Từ ngày 19/03 – 28/03/2021, Hiếu Văn Ngư đã tổ chức các modules trải nghiệm văn hóa – lịch sử Nam Bộ cho thành viên dự án The Soil Project (TSP).

Từ ngày 19/03 – 28/03/2021, Hiếu Văn Ngư đã đồng hành với The Soil Project (TSP) trong hành trình “Biết người biết ta” – khám phá chất liệu văn hóa, lịch sử Việt Nam, từ đó mở ra nhiều gợi ý cho các thành viên TSP suy tư về bản sắc cá nhân. Trong khoảng thời gian ngắn, TSP đã được trải nghiệm 03 modules thú vị là “Cung nhịp nhặt khoan”, “Hát bội 101”, “Từ Chợ Lớn ra thế giới”. Bạn hãy cùng Cá điểm qua hành trình này nhé.

Thành viên TSP chủ yếu đến từ miền Trung và Tây Nguyên, và để tiếp đón các bạn, Hiếu Văn Ngư đã thiết kế các modules tìm hiểu văn hóa miền Nam – vùng đất trẻ chỉ mới 400 năm lẻ, vừa thâu nạp văn hóa miền Trung, vừa có nhiều dòng chảy văn hóa khác như Ấn, Chăm, Hoa, Khmer. Các modules được Cá thiết kế theo quan điểm vừa thực hành văn hóa bản địa (biết ta), vừa tham khảo những dòng chảy văn hóa khác (biết người), từ đó các thành viên TSP có thể phần nào lý giải được những “mật mã” văn hóa chảy trong mình, biết cách đối thoại với các nền văn hóa khác trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng như có nhiều niềm vui khi thực hành các chất liệu văn hóa này.

Cung nhịp nhặt khoan

Ngay từ module đầu tiên, TSP đã được Cá cho thử “món ăn chơi” độc đáo là lớp ca cổ “Cung nhịp nhặt khoan”. Với sự hướng dẫn của hai thầy cô Sáu Hưng – Song Oanh là dân tài tử “xịn”, các bạn đã được học ca theo lối ngũ cung truyền thống, thử chơi đờn kìm và nghe thầy cô chia sẻ nhiều chuyện “ngày xưa”.


Trước module này, TSP có chút bối rối vì nghĩ rằng “dân ca không dành cho tụi em” hoặc “em nghĩ là ca cổ hay thôi chứ không cảm được vì sao nó hay”. Chẳng ngờ chỉ sau nửa tiếng nghe live đờn – ca và được chú Sáu Hưng giới thiệu, giải thích về cổ nhạc, các bạn đã có thể mạnh dạn xướng âm “hò xự xang xê cống” rồi học tù tì hai bài lý là “Lý bụi chuối” và “Lý quy phụng”. Những bài lý “nhỏ nhỏ mà có võ” đã phần nào đánh thức được những chất liệu truyền thống bên trong các bạn. Có bạn nói nhớ lời ru bên nôi của bà, có bạn lại thấy nhịp song lang mà chú Sáu Hưng gõ sao cứ quen thuộc, “cứ như là nhịp đấy đã ở trong em từ lâu”. Thế là không cần phải biết nhạc lý, các bạn Soil đã vượt qua các bài bản một cách thuận lợi, lại còn có thời gian thử rung, nhấn, luyến trên các phím đờn kìm.

Chú Sáu Hưng và cô Song Oanh chụp ảnh cùng các bạn The Soil Project

Sau 02 bài lý đơn giản thì TSP đã sẵn sàng cho một bản dài hơi hơn – “Nợ duyên gì” theo điệu “Hành vân”, một bài bản thuộc hệ thống đờn ca tài tử Nam Bộ. Hiếu Văn Ngư chọn “Hành vân” cho TSP trải nghiệm vì bản này vốn gốc Huế, theo các thầy đờn vô miền Nam từ thuở xưa. Học “Hành vân” ở Saigon nhưng khi trở về Đà Nẵng (nơi TSP đang lưu trú), các bạn vẫn có thể giao lưu với các nhóm dân ca hay ca Huế. Học bản này tốn thời gian hơn mấy bài lý vì bản này…ít chữ, mà thường bài nào ít chữ sẽ khó ca. Tuy vậy, TSP vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chẳng những ca giỏi mà còn “khui” được từ cô chú Sáu Hưng – Song Oanh nhiều câu chuyện thú vị.

“Tụi con chân thành cảm ơn cô chú Sáu Hưng đã tỉ mỉ chỉ bày cho tụi con hát 3 bài ca cổ. Mặc dù con học không giỏi lắm nhưng nhờ tiếp xúc với tiếng đàn của chú và giọng hát của cô mà máy tính con liên tục phát các bản nhạc dân ca trong suốt hai hôm nay. Con cũng vui vui khi nhìn một bạn trong đám ôm cây đàn kìm và say sưa với nó. Hẹn một ngày con được ngồi chung bàn nhậu với chú để thưởng thức được sự “tài tử” trong từng nốt bấm dây của chú” (Trích thư cảm ơn từ TSP)

Biên soạn: Nhi