Nếu bạn đang ngạc nhiên vì sao trên trang Hiếu Văn Ngư lại đăng bài về…hôn lễ thì đừng quá lo nghen! Vẫn là team Cá và một “dự án văn hoá” đây.

Cô dâu chú rể – chàng Nam nàng Bắc nhưng đã đồng lòng chọn cố đô Huế làm nơi tổ chức hôn lễ vì yêu thích phong cảnh và những giá trị văn hoá nơi đây. Bên cạnh yêu cầu chính là “một đám cưới ở Huế”, cặp đôi còn cho Hiếu Văn Ngư những “đề bài” cần phải giải như: hôn lễ mang tính chất Huế/ Việt Nam nhất có thể; cặp đôi “hướng nội” nên không muốn thực hiện các nghi thức thông thường; và mang đến nhiều kỷ niệm chân thành cho khách tham dự. Từ những mong muốn này, Hiếu Văn Ngư đã gợi ý cho anh chị hôn lễ không chỉ “ở Huế” mà còn có phong vị Huế thể hiện qua nhiều góc độ như chủ đề, bài trí, âm nhạc, ẩm thực, trò chơi cũng như tour khám phá Huế dành cho khách tham dự.

Hình ảnh từ dự án hôn lễ Thạch xương Bồ – Nguồn ảnh: Hồng Nhật

1. Ôn cố tri tân | Chất liệu văn hoá điểm xuyết trong từng hoạt động

Với tinh thần “ôn cố tri tân”, từ tháng 04/2023, Hiếu Văn Ngư đã dụng tâm tìm hiểu, hỏi han người Huế về văn hoá Huế. Từ đó, chúng mình chắt lọc những chất liệu có thể đan xen vào các hoạt động của hôn lễ với mong muốn mang đến trải nghiệm sâu lắng, trang nhã mà vẫn vui vẻ cho cô dâu chú rể và khách tham dự.

1.1. Concept “Thạch xương bồ bên dòng nước”

Cô dâu tên Phương Thảo (nghĩa là cỏ thơm) và chú rể tên Hoàng Giang (“Giang” nghĩa là con sông) khi ghép với nhau gợi đến hình ảnh thạch xương bồ bên sông. Do đó mà hình ảnh “thạch xương bồ bên dòng nước” (tái hiện qua tiểu cảnh thạch xương bồ ký lên đá, đặt trong dĩa nước) được chọn làm hình ảnh biểu tượng và tên gọi cho hôn lễ này. Bên cạnh đó, thú chơi thạch xương bồ cùng các loại cỏ cây khác như hoa lan, trúc, tùng,… cũng phần nào gợi nhắc đến lối thưởng thức cuộc sống đầy thi vị xứ Huế.

1.2. Trip “Phong vị cố đô”

Để khách tham dự có dịp thư giãn và trải nghiệm xứ Huế trước khi tham dự lễ thành hôn, Hiếu Văn Ngư đã chuẩn bị trip “Phong vị cố đô” với các điểm đến như lăng Gia Long, nhà vườn An Hiên và đầm Lập An. Dù chỉ là một chuyến đi khiêm tốn nhưng team Cá hy vọng đã có thể phần nào giới thiệu thiên nhiên, lịch sử và lối sống của xứ Huế đến những vị khách phương xa. Đặc biệt, tại nhà vườn An Hiên, team Cá còn đặc biệt chuẩn bị workshop làm bánh trái cây để khách tham dự có thể “thực hành” làm  món bánh rất quen thuộc ở Huế.

1.3. Sử dụng sản vật địa phương

Bên cạnh các chất liệu văn hoá mang tính chất tinh thần, Hiếu Văn Ngư còn chọn lựa những sản vật địa phương để thực hiện hôn lễ như đồ mây tre đan của làng Bao La, các thức quà như mứt gừng, muối mè do người địa phương làm, bánh trái cây Huế tại nhà vườn An Hiên cho đến những món gần đây như bia gừng ủ từ gừng sẻ cay nồng xứ Huế. 

2. Cầm ca thi hoạ | Mang thật nhiều cái đẹp đến với hôn lễ

Đối với Hiếu Văn Ngư, sự kiện trọng đại của đời người như hôn nhân thật xứng đáng để được trang hoàng với rất nhiều cái đẹp hay những thú chơi cao nhã để tất cả cá nhân tham dự đều thấy thật đặc biệt. Vậy team Cá đã đưa những nét đẹp nào vào hôn lễ này?

2.1. Nghệ thuật thị giác

Nhóm nghệ sĩ thị giác – thiết kế – thi công của Hiếu Văn Ngư đã quan sát và đo đạc thật kỹ lưỡng không gian tổ chức hôn lễ để có thể ra bộ màu riêng cho sự kiện cũng như các vật phẩm trang trí. Từng chiếc liễn cưới đều được vẽ tay với tất cả sự chỉn chu, nhẫn nại nhất; từng viên đá ký thạch xương bồ đều được cắt tỉa cẩn thận và sắp đặt cho phù hợp với không gian; ánh sáng được tính toán cho từng khu vực (check in, triển lãm, lễ đài), từng chi tiết nhỏ trên các sản phẩm in ấn đều được vẽ lại từ sách xưa về nghệ thuật Huế.

2.2. Nghệ thuật ca Huế

Với sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình từ Câu lạc bộ Nghệ thuật ca Huế đã gần 40 năm hoạt động, hôn lễ Thạch Xương Bồ không chỉ có phần “nhìn” mà còn mang đến các trải nghiệm “nghe” thú vị cho cô dâu chú rể cũng như khách tham dự. Phần nghi thức của cặp đôi được thực hiện trong giai điệu của những bài bản ca Huế quen thuộc: Lưu thuỷ, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ hay Phẩm tiết,… Trong không gian ấm cúng và thân tình, câu ca Huế vang lên ngọt ngào cũng góp phần chúc phúc cho cặp đôi và khiến cho team Cá sướng rơn vì đi đâu cũng có thể đóng góp gì đó cho âm nhạc truyền thống của vùng miền.

2.3. Trò chơi “Đầu hồ”

Vì cô dâu không thích tung hoa cuối nên Hiếu Văn Ngư đã phỏng dựng trò chơi “đầu hồ” như một cách “nhả vía” cho khách tham dự. Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn thì “không rõ trò chơi đầu hồ được du nhập vào Việt Nam từ khi nào, chỉ biết đó là trò chơi khá phổ biến dưới triều Nguyễn (1802 – 1945), rất được giới vương giả, quyền quý ưa chuộng”. Dù không thể phục dựng hoàn toàn cách chơi đầu hồ độc đáo của người Huế nhưng dựa trên mô tả của nhà nghiên cứu, Hiếu Văn Ngư đã nỗ lực làm mũi tên thủ công lông thật và cho khách chơi phiên bản đơn giản nhất là ném vào lọ. Trò chơi đầu hồ đã thu hút một hàng dài các vị khách tham gia trải nghiệm và ai cũng công nhận rằng “nhìn vậy chứ không hề dễ”, nhưng cũng thiệt là vui! 

3. Nhất kỳ nhất hội | Những trải nghiệm độc đáo

Nếu các bạn mình hay theo dõi hoặc đã từng tham dự các sự kiện/ lớp học của Hiếu Văn Ngư hẳn cũng biết team Cá kiểu gì cũng “bày trò” tương tác. Và chúng mình cũng không bỏ qua dịp “bày trò” cho hôn lễ này với mong muốn khách đến dự cũng cùng “làm gì đó” với cô dâu chú rể.

3.1. Khách mời hòa chung câu ca giọng hát

Ca khúc “Lý mười thương” với câu hát quen thuộc “ố tang ố tang tình tang” đã được team Cá “chọn mặt gửi vàng” cho màn chào đón cô dâu. Bạn hãy tưởng tượng buổi chiều ở Huế, trời vừa tắt nắng, nhạc tấu lên, ánh đèn lộng lẫy, cô dâu từ từ tiến ra lễ đài với giọng hát của các nghệ sĩ ca Huế hoà điệu cùng khách mời thì như thế nào nghen. Chứ với team Cá chúng mình thì…phê chữ ê kéo dài luôn đó!

3.2. Triển lãm nhiếp ảnh của chú rể

Để cho phần check-in thêm phần thi vị, Hiếu Văn Ngư đã sắp xếp một triển lãm ảnh cá nhân của chú rể. Bật mí là trong mười năm (từ 2013 đến 2023), chú rể đã chụp rất nhiều ảnh về Huế và chúng mình đã tận dụng không gian hành lang để “trình làng” những hình ảnh này. Trong thời gian chờ đến phần làm lễ, khách tham dự có thể thưởng thức triển lãm. Và vui nhất đối với chúng mình đó là khi các cô chú anh chị người Huế đến xem triển lãm và cảm thấy hạnh phúc vì những tình cảm của người phương xa dành cho cố đô.

3.3. Lễ thành hôn với những nghi thức mới

Vì cô dâu chú rể chọn không cắt bánh hay đọc vows (lời thề nguyền), Hiếu Văn Ngư đã “bày” ra nghi thức mới là kết nút dây và mời nhau chung rượu đầu tiên với tư cách vợ chồng. Trong câu ca dao xứ Huế được xướng lên về đạo phu thê, cặp đôi đã cùng nhau thắt chặt nút tơ duyên cũng như uống chén rượu nồng.  

——————-

Đội ngũ thực hiện hôn lễ Thạch Xương Bồ: 
Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish
  • Quản lý dự án (project manager): Hà Thúc Đức Tùng
  • Concept và nội dung: Lục Phạm Quỳnh Nhi
  • Art Director: Tạ Ngọc Uyên Phương
  • Artist: Josh Trombley, Tạ Ngọc Uyên Phương. 
Cùng sự hỗ trợ của 
  • Một người bạn Huế (vận hành): Trần Đăng Gia Phú
  • Graphic Designer: Nguyễn Thị Minh Thanh (Thỏ điên)
  • Thiết kế, thi công và lắp đặt: Hồ Văn Thiện và cộng sự

——————-

Để liên hệ với team Cá/ Contact us:

  • Số điện thoại: 0934848800 (Mr. Tùng)