Cùng nhìn lại hành trình chiếu phim – giao lưu văn hoá “Trăng lên nhớ đất phương Nam”

Sau hơn một tháng tổ chức, tối ngày 13/10/2022, chuỗi sự kiện chiếu phim – giao lưu văn hoá “Trăng lên nhớ đất phương Nam” đã khép lại với rất nhiều dư âm về bộ phim “Đất phương Nam” cũng như câu hò điệu lý của vùng đất này. “Trăng lên nhớ đất phương Nam” do Hiếu Văn Ngư và Bách Thảo Collective hợp tác thực hiện nhằm kỷ niệm 25 năm bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” ra mắt công chúng; chương trình gồm hoạt động chiếu phim (2 tập/ buổi) và workshop về các chất liệu diễn xướng Nam bộ đã được sử dụng trong phim như hò, lý, hát sắc bùa, cải lương, nói thơ Vân Tiên. 

Khán giả chụp ảnh lưu niệm cùng ban tổ chức và các nghệ sĩ hát sắc bùa Phú Lễ trong buổi chiếu phim cuối cùng ngày 13/10/2023

Hãy cùng ban tổ chức nhìn lại hành trình 06 buổi chiếu phim – giao lưu văn hoá đầy kỷ niệm này nhé: 

Buổi đầu tiên (08/09/2022)

Buổi đầu tiên của chuỗi sự kiện chiếu phim – giao lưu đã đón tiếp khá nhiều khán giả trẻ chưa từng xem “Đất phương Nam” lẫn các khán giả đã coi không dưới…ba lần. Dẫu vậy thì cậu bé An, vợ chồng bác Tám Luông, chị Út Trong,…vẫn khiến bao khán giả thổn thức khi theo dõi hành trình gian nan của bao số phận nổi chìm. Khán giả cũng nhiệt tình tham gia phần giao lưu với chủ đề nói thơ Vân Tiên do nghệ sĩ Sáu Hưng – Song Oanh phụ trách. Khoảnh khắc tất cả “hòa giọng” để ngân nga “trước đèn xem truyện Tây minh….” thiệt khiến cho ban tổ chức như được tiếp thêm động lực để làm thêm nhiều sự kiện về miền Nam hơn nữa!

Khán giả giao lưu cùng nghệ sĩ Sáu Hưng và Song Oanh với các trích đoạn nói thơ Vân Tiên đã xuất hiện trong hai tập đầu của phim cũng như các đoạn thơ khác

Buổi thứ hai (15/09/2022)

Sự xuất hiện của diễn viên Mai Thanh Dung (vai bà Tư Ù) cùng những trải lòng của cô đã mang đến không khí sôi nổi và thân tình. Khán giả được hiểu thêm về những gì mà ê-kíp “Đất phương Nam” đã trải qua để có những thước phim gửi đến khán giả.

Bên cạnh đó, nghệ sĩ Song Oanh và Sáu Hưng cũng mang đến những câu hò đậm chất sông nước như hò đối đáp, hò Đồng Tháp, hò huê tình (hay xuất hiện trong phim “Đất phương Nam”). Khán giả không chỉ thưởng thức hò mà còn có thể “viết” lời ca dao mới và được nghe hai nghệ sĩ hò chính “tác phẩm” mà mình vừa sáng tạo nên.

Nghệ sĩ Sáu Hưng và Song Oanh thể hiện hò đối đáp

Buổi thứ ba (22/09/2022)

“Lắng tai nghe tiếng trống bang

Tay chơn rũ riệt bàng hoàng muốn đi”

Dù “Trăng lên nhớ đất phương Nam” không hội hè hoành tráng như trong lời ca dao trên nhưng đêm thứ ba chiếu phim – giao lưu vẫn gọi là rộn ràng vì sự hiện diện của khán giả gần xa. Đặc biệt, buổi chiếu phim này còn có sự tham gia của chủ nhiệm đoàn làm phim “Đất phương Nam” Quách Mạnh Kha đã đến và tỉ tê kể chuyện “từ cây kim đến máy bay” của đoàn.

Phần náo nhiệt nhất của buổi chiếu phim thứ ba chính là các giai điệu “Lý cây ổi”, “Lý bập boong boong” xuất hiện trong phim nay đã được nghệ sĩ Sáu Hưng và nghệ sĩ Song Oanh tái hiện tại không gian “Trăng lên nhớ đất phương Nam”. Đặc biệt hơn cả là phần hoà giọng của khán giả cùng hai nghệ sĩ để thể hiện giai điệu “Lý bập boong boong” thật “trúng nhịp” và nhặt khoan.

Khán giả hoà giọng “Lý bập boong boong” cùng nghệ sĩ Sáu Hưng và Song Oanh

Buổi thứ tư (29/09/2022)

Dù mưa lớn nhưng đông đảo khán giả vẫn đến với “Trăng lên nhớ đất phương Nam” để cùng thưởng thức hai tập phim và nghe 5 phiên bản vọng cổ (từ “Dạ cổ hoài lang” đến vọng cổ nhịp 4, 8, 16, và 32). Đây có thể nói là buổi chiếu phim có thời lượng giao lưu dài nhất (không kể buổi đặc biệt với nghệ thuật hát sắc bùa) khi các nghệ sĩ “chiêu đài” cho khán giả nhiều phiên bản vọng cổ đến vậy dù trong phim “Đất phương Nam”, vọng cổ chỉ xuất hiện 1 lần.

Các nghệ sĩ giao lưu cùng khán giả. Từ phải qua: nghệ sĩ Sáu Hưng, nghệ sĩ Song Oanh, nghệ sĩ Hữu Hạnh
Vọng cổ nhịp 8 do nghệ sĩ Hữu Hạnh thể hiện với tiếng đờn kìm của nghệ sĩ Sáu Hưng

Buổi thứ năm (06/10/2022)

Nếu dùng một câu đễ tả lại không khí của đêm chiếu phim – giao lưu này, hẳn sẽ là “nhất kỳ nhất hội”. Một đêm sáng trăng, trong không gian ấm cúng của Bách Thảo Collective, có thêm hoa tươi và tài tử khắp chốn đến xem phim – giao lưu cùng Bách Thảo – Hiếu Văn Ngư. Sự xuất hiện bất ngờ của Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn khiến khán giả yêu quý phim “Đất phương Nam” không khỏi rộn ràng. Càng nghe đạo diễn chia sẻ về quá trình làm phim, cái tình của ông đối với mảnh đất Nam Bộ, trăn trở vì “thời đó làm chưa tới” ta càng thêm yêu mến đoàn làm phim chịu thương chịu khó của 25 năm về trước.

Cũng vừa vặn làm sao khi phần giao lưu âm nhạc của đêm qua là âm nhạc tài tử – đờn ca tài tử Nam Bộ. Khách tri âm được “chiêu đãi” các phiên bản độc tấu đờn kìm, hòa tấu đờn kìm – đờn tranh, và hòa ca trên cùng một bài “Tứ đại oán” (Lớp 1) một thời “làm mưa làm gió” khắp nam kỳ lục tỉnh. Lần đầu tiên, khán giả được lắng nghe tiếng đờn tranh tha thiết của nghệ sĩ Song Oanh, nghe cách nghệ sĩ Sáu Hưng nhấn nhá từng chữ đờn trên cây “quân tử cầm” và gặp lại giọng ca của cô Hữu Hạnh với tích Bá Lý Hề. Âm nhạc tài tử với tính ứng tấu tại chỗ, mỗi lần chơi là mỗi phiên bản khác nhau và do đó, đêm chiếu phim này là duy nhất.

Buổi cuối cùng (13/10/2022)

Buổi chiếu phim cuối cùng hay được Ban tổ chức giới thiệu là “sự kiện đặc biệt” vì buổi này chỉ chiếu 1 tập phim (tập cuối) và thời lượng còn lại là workshop tìm hiểu về nghệ thuật hát sắc bùa Phú Lễ (Bến Tre). Cũng vì những lẽ này mà sự kiện đã thu hút hơn 100 khán giả đến xem phim, tìm hiểu về nghệ thuật hát sắc bùa được “dàn dựng” bằng cách tái hiện đêm 30 trừ tịch.

Gần 100 khán giả đã lấp đầy không gian Bách Thảo Collective

Các nghệ nhân hát sắc bùa Phú Lễ (Bến Tre) mang đến không khí hết sức rộn ràng ngày xuân (dù rằng sự kiện là cuối mùa mưa!) với các bài “Mở ngõ” rạo rực, “Cõi Nam” tha thiết, “Lý đầu cầu vắn” đã xuất hiện và trở thành “hit” của phim “Đất phương Nam”, hay “Vè các loại dừa” để đố khán giả đếm số lượng dừa được kể. Càng gần đến giờ kết thúc, khán giả lẫn nghệ sĩ đều nấn ná chần chừ dường như không muốn khép lại hành trình “Trăng lên đất phương Nam” này vậy.

Bài “Lý đầu cầu vắn” vang lên trong sự xúc động của nghệ sĩ và khán giả

Dư âm cuối cùng của “Trăng lên đất phương Nam” chính là khi khán giả cùng các nghệ sĩ cất cao giọng hát với các giai điệu nhặt khoan của “Bài ca đất phương Nam” (Sáng tác: Lư Nhất Vũ). Phần hát chung này không hề được chuẩn bị trước, cũng như không trải qua “tập dợt” thế nhưng khán giả và nghệ sĩ vẫn hết sức “ăn rơ” và từ đó càng khiến cho dư âm của chuỗi sự kiện chiếu phim – giao lưu này được ghi nhớ mãi. 

Khán giả cùng các nghệ sĩ cất cao giọng hát với các giai điệu nhặt khoan của “Bài ca đất phương Nam” (Sáng tác: Lư Nhất Vũ)

———————-

Để “Trăng lên nhớ đất phương Nam” có thể diễn ra thuận lợi, Hiếu Văn Ngư trân trọng cảm ơn công ty Lythi Auction đã tài trợ địa điểm, tài lực và nhân lực để tổ chức chương trình. Cảm ơn Bách Thảo Collective vì đã “tìm thấy” Hiếu Văn Ngư qua bài một bài viết rồi nhất định phải liên hệ để “làm show”. Cảm ơn anh Hoàng Việt Trí – mạnh thường quân đã tài trợ một phần chi phí chương trình đặc biệt ngày 13/10. 

Đồng thời, Hiếu Văn Ngư cũng gửi lời cảm ơn đến quý báo (Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Thanh Niên), đài (VTV3 – chuyên mục “Vui sống mỗi ngày”) đã đến tham dự sự kiện và đưa tin.

———————-

Bách Thảo Collective là không gian kết nối Văn Hóa và Nghệ Thuật trụ lạc tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 01), với mong muốn góp phần lan tỏa hơn nữa đến các thế hệ những giá trị bản địa hóa của Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Thông điệp “Cultural Plus Arts Hub” Bách Thảo Collective sẵn sàng hỗ trợ các dự án Nghệ thuật / Dự án ứng dụng nghệ thuật trong toàn khối ASEAN.

———————-

Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish – 好文魚

Được thành lập từ năm 2020, Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish là dự án khơi gợi nét đẹp của nghệ thuật Việt Nam trong lòng khán giả trẻ thông qua hoạt động truyền thông, workshops, khóa nhập môn thưởng thức và các sản phẩm ứng dụng. Hiện tại, Hiếu Văn Ngư tập trung lưu trữ và truyền thông các loại hình diễn xướng Nam Bộ như sân khấu hát bội, dân ca (hát ru, hò, lý) trên nền tảng website, Facebook cũng như các đối tác quốc tế.