Với sự kết hợp giữa nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, công nghệ và mạng xã hội, Hiếu Văn Ngư hy vọng khán giả sẽ đến với hát bội nhiều hơn.

English version is available for this post.

Diễn viên hát bội với hóa trang Thiên vương (Hình ảnh: Tran Duy)

Hát bội (còn gọi là tuồng hay hát bộ) là một trong các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, có bề dày lịch sử phát triển lâu đời, có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng: “… Nghệ thuật sân khấu hát bội nước ta từ thuở xa xưa đã truyền bá sâu rộng khắp ba miền đất nước, từ nông thôn đến đô thị, từ dân dã đến cung đình”. Cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, sân khấu hát bội cũng tích hợp trong nó những giá trị thẩm mỹ thể hiện bản sắc của dân tộc Việt, phản ánh đời sống, tâm tư và những khát vọng nhân văn của con người Việt. Mặc dù vậy, so với các hình thái nghệ thuật khác như văn chương, hội họa…; cũng như với các loại hình nghệ thuật anh em như cải lương, kịch nói… sân khấu hát bội có số phận khá “thiệt thòi”. Dưới các triều đại phong kiến, nghệ thuật sân khấu nói chung, hát bội nói riêng từ những hình thức biểu hiện ban đầu đã vấp phải nhiều luồng phản biện xã hội hết sức khắt khe. Người nghệ sĩ, người diễn viên hay nói chung là những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu đều đeo mang mặc cảm “vua rẻ, quan khinh, liệt hạng vô loài”.

Diễn viên Đoàn Nghệ thuật Hát bội – Tuồng cổ Ngọc Khanh trong vở “San Hậu” (Ảnh: Tran Duy) 

Trong thời buổi hiện đại, đứng trước sự chuyển đổi hệ tư tưởng Âu Tây mới, sân khấu mang một nội dung và phương thức biểu hiện mới. Kịch nói – loại hình sân khấu tiếp nhận từ phương Tây, và cải lương – loại hình sân khấu được phát triển trên cơ sở dung hợp yếu tố truyền thống và hiện đại đã chiếm lĩnh phần lớn công chúng nghệ thuật. Nghệ thuật hát bội, dù vậy, vẫn có một đời sống riêng, thầm lặng, một mạch ngầm giàu nội lực luôn đi tìm và khẳng định những giá trị con người tiến bộ đậm chất nhân văn.

Khán giả chờ xem hát bội ở đình Chí Hòa (Ảnh: Lục Nhi) 

“Hát Bội 101” (*) là dự án giới thiệu nghệ thuật hát bội đến khán giả chưa từng tiếp xúc với loại hình nghệ thuật này một cách cởi mở và bài bản. Với sự kết hợp giữa nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, công nghệ và mạng xã hội, Hiếu Văn Ngư hy vọng khán giả có thể tự tin “coi hát” và sáng tạo với các chất liệu từ hát bội. 

Hoạt động của “Hát Bội 101” gồm: 

Tranh minh họa của Josh Trombley và Jackie Tạ

  • Bài viết và infographic giới thiệu hát bội được đăng tải trên Website hoặc trang Facebook của Hiếu Văn Ngư. Nội dung chú trọng đến lịch sử, đặc điểm của hát bội, cách thưởng thức hát bội,… được biên soạn một cách cẩn thận với sự tham gia của nhà nghiên cứu.
  • Workshops trải nghiệm các chất liệu của hát bội như vẽ mặt, y quan, phục trang, âm nhạc, vv. 
  • Chương trình tọa đàm (talk) với sự dẫn dắt của nhà nghiên cứu để giới thiệu và giải đáp thắc mắc xoay quanh hát bội một cách dễ tiếp cận nhất. 
  • Lớp thưởng thức “Hát Bội 101” (online và offline). Hoạt động nghiên cứu và lưu trữ (ghi hình, thu âm, chụp ảnh) hát bội để làm nguồn tham khảo cho khán giả có thể ứng dụng và sáng tạo với các chất liệu văn hóa được đăng trên Website của Hiếu Văn Ngư.

Đồng hành với “Hát Bội 101” là Thạc sĩ – Nhà nghiên cứu (NNC) Vương Hoài Lâm. Sinh năm 1990, tốt nghiệp Thạc sĩ Văn học tại Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, NNC Vương Hoài Lâm đã có nhiều tham luận, bài báo về các loại hình sân khấu cổ truyền miền Nam như hát bội, cải lương. Hiện tại, NNC Vương Hoài Lâm đang giảng dạy bộ môn văn ở trường THCS Quang Trung và anh luôn nỗ lực để đưa các chất liệu diễn xướng truyền thống đến với học trò.

Bên cạnh NNC Vương Hoài Lâm, Hiếu Văn Ngư còn kết hợp với nghệ sĩ hát bội lành nghề, các đối tác có liên quan đến lĩnh vực văn hóa nói chung và diễn xướng nói riêng. 

Mục tiêu của “Hát Bội 101”

  • Khán giả, nhất là khán giả trẻ, có những kiến thức căn bản về hát bội (lịch sử, đặc điểm, tinh thần của hát bội), bước đầu có thể phân biệt được hát bội với các loại hình khác như cải lương (tuồng cổ), hý kịch Trung Quốc. 
  • Khán giả để tự tin thưởng thức hát bội với tinh thần cởi mở. 
  • Thông qua các hoạt động tương tác với nghệ sĩ hát bội trong lớp nhập môn thưởng thức hoặc các phiên giải đáp của nhà nghiên cứu, khán giả có thể ứng dụng hoặc sáng tạo với chất liệu văn hóa. 
  • Hiếu Văn Ngư trở thành nguồn tham khảo đáng tin cậy dành cho khán giả về nghệ thuật hát bội.

Một số bài viết “Hát Bội 101” đã được đăng tải trên trang Facebook của Hiếu Văn Ngư

Để theo dõi các hoạt động của dự án “Hát Bội 101”, mời quý bạn nhấn nút theo dõi trang Facebook của Hiếu Văn Ngư hoặc đăng ký nhận tin trên Website của chúng mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi email đến địa chỉ [email protected] nếu cần hỗ trợ hoặc hợp tác làm việc. 

(*) 101 (đọc là one-oh-one) là ký hiệu chỉ cho các khóa học nhập môn ở bất kỳ lĩnh vực nào, thường được sử dụng làm mã môn học ở các trường Đại học trên thế giới, nhất là khu vực Bắc Mỹ.