhiều dự án văn hóa liên quan đến âm nhạc truyền thống như Diễn xướng Nam Bộ (Đối thoại văn hóa Cộng đồng CCD), các chương trình giao lưu âm nhạc giữa Việt Nam và Đài Loan, “Phong hoa ca vịnh” (Hiếu Văn Ngư), v.v..
Tài tử Nguyễn Văn Hưng (Sáu Hưng) và tài tử Nguyễn Song Oanh
Tài tử Sáu Hưng và tài tử Song Oanh thuộc khóa đầu tiên của trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (Nay là Đại học sân khấu – điện ảnh TP.HCM). Hai tài tử cũng là thành viên của CLB Đờn ca tài tử Tám Danh (Hội Di sản TP.HCM), từng đi giao lưu đờn ca tài tử ở nhiều tỉnh thành, hỗ trợ các bạn sinh viên trường đại học Văn hóa, dạy đờn kìm và ca cổ cho người trẻ. Từ năm 2020, hai tài tử đã đồng hành với Hiếu Văn Ngư trong các dự án lan tỏa âm nhạc truyền thống đến công chúng.
ĐIỀU KHOẢN ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM DỰ
- Cam kết tham dự toàn bộ chương trình với thời gian biểu đã nêu ở trên. Người tham dự không được vắng mặt quá 1/3 số buổi của chương trình.
- Tác phẩm của người tham dự được Hiếu Văn Ngư hoặc Hội đồng Anh sử dụng trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” qua các hình thức truyền thông trên website, mạng xã hội (Facebook/ Youtube), podcast (nếu có) mà không cần xin phép hoặc trả thêm bất kỳ chi phí nào.
- Bản quyền tác phẩm sẽ thuộc về học viên (tác giả), tuy nhiên bản quyền của phiên bản biểu diễn (video & audio) tại chương trình biểu diễn cuối dự án “Phong hoa ca vịnh – Hợp phần ứng dụng” là đồng sở hữu giữa Hiếu Văn Ngư và tác giả.
- Hiếu Văn Ngư có quyền ngưng hợp tác với người tham dự nếu cá nhân không tuân thủ nội quy của dự án hoặc ảnh hưởng đến các cá nhân khác.
- Hiếu Văn Ngư không chịu trách nhiệm nếu có tranh chấp về tác quyền với bên thứ ba.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Để được hỗ trợ thông tin về dự án, vui lòng liên hệ:
Hà Thúc Đức Tùng – Số điện thoại: 0934 848 800 hoặc email info@culturafish.com
—————————-
(*) Dự án Di sản Kết nối một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một. Tìm hiểu thông tin dự án “Di sản Kết nối” tại đây: https://www.britishcouncil.vn/cac-chuong-trinh/nghe-thuat/di-san-ket-noi
Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish
Được thành lập từ năm 2020, Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish là dự án khơi gợi nét đẹp của nghệ thuật Việt Nam trong lòng khán giả trẻ thông qua hoạt động truyền thông, workshops, khóa nhập môn thưởng thức và các sản phẩm ứng dụng. Hiện tại, Hiếu Văn Ngư tập trung lưu trữ và truyền thông các loại hình diễn xướng Nam Bộ như sân khấu hát bội, dân ca (ru, hò, lý) trên nền tảng website, Facebook cũng như các đối tác quốc tế.