Hiểu lý sao cho…có lý
Lý không chỉ phổ biến ở đất trời phương Nam mà còn được nơi này “vinh danh” bằng thói quen thực hành văn hóa, nhờ đó mà một thể loại dân ca lưu truyền qua nhiều thế hệ vẫn nhận được sự yêu thích.
Qua điệu lý dân ca Nam Bộ cho thấy phạm vi phản ánh bao trùm mọi khía cạnh đời sống. Như vậy, phải chăng nên hiểu lý như một động từ tương đương với “hát” hay danh động từ: “bài ca”? Theo đó, Lý con sáo có nghĩa là “Bài ca con sáo”, Lý cây ổi là “Bài ca về cây ổi”… Tác phẩm âm nhạc hiện đại cũng từng xuất hiện nhiều tác phẩm đặt tên tương tự, như: “Bài ca hy vọng” của Văn Ký, “Bài ca may áo” của Xuân Hồng, “Bài ca xây dựng” của Hoàng Vân…
Trong nhiều thể loại diễn xướng, từ môi trường tín ngưỡng cho đến sinh hoạt đời thường xuất hiện nhiều dạng thức lấy hình thái nghệ thuật kết hợp đối tượng phản ánh để đặt tên. Các thể tán, tụng, niệm, chú, bạch, sám, vịnh, ca… tất cả đều chỉ có một chữ giống như lý, tùy thuộc nội dung, đề tài mà bổ sung “định ngữ”, như: “Tán A Di Đà”, “Niệm Quan Thế Âm”, “Tụng Địa Tạng Vương Bồ Tát”, “Vịnh phong cảnh Gia Định xưa” (nguyên tác: Cổ Gia Định phong cảnh vịnh)… Sau khi lý trở thành một danh từ riêng, thoát khỏi động từ, nó có thể tiếp tục lấy làm căn cứ nhằm bổ sung một danh từ, lượng từ hay động từ đồng nghĩa khác, như: bài lý, làn điệu lý, ca lý… Hiện tượng này rất phổ biến trong tiếng Việt, như: đàn tính, bánh pía, gà qué, té ngã… Chữ “lý” bản thân đã bao hàm nội dung ca, hát, bài ca, sau khi trở thành hóa thạch của thời gian đã qua, người ta “bồi” thêm một bổ ngữ tương ứng nhằm tái khẳng định nội hàm cũ. Vì vậy, theo thiển ý cá nhân , lý đơn giản có nghĩa là “bài ca”. Trên cơ sở đó, lý sản sinh một tập hợp phong phú đối tượng phản ánh, như: con sáo, con mèo, con trâu, con chim quyên, con quạ, chuồn chuồn, ngựa ô, cúm núm, con khỉ, con nhái, con cóc, con cua… rồi các loại cây ổi, cây bưởi, cây khế, cây chanh, cây mù u, bông sen, bông lúa, bông lựu, cây dừa, bánh tráng, bánh bò, bánh canh, bánh ít, dòng sông, cây cầu, cống chùa, quán rượu… Tất thảy đều lấy làm đề tài, đồng thời thể hiện bằng hình thái diễn xướng.
Xét về hình thức diễn xướng, lý có thể hát một mình, cặp đôi hoặc tập thể. Ở hát sắc bùa, một loại hình diễn xướng tích hợp tính chất du ca, chúc tụng, giải trí và thực hành nghi lễ, lý tham gia vào loạt bài hát đi đường. Điểm đáng lưu ý là trong hát sắc bùa, lý được diễn xướng dưới dạng đồng ca tập thể. Trong quá trình vừa diễn xướng vừa di chuyển tạo nên hiện tượng “lệch pha” giữa người đi đầu và người đi cuối (tốp hát) khiến cho hiệu quả âm thanh sản sinh tính chất “rập ràng, mỗi người một giọng” như nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã mô tả.
Một loại hình âm nhạc tín ngưỡng khác là hát bóng rỗi cũng tích hợp lý vào thực thể của mình với các bài Chầu gọi là lý giọng bóng. Lý giọng bóng nhằm chỉ những làn điệu lý đã “bóng rỗi hóa”. Ngoài ra, lý cũng xuất hiện trên sân khấu Cải lương, rồi len lỏi vào ca khúc. Sự xâm nhập của một thể loại dân ca vào các loại hình nghệ thuật khác cho thấy sức hấp dẫn, cũng như tính thời thượng của nó ở từng thời điểm khác nhau. Lý không chỉ là di sản quá khứ được tái sử dụng như một chất liệu trong các loại hình nghệ thuật tổng hợp mà còn mang giá trị thời thượng, tượng trưng cho thẩm mỹ của một thời kỳ lịch sử.
Phân loại sao cho hợp lý
Trong cuốn “Đi tìm kho báu vô hình” của Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Lê Anh Trung, nhóm tác giả đã dành nhiều nội dung nói về cách đặt tiêu đề ở lý. Tổng hợp các cách có: “lấy nội dung lời hát”, như: lý cảnh chùa, lý con cúm núm, lý quy phụng, lý qua rừng…; “lấy mấy chữ đầu câu hát”, như: lý con nhái, lý con cò, lý con nhện, lý chim quyên, lý bắt lươn, lý tiều phu, lý trống chầu…; “lấy những tiếng đệm lót hoặc tiếng láy đưa hơi”, như: lý lu là, lý bằng răng, lý tình tang, lý xự xế xang… Ngoài ra, lý cũng xuất hiện trong hát sắc bùa, hát bóng rỗi làm hình thành lý đi đường, lý giọng bóng.
Như vậy, việc đặt tên làn điệu lý có thể dựa vào nội dung, đề tài, mấy câu đầu làn điệu, tiếng đệm lót, đưa hơi… Một thể loại âm nhạc tồn tại trong môi trường văn hóa dân gian được nhiều người yêu thích, lưu truyền, phổ biến rộng rãi tất yếu chịu sự chi phối bởi các nhóm nhu cầu khác nhau. Điều này thể hiện rõ qua cách đặt tiêu đề. Bên cạnh đó, người sưu tầm lại dựa vào địa bàn phổ biến hay sưu tầm để phân loại, như: lý Sài Gòn – Gia Định, lý Bến Tre, lý Đồng Tháp, lý Hậu Giang… hoặc rộng hơn theo tiêu chí vùng miền, như: lý Bắc Bộ, lý Trung Bộ, lý Nam Bộ.
Xuất phát từ một thể loại dân ca phổ biến ở nhiều vùng miền nảy sinh tình trạng, một điệu lý có thể dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác, như: lý con sáo, lý ngựa ô… Trong quá trình dịch chuyển, có bài giống tên, khác nhạc, có bài giống nhạc, khác tên. Theo tổng kết của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, riêng tại Nam Bộ có tới 20 bài lý ngựa ô, nếu cộng thêm 6 bài sưu tầm ở miền Trung Bắc Bộ, 3 bài ở Trung Nam Bộ, gia tài lý ngựa ô cả nước lên tới 29 bài. Lý con sáo cũng phổ biến khắp ba miền đất nước, nhạc sĩ Văn Cao phát hiện 11 bài, trong đó có 1 bài thuộc dân ca Quan họ Bắc Ninh, 2 bài trong hát ghẹo, Phú Thọ, 1 bài ở Nam Trung Bộ, 3 bài Quảng Trị – Huế và 2 bài Nam Bộ. Dựa trên kết quả sưu tầm trên phạm vi cả nước, lý con sáo có hơn 40 bài. Riêng đối với lý ở Nam Bộ, công trình “Lý trong dân ca người Việt” sưu tập 469 làn điệu, trong đó Bắc Bộ có 23 bài, Trung Bộ có 73 bài, Nam Bộ có tới 373 bài. Điều này hoàn toàn khớp với câu thành ngữ: “Nam lý, Huế hò, Bắc thơ” mà Trương Vĩnh Ký đề cập trong cuốn: “Hát lý hò An Nam”. Lý không chỉ phổ biến ở đất trời phương Nam mà còn được nơi này “vinh danh” bằng thói quen thực hành văn hóa, nhờ đó mà một thể loại dân ca lưu truyền qua nhiều thế hệ vẫn nhận được sự yêu thích.
—
Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào.
—
Tác giả: Lê Hải Đăng
Biên tập: Lục Nhi | Huyên
Thiết kế: Dương Trương
Ảnh bìa: Maria Baltazzi on Unsplash
—
Hoạt động được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.