“Con người níu kéo hát ru vào truyền thống văn hóa thông qua mối quan hệ thân thuộc và bằng sợi dây tình cảm” (Lê Hải Đăng)

Tính theo vòng đời người, hát ru mở đầu chuỗi sự kiện kéo dài suốt chặng đường đời. Mặc dù quan trọng như vậy, nhưng hát ru rất dễ thất lạc trong ký ức. Nó chỉ được phục hiện sau khi chúng ta trưởng thành. Nhờ tính thực hành xã hội mà con người níu kéo hát ru vào truyền thống văn hóa thông qua mối quan hệ thân thuộc và bằng sợi dây tình cảm.

Hát ru – không chỉ là âm nhạc

Hát ru hay ru con, ru em, đưa em, đưa nôi, hát ầu ơ… là bài hát đầu đời mà con người tiếp nhận với tư cách thành viên cộng đồng. Đối với nhiều dân tộc, hát ru ngoài mục đích thôi miên, dỗ dành trẻ nhỏ còn gửi gắm tâm sự, tâm tư, tình cảm của người hát. Nhiều bài ru đong đầy ký ức lịch sử, văn hóa. Tiếp cận hát ru ở góc độ âm nhạc thuần túy dễ bỏ sót căn cứ quan trọng để tìm về cội nguồn. Bởi, tín hiệu âm thanh ẩn náu trong giai điệu, tiết tấu, tốc độ, thậm chí kể cả lời ca mới chỉ là phần nổi của bài hát ru đã chìm sâu dưới lòng ký ức văn hóa. Nó đòi hỏi phải dụng công lục tìm “dữ liệu” ngoài âm thanh. Chẳng hạn, hát ru phản ánh cấu trúc xã hội, biểu trưng văn hóa, ngoài công năng, tính năng thực hành xã hội có những khía cạnh liên quan đến mô hình gia đình, vai trò người hát, trình độ phát triển xã hội, cách thức, thái độ biểu hiện ngôn ngữ tình cảm…Ở nhiều tộc người, hát ru mang tính chất trữ tình, lời ca chuyên trở bức thông điệp của tình cảm, tình mẫu tử, những lời giáo huấn, ước nguyện của người mẹ gửi gắm cho con. Song, cũng có dân tộc, như người Nhật Bản với thể loại ru chất ngất không khí bi tráng, thậm chí có lời lẽ hăm dọa, uy hiếp đứa trẻ. Cách biểu hiện này khác hẳn cách tiếp cận phổ biến. Thay vì vỗ về, an ủi, dỗ dành, thôi miên trẻ nhỏ, người Nhật tạo ra không khí căng thẳng, gây áp lực tinh thần nhằm làm chúng khiếp sợ, không quấy khóc nữa. Ở nước ta, người thực hành văn hóa hát ru đa số tập trung vào nữ giới, nhưng ở một số nước Bắc Âu, nam giới tham gia vai trò này.

  • Một trong những bài hát ru của Nhật
Video thuộc dự án World lullabies – http://www.lull.ru/eng/bay5.htm 

Lược sử “hát ru”

Ra đời từ xa xưa, nhưng danh từ “hát ru” xuất hiện lần đầu trong ca khúc “Lullaby my sweet little baby” (tạm dịch: hát ru bé cưng của tôi) của nhạc sĩ Willam Byrd (1543 – 1623) người Anh sáng tác vào thế kỷ 16. Mấy thế kỷ sau, hàng loạt nhà soạn nhạc nổi tiếng như: Johann Brahms (1833 – 1897) người Đức, Antonin Dvorak (1841 – 1904) người Séc, Frederic Chopin (1910 – 1949) người Ba Lan, Franz Liszt (1811 – 1886) người Hunggary, Mily Alexeyevich Balakirev (1837 – 1910) người Nga, Maurice Ravel (1875 – 1937) người Pháp… lần lượt tìm lại ký ức tuổi thơ đã mất của mình qua khúc hát ru. Nước ta cũng phổ biến những ca khúc, như: “Mẹ yêu con” của Nguyễn Văn Tý, “Lời ru trên nương” của Trần Hoàn, phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm, “Từ trên đỉnh núi” của Nguyên Nhung, “Khúc hát ru của người mẹ trẻ” của Phạm Tuyên, “Mùa hoa sữa” của Huy Thục, “Ru con mùa đông” của Đặng Hữu Phúc…

Bài hát “Lullaby my sweet little baby” (Nhạc sĩ: Willam Byrd) biểu diễn bởi nghệ sĩ Barnaby Smith và Blake Morgan (guitar)

Ngành Âm nhạc học dân tộc (Ethnomusicology), Âm nhạc dân gian (Folk Music) ra đời, ứng dụng phổ biến nửa đầu thế kỷ 20 lấy tri thức dân gian, di sản văn hóa truyền khẩu làm đối tượng nghiên cứu, nên hát ru trở thành thể loại âm nhạc quan trọng nhằm tìm hiểu văn hóa, văn nghệ, âm nhạc dân gian. Và người ta biết chắc rằng, trước khi tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp (ca khúc nghệ thuật) ra đời, hát ru đã theo con người trên suốt cuộc hành trình dài một kiếp người, đồng thời đánh dấu ở chặng đường đầu tiên. Nói cách khác, sau khi hát ru chuyên nghiệp phổ biến, giành được vị trí trọng yếu trong lĩnh vực âm nhạc, con người mới lội ngược dòng thời gian tìm lại lời ru thất lạc trong dĩ vãng.

Hát ru – nơi lưu trữ ký ức

Ở nước ta, hát ru gắn với người mẹ, bà hay chị… Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tần tảo, một sương hai nắng, vất vả, nhọc nhằn, vừa chăm sóc con thơ, vừa gánh gồng công việc đồng áng, nội trợ… Đất nước trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ký ức mất mát, chiến tranh đau thương, những năm tháng chia ly giữa vợ và chồng, mẹ và cha… tất cả đều in đậm qua lời ru.

Playlist những bài ru con Nam Bộ phổ biến do dự án Phong Hoa Ca Vịnh thực hiện

Hát ru sinh ra trên cơ tầng văn hóa bản địa. Người ta không chỉ tìm thấy đường liên kết, mối liên quan giữa hát ru và nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác mà còn di chuyển sâu vào tầng ký ức lịch sử, văn hóa. Ngày nhỏ, bà, mẹ, chị dỗ dành bằng lời ru, nhờ tiếng ru, trẻ nín khóc, rồi chìm dần vào giấc ngủ. Ngày sau lớn lên, lưu lạc nơi chân trời góc biển, lời ru lại dễ khiến người ta rơi lệ. Đây là một trải nghiệm nhớ đời với những ai sinh ra, lớn lên qua lời ru của mẹ. Tiếng ru như món ăn tinh thần, nuôi nấng phần hồn. Có quan niệm coi trẻ sinh ra đầy đủ cả cha lẫn mẹ, nhưng thiếu lời ru đồng nghĩa với cảnh mồ côi! Tình trạng ấy cản trở tiến trình phát triển đầy đủ về thể chất lẫn tâm hồn ở trẻ. Khi trẻ lớn lên thiếu vắng lời ru, các mối quan hệ thân thiết lỏng lẻo, đặc biệt là sự thay thế tương tác xã hội bằng công nghệ, ti- vi, điện thoại thông minh… dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng tâm hồn, tệ hơn là mắc các hội chứng tâm lý.

Tình cảnh của hát ru và trẻ thơ

Cấu trúc gia đình mang tính chất quyết định đối với sự tồn vong của hát ru, bên cạnh đó, đặt gia đình vào bối cảnh văn hóa xã hội hiện đại, những thay đổi về môi trường sinh hoạt tác động lên văn hóa gia đình. Người mẹ ngày trước chủ yếu làm công việc nội trợ, sinh nở, nuôi dạy con cái, nay phải đảm nhận vai trò xã hội, thời gian gần con rút ngắn. Thay vào đó, trẻ được giao cho bảo mẫu, người giúp việc, rồi người giúp việc tiếp tục giao trẻ cho ti- vi, điện thoại thông minh. Khi lời ru tắt lịm trên môi người mẹ, cơ hội tương tác giữa người lớn và trẻ nhỏ sụt giảm cũng kéo theo tần suất mắc các hội chứng tâm lý ở trẻ gia tăng. Nhiều trẻ tuy có đầy đủ cha mẹ, nhưng nếu lấy lời ru làm thước đo, chúng đã bị rơi vào hoàn cảnh mồ côi, thiếu vắng tiếng hát mẹ hiền trước khi chìm vào giấc ngủ. 

Nói tóm lại, hát ru không chỉ tắt lịm trên môi người mẹ mà còn thất lạc trong ký ức con thơ. Nhiều trường hợp, sau khi trưởng thành, có gia đình, có con, mẹ lại hóa thân thành bà hát lại lời ru năm xưa. Bảo tồn, lưu truyền văn hóa cần có cơ chế vận hành. Công việc sưu tầm, văn bản hóa dân ca nói chung, hát ru nói riêng chỉ giúp cho di sản ở lại chứ không có khả năng đi tiếp. Hát ru cũng không tồn tại dưới dạng vật thể, có thể nằm yên lay lắt trong không gian mà đã tắt lịm trong thời gian khiến cho chúng ta cứ phải ngơ ngẩn đi tìm một ký ức đã mất. 

Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào. 

Tác giả: Lê Hải Đăng

Biên tập: Lục Nhi | Huyên

Thiết kế: Dương Trương

Ảnh bìa: Omar Lopez on Unsplash

Hoạt động được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.