“Giải mã” âm nhạc trong phim “Đất phương Nam”
Đoàn làm phim “Đất phương Nam” đã tinh tế sử dụng nhiều chất liệu diễn xướng Nam Bộ bao thế hệ khán giả thổn thức.
Nếu bạn là 8x, 9x như đa số các thành viên của Cultura Fish thì phim truyền hình “Đất phương Nam” (11 tập) của đạo diễn Nguyễn Vĩnh Sơn hẳn đã không còn xa lạ gì. Riêng đối với Cá, bộ phim này còn là một vùng trời tuổi thơ mà mỗi khi nhắc lại vẫn thấy bùi ngùi. Ngoài 02 ca khúc chính là “Bài ca đất phương Nam” và “Chú bé đi tìm cha” thì bộ phim “Đất phương Nam” còn gửi đến khán giả nhiều viên ngọc quý của miền Nam như câu hò điệu lý, tục hát sắc bùa, nói thơ Vân Tiên, sân khấu Cải Lương,… Bài viết này nhằm điểm lại hệ thống những “viên ngọc quý” phương Nam đó, để thấy được chúng đã được ê-kíp làm phim khéo léo chuyển tải như thế nào.
1. Câu hò điệu lý lời ru
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng thì hò, lý, ru, hát huê tình,… được xếp vào nhóm hò hát dân gian. “Dân gian” nghĩa là sao nè? Nghĩa là hò, lý, ru, hát huê tình sẽ lấy “lời ca” từ kho tàng ca dao, tục ngữ, rồi thêm vào đó những giai điệu mùi mẫn để cất lên thành lời ru con, câu hò khi lao động hoặc khi cần… tán tỉnh nhau, để ca cho vui như mấy bài lý.
Hình ảnh trích từ phim
Trong phim “Đất phương Nam” bạn có thể bắt gặp câu hò điệu lý ở:
- Tập 03: Màn cướp kinh điển khi cô gái dụ anh chèo đò hò đối đáp, thừa lúc mọi người trên đò sơ ý mà ăn cướp. Mấy điệu hò trong cảnh này đa phần là hò chèo ghe hay nghe ở miền Nam, ngoài ra có một đoạn hò Đồng Tháp (câu nào có chữ “ngó qua… / hó qua…”).
- Tập 05: Ông Ba Ngù đã vỗ về cho cậu bé An bằng cách ru mấy câu ơ ầu.
- Tập 05: Xuất hiện bài “Lý cây ổi”
- Tập 06: Tập này xuất hiện rất nhiều chất liệu diễn xướng Nam Bộ. Cảnh gánh hát của thầy giáo Bảy xuôi dòng sông, khán giả được nghe 02 bài là “Lý bập bòong boong” và “Lý trống chầu” đều để mô phỏng tiếng trống.
2. Nói thơ, nói tuồng
Nếu như hò, lý, ru được tính là “hò hát dân gian” thì nói thơ, nói tuồng được xem là hình thức diễn xướng tự sự và trữ tình của người dân Nam Bộ. Thông qua những tiết tấu đặc trưng và thanh âm của vần chữ khi kết hợp với nhau, thi thoảng có thêm vào giai điệu, nói thơ, nói tuồng giúp người ta giãi bày nỗi niềm, kể chuyện, đôi khi còn để thông báo một sự kiện gì đó.
Hình ảnh trích từ phim
- Tập 01 + 02: Bác Tám Luông gây ấn tượng cho người xem vì lúc nào cũng thấy bác nói thơ Vân Tiên. Tùy theo phân cảnh mà có lúc bác nói đoạn vui, có khi nói đoạn buồn. Cá tui khóc sướt mướt khi coi đến đoạn bác nói thơ lần cuối để chuẩn bị tự tử. Quay lại với hình thức nói thơ Vân Tiên này thì Cá tui nghe mấy cô chú lớn tuổi nói hồi xưa người miền Nam hầu như ai cũng thuộc truyện thơ Lục Vân Tiên, mà đọc khơi khơi ngang ngang thì nhàm, người ta đã thổi vào những câu thơ giai điệu đặc trưng mà từ đó nói thơ Vân Tiên trở thành đặc sản của đất phương Nam.
- Bác Tám Luông nói thơ Vân Tiên
- Bác Tám nói thơ trước khi tự vẫn
- Tập 04: Ông Ba Ngù cũng nói thơ Vân Tiên, chỉ là khác đoạn với bác Tám.
- Tập 09: Nói thơ Bạc Liêu, sau khi xảy ra cảnh xô xát ở đồng Nọc Nạn, cảnh này nhìn chú Võ Tòng bơ vơ trên nền nhạc mà tui buồn ghê gớm luôn.
3. Sân khấu Cải lương
Cá tui nghĩ đây là phần “chịu chơi” nhất của đoàn làm phim khi chiêu đãi cho khán giả đến 04 trích đoạn cải lương trong các tập 06, tập 07. Nhưng kể ra thì làm phim miền Nam mà không có sân khấu Cải Lương cũng thiệt là thiếu sót bạn hen. Điểm sơ qua mấy trích đoạn có trong phim nào.
Hình ảnh trích từ phim
- Tập 05: Dự Nhượng đả long bào. Trích đoạn này có mấy bài như duyên kỳ ngộ, phú lục, xàng xê, đảo ngũ cung,…
- Tập 06: Tuồng Lục Vân Tiên, cảnh chàng Vân Tiên đánh Phong Lai để giải cứu cho Kiều Nguyệt Nga. Tuồng này có mấy bài như lưu thủy đoản, thu hồ, kim tiền Huế, hành vân,vv.
- Tập 06: Tuồng Bao công , tuồng này có mấy bài thu hồ, tây thi, vọng cổ nhịp 4, tứ đại oán, vv
- Tập 06: Tuồng “Giọt máu chung tình” (Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà), có một mình cô đào diễn với mấy bài tứ đại, vọng cổ, vv (Màn cổ lấy kiếm ra tự sát thiệt khiến Cá tui đứng ngồi không yên!
4. Hát Sắc Bùa
Chỉ xuất hiện trong tập 08 của bộ phim, mặc dù tên là “Lý đầu cầu” nhưng bài này thuộc về hình thức diễn xướng tên là “Hát Sắc Bùa”. Nói nôm na cho dễ hiểu thì Sắc Bùa là hình thức một nhóm nghệ sĩ dân gian du ca đến các gia đình vào dịp Tết để hát chúc tụng cho năm mới an khang, phát tài phát lộc. Hát Sắc Bùa có 02 phần là hát nghi lễ (lúc cúng, khi dán bùa..) và hát góp vui gồm các bài lý, vè, hát chúc các nghề,… Bài “Lý đầu cầu” xuất hiện ở cảnh cuối phim, điệu lý này có chữ “là y…” rất đặc trưng. Nay Cá tui xin gợi ý đến các bạn mấy bài bản của sắc bùa nha: Lý đầu cầu vắn, lý đầu cầu dài, Lơ thơ tơ liễu. Hiện nay hát sắc bùa ở miền Nam chỉ còn lại ở Phú Lễ (Bến Tre).
Hình ảnh trích từ phim
Bài “Lý đầu cầu” của bộ môn Hát Sắc Bùa
Ngoài bài “Lý đầu cầu”, Cultura Fish cũng đã đăng bài “Cõi Nam” cũng thuộc bộ môn sắc bùa. Quý độc giả có thể truy cập thư viện video của chúng mình để thưởng thức bài hát này nha.
5. Những loại hình khác
Song song với mấy loại hình kể trên thì nhạc không lời, ca khúc chủ đề của phim cũng góp phần tạo nên sự thành công của “Đất phương Nam”. Nhiều nhạc cụ dân tộc như đờn tranh, sáo, đờn bầu, đờn nhị,… đã được sử dụng để làm nhạc phim, tạo nên chất miền Nam của phim.
- Nhạc không lời trong phim: cảnh An bái sư, bái tổ sân khấu: bài “Tứ đại oán” (độc tấu đờn tranh)
- Bài “Bài ca đất phương Nam” do nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ viết dựa trên thang âm cổ nhạc miền Nam.
Ngoài mấy điều Cá đã kể trên thì lúc xem phim bạn còn phát hiện ra điều gì thú vị nè, có thể kể cùng với Cá nha 😛
Bài viết đã được thiết kế dưới dạng infographic, kính mời quý độc giả truy cập thư viện hình ảnh của Cultura Fish để xem album.
—
Tác giả: Lục Nhi và Huyên
—
Bài viết thuộc dự án “Phong hoa ca vịnh” – dự án giới thiệu diễn xướng dân gian Nam Bộ (hò, ru, lý) đến khán giả với tinh thần “ôn cố tri tân”. Kính mời quý độc giả truy cập vào link trên để tìm hiểu về dự án này.