Phong hoa ca vịnh” là dự án lưu trữ, truyền dạy và ứng dụng chất liệu ru, hò, lý hướng đến khán giả trẻ có mong muốn “ôn cố tri tân”.

Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”.

Những tưởng kinh nghiệm quá vãng của hơn ba thế kỷ định hình vùng đất Nam bộ đã nối gót theo hình hài và ký ức của các bậc tiền nhân. Nhưng không, trong dòng chảy minh mông của con nước xuôi về phương nam, hình như vẫn lắng đọng đâu đó những dấu chỉ tinh thần về lịch sử và cá tính của vùng đất sinh sau đẻ muộn này. Bài ca dao quen thuộc trên ẩn tàng trong đó dấu vết lịch sử cho thấy hành trình khai sinh ra cõi đất cõi người Nam bộ.

Cư dân vùng đất Nam bộ buổi đầu khai hoang mở cõi đều là các lưu dân tứ xứ tụ về. Họ là những con người bần cùng phải đi tha hương để tìm phương sinh sống, là những người trốn tránh luật lệ hà khắc của bản quán mà ra đi tìm đời tự do. Bởi thế, tâm lý cởi mở, phóng khoáng, không câu nệ lễ tiết đã trở thành một đặc thù trong ứng xử văn hóa của họ. Cởi mở trong hành xử, phóng khoáng trong ngôn từ, họ sẵn sàng bộc bạch, phơi bày tất cả tâm tư tình cảm của mình, không giấu diếm. Như một cách sẻ chia và thấu hiểu nhau giữa những bạn bè “tứ chiếng”.  

Chính tại thổ ngơi phương nam hoang vu trù phú này, những dòng chảy văn hóa theo chân dòng người di cư quần tụ về đây không biết bao nhiêu là phong tục, nếp ăn, nếp nghĩ và cả vốn liếng văn nghệ mang đậm tính chất diễn xướng như hò, lý, hát ru, vè, nói thơ, nói tuồng, bóng rỗi, hát bội v.v.. Tất cả những hình thức diễn xướng và biểu diễn ấy như một thứ gia vị tan loãng vào đời sống, gián tiếp trở thành mạch ngầm truyền thống trong tâm thức người Nam bộ.

Chốn chốn phong hoa ca vịnh/Nhà nhà lịch sự vui chơi (*)

Con người Nam bộ ưa diễn xướng vui chơi, đến mức một vài sử gia phong kiến đã từng lên tiếng phàn nàn là thái quá trong các trước tác của mình. Tuy nhiên, theo nhịp bước hải hà của thời đại, tình trạng “hội nhập”, “toàn cầu hóa” đang từng bước làm con người Việt nỗ lực (có thể nói là cực đoan) để tham dự vào “văn hóa quyển” toàn cầu. Điều đó trực tiếp trở thành thách thức đối với nhiệm vụ bảo tồn bản sắc và giá trị thuần Việt nơi thế hệ trẻ. Đến đây, những hình thức diễn xướng (như hò, lý, hát ru,…) bị bỉ bai thuở nào bởi giai tầng thống trị lại là cơ may cho sự gìn giữ và di dưỡng cái “phong quang” của văn mạch dằng dặc không dứt nơi vùng đất phương nam.

Phong hoa ca vịnh” là dự án lưu trữ, truyền dạy và ứng dụng chất liệu Diễn xướng dân gian Nam Bộ (ru, hò, lý) hướng đến khán giả trẻ. Thông qua các hoạt động của “Phong hoa ca vịnh”, Cultura Fish mong muốn đưa câu hò điệu lý hòa nhập với nhịp sống hiện đại, đồng thời gợi ý cho khán giả trẻ cách ứng dụng chất liệu diễn xướng dân gian sao cho “ôn cố tri tân” – vừa hiểu chuyện xưa và sáng tạo trong thời nay.

Mục tiêu của dự án “Phong hoa ca vịnh”

  • Khán giả nhận biết được các loại hình diễn xướng dân gian tiêu biểu (hát lý, ru, hò) và thang âm đặc trưng của miền Nam. 
  • Khán giả có thể thực hành diễn xướng dân gian – biết thưởng thức hoặc biết ca một số bài nhỏ. 
  • Có sự ưa thích và mong muốn tìm hiểu sâu hơn về các loại hình Diễn xướng Nam Bộ khác.

Các hoạt động của “Phong hoa ca vịnh”

“Phong hoa ca vịnh” diễn ra từ 05/2021 – 05/2023, bao gồm 03 hợp phần: Lưu trữ – Truyền dạy – Ứng dụng

  • Lưu trữ và lan tỏa (Thời gian dự kiến: 05/2021 – 02/2022)
    • Lan tỏa kiến thức nền tảng về Diễn xướng Dân gian Nam Bộ và câu chuyện ứng dụng, sáng tạo với các chất liệu này. 
    • Tuyển tập ký ức với diễn xướng dân gian. 
  • Truyền dạy (Thời gian: xuyên suốt dự án, căn cứ theo tình hình dịch Covid-19)
    • Tổ chức các lớp ca cổ với phương pháp truyền dạy theo lối ngũ cung truyền thống. 
    • Sự kiện thưởng thức diễn xướng dân gian.
  • Ứng dụng (Thời gian 03/2022 – 2023) 
    • Workshop chuyên sâu cùng các nhà nghiên cứu, chuyên gia về nhạc cụ truyền thống, diễn xướng dân gian dành cho khán giả hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Đồng hành với dự án “Phong hoa ca vịnh” là các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ:

  • Nhạc sĩ – Nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng

Nhạc sĩ – nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng học âm nhạc từ năm 9 tuổi, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội năm 1996 với hai chuyên ngành Lý luận và Guitare. Anh từng đảm nhận vị trí Trưởng ban Văn hóa Cổ truyền, Trưởng ban Di sản Văn hóa – Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại TP. HCM, có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu dân ca, văn hóa nghệ thuật dân gian, truyền thống. Anh Lê Hải Đăng đã từng làm diễn giả cho nhiều dự án văn hóa liên quan đến âm nhạc truyền thống như Diễn xướng Nam Bộ (Đối thoại văn hóa Cộng đồng CCD), chương trình giao lưu âm nhạc giữa Việt Nam và Đài Loan.

  • Tài tử Nguyễn Văn Hưng (Sáu Hưng) và tài tử Nguyễn Song Oanh

Tài tử Sáu Hưng và tài tử Song Oanh thuộc khóa đầu tiên của trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (Nay là Đại học sân khấu – điện ảnh TP.HCM). Hai tài tử cũng là thành viên của CLB Đờn ca tài tử Tám Danh (Hội di sản Tp.HCM), từng đi giao lưu đờn ca tài tử ở nhiều tỉnh thành, hỗ trợ các bạn sinh viên trường đại học Văn hóa, dạy đờn kìm và ca cổ cho người trẻ. Đặc biệt, tài tử Sáu Hưng còn là người sáng lập Ban đờn ca tài tử Sáu Hưng – nhóm nghệ sĩ chính của chuỗi chương trình “Diễn xướng Nam Bộ” và minh họa cho sách “Đường vào Đờn ca tài tử”.

Để theo dõi các hoạt động của dự án “Phong hoa ca vịnh”, mời độc giả nhấn nút theo dõi trang Facebook của Hiếu Văn Ngư hoặc đăng ký nhận tin trên Website của chúng mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi email đến địa chỉ [email protected] để được hỗ trợ hoặc hợp tác làm việc.

(*) Câu thơ trích từ bài “Phú Gia Định”, một tác phẩm khuyết danh.