Hát ru sử dụng nhiều thủ pháp âm nhạc, nhưng lời ca, lời thơ đóng vai trò chủ đạo.

Cấu trúc hát ru

Hát ru có cấu trúc ngắn gọn, thể hiện bằng hình thức đơn ca, không có nhạc cụ đệm. Xuất phát bởi tình trạng sa sút, mai một, gần đây có xu hướng phổ biến, phục dựng hát ru qua các sản phẩm kết hợp giọng hát với nhạc cụ đệm. Nhạc cụ đệm có thể gồm một cây đàn (đàn tranh, bầu…) hoặc dàn nhạc cổ truyền. Cách làm này phù hợp thẩm mỹ đại chúng. Tuy nhiên, hát ru thuở ban đầu không hề có nhạc cụ đệm. 

Cấu trúc một bài hát ru chủ yếu có hình thức một đoạn đơn, tương ứng với một, hai cặp thơ lục bát. Sự ngắn gọn này được gia tăng, mở rộng bằng nhiều thủ pháp, như bổ sung hư từ, tiếng đệm, tiếng đưa hơi, điệp cú…

Ví dụ: 

“Ví dầu cầu ván đóng đinh     

Cầu tre lắt léo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học mẹ đi trường đời”

Khi vận dụng vào thực tế, từ 2 cặp thơ lục bát triển khai thành một bài hát ru với khuôn khổ vừa phải, cấu trúc hoàn chỉnh. 

Ví dụ:

(Ầu ơ…) Ví dầu cầu ván đóng đinh

(Chứ) cầu tre lắt léo (ơ ầu ơ ầu ơ), 

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

(Ầu ơ… ầu ơ) khó đi mẹ dắt (ư ơ) con đi

(Chứ) con đi trường học (ơ ầu ơ ầu ơ)

Con đi trường học mẹ đi trường đời

Bài “Ví dầu cầu ván đóng đinh” do cô Song Oanh ru.

Qua ví dụ trên cho thấy, lời ca gốc gồm 2 cặp thơ lục bát, nhưng kết hợp với giai điệu, đan xen tiếng đưa hơi, tiếng đệm, thủ pháp melisma (một đơn vị ca từ ứng với nhiều cao độ)… khiến cho bài ru mở rộng. Bên cạnh đó, tính chất tự do về tốc độ, nhịp điệu, tiết tấu, cộng với mối tương quan linh hoạt giữa các trường độ nối tiếp nhau khiến cho cấu trúc một bài ru co giãn hữu tình, cùng một, hai cặp thơ sản sinh ra nhiều dị bản. 

Ví dụ: 

“Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”

Vận dụng vào thực tế trở thành:

 “Chiều chiều chim vịt ơ ơ ơ kêu chiều. 

(Chứ) cha mẹ hiền lành ơ ầu ơ ầu ơ… 

Cha mẹ hiền lành để đức cho con” 

Một cặp lục bát nhưng có tới ba kiểu ru khác nhau. (Cô Song Oanh ru)

Tương tự như thế, lời ca khác nhau vẫn có thể tạo ra cấu trúc, âm hưởng giống nhau.

Hát ru Nam Bộ thường sử dụng thủ pháp điệp cú, như: từ câu thơ 8 chữ chiết xuất làm hai vế 4 chữ. Vế sau nhắc lại vế trước, chen giữa tiếng đệm “ầu ơ”. Tiếng đệm “ầu ơ” là một mô- típ quán xuyến từ mở đầu cho đến kết nối giữa các câu, vế thơ. Ngoài tiếng đệm (chứ), tiếng đưa hơi (ầu ơ, ví dầu) và, thủ pháp và điệp cú, hát ru khai thác triệt để lối hát melisma. Melisma là thủ pháp sử dụng một đơn vị ca từ ứng với nhiều cao độ. Thủ pháp này phổ biến trong âm nhạc cổ truyền nói chung và hát ru nói riêng.

Đặc điểm hát ru Nam Bộ

Hát ru Nam Bộ định hình, lưu truyền trên cơ tầng văn hóa Nam Bộ. Hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa đã sản sinh ra đặc trưng của nó, thể hiện qua lời ca, âm nhạc, từ âm giai, âm điệu cho đến làn điệu. 

  • Thứ nhất: về âm giai, đa số hát ru đều vận dụng thang âm oán. Giai điệu triển khai trong một âm vực hẹp, không lên cao xuống thấp rộng rãi như hò. Trên nền tảng thang âm oán kết hợp với các thủ pháp thanh nhạc, hát ru mang đến cho người nghe cảm giác buồn man mác, mênh mang, xa vắng. Lời ca thiên về tính chất tự sự, trữ tình, xót xa… Trong quá trình xử lý, người hát có thể ngắt câu giữa chừng, như sau câu: “cầu tre lắt léo” xuất hiện dấu lặng, khiến cho đường nét giai điệu bị đứt gãy đột ngột, phảng phất nỗi niềm riêng, giống như tiếng nức nở, nghẹn ngào.
  • Thứ hai: nhiều bài ru sử dụng tiếng đệm để hoàn chỉnh câu nhạc. Trong nhiều trường hợp, câu 8 chữ không xuất hiện liền mạch mà tách ra làm 2 vế (4+4), kết hợp thủ pháp điệp cú, đan xen hư từ, tiếng đệm nhằm tạo nên câu nhạc.
Bài “Chiều chiều ông Lữ đi câu…” do cô Song Oanh ru.
  • Thứ ba: nhờ sử dụng hư từ, tiếng đệm, tiếng đưa hơi… giúp cho làn điệu mở rộng khuôn khổ, đan xen giữa thực từ và hư từ, đồng thời thể hiện đặc trưng thể loại, như hát ru Bắc Bộ xuất hiện hư từ: à ơ, ru hời; Nam bộ có ầu ơ, ví dầu.
Bài “Đèn Saigon ngọn xanh ngọn đỏ…” do cô Song Oanh ru

Lời ca là tiếng lòng

Hát ru sử dụng nhiều thủ pháp âm nhạc, nhưng lời ca, lời thơ đóng vai trò chủ đạo. Lời ca chính là tiếng lòng người mẹ giao tiếp với con thơ, cũng như tâm sự với mình. Đa số hát ru thể hiện bằng nhịp điệu chậm rãi, tính chất co giãn, tự do… thông qua đó có thể liên hệ với nhiều thể loại âm nhạc khác, như: hò, lý, vè, đặc biệt là ngâm thơ. Trên thực tế, từ ngâm thơ đi vào hát ru là con đường khá ngắn, ngược lại từ hát ru đi vào trái tim con người làm nên ký ức bất tử kéo dài suốt một cuộc đời. Nó khiến cho hát ru không chỉ chuyển tải tư tưởng, tình cảm của người mẹ mà còn cộng hưởng, cộng cảm tâm hồn con thơ. 

Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào. 

Tác giả: Lê Hải Đăng

Biên tập: Lục Nhi | Huyên

Thiết kế: Dương Trương

Ảnh bìa: Ali Abdul Rahman on Unsplash

Hoạt động được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.