Tản mạn về nghệ thuật tuồng miền Trung – Kỳ 01
Miền Trung giữ vai trò “áp đảo” trong bề dày đóng góp và phát triển nghệ thuật tuồng/hát bội.
Trong các loại hình nghệ thuật sân khấu Việt Nam, hát bội (còn gọi là tuồng hay hát bộ) có bề dày lịch sử phát triển lâu đời, có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng. Chúng ta hẳn sẽ rất dễ dàng nhận thấy chèo là nghệ thuật biểu diễn chỉ được phổ biến ở vùng văn hóa Bắc bộ. Còn cải lương, dẫu đã đơm hoa kết trái ở nhiều vùng miền, nhưng vẫn thấm đậm và không lẫn vào đâu được cái hồn vía cốt cách của phong hóa Nam bộ chơn chất, hiền hòa. Trong khi đó, từ hàng bốn – năm thế kỷ nay, hát bội đã tỏa “cành lá” ra khắp ba miền và nở rộ thành một diện mạo nhiều màu sắc, đa phong cách. Song, người ta vẫn quen khế hợp cái tên “hát bội” với dải đất miền Trung khí phách, anh hùng như một cách “phân bổ” đồng đều nghệ thuật biểu diễn theo địa vực (chèo – miền Bắc, tuồng/hát bội – miền Trung, cải lương – miền Nam), cũng như để ghi nhớ về cái nôi của loại hình sân khấu truyền thống này.
Diễn viên tuồng cung đình Huế, hình vẽ năm 1784. Nguồn ảnh: E. Ronjat – http://belleindochine.free.fr/AmbassadeAHue.htm
Vậy đối với tuồng/hát bội, dải đất miền Trung có vai trò như thế nào? Từng có người đánh giá rằng nghệ thuật tuồng/hát bội đặc biệt phát triển ở bốn địa phương là Huế, Quảng Nam, Bình Định và Gia Định. Mỗi vùng theo đó cũng hình thành phong cách biểu diễn đặc thù tương ứng. Cố nhiên, trong các địa danh vừa nêu, không khó để nhận thấy miền Trung giữ vai trò “áp đảo” trong bề dày đóng góp và phát triển nghệ thuật tuồng/hát bội.
Bản đồ hành chính Đại Nam khoảng năm 1838 dưới triều vua Minh Mạng. (Nguồn: Chloe Phương Anh – Wikipedia Contributor). Chỉnh sửa bởi Cultura Fish.
Bình Định và hai danh nhân họ Đào có công với hát bội
Bình Định là cái nôi của nghệ thuật tuồng/hát bội. Cho đến hiện nay, giới nghiên cứu vẫn chưa đủ căn cứ khả tín và khoa học để xác quyết về sự ra đời của nghệ thuật tuồng/hát bội. Từ trong mớ bảy mớ ba các ghi chép tản mạn về nghệ thuật ca – vũ – nhạc trước thế kỷ XVIII, chúng ta chỉ có thể hình dung được các hình thái nghệ thuật diễn xướng dân gian, các trò nhại mang tính chất phúng gián, hoạt kê, giải trí tiêu khiển trong đời sống cung đình. Mãi đến thế kỷ XVI, cùng với hành trình Nam tiến và công cuộc xây dựng lực lượng của tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn, cũng như triều đình nhà Nguyễn, nghệ thuật tuồng/hát bội mới bắt rễ và chiếm được vị trí không kém phần quan trọng trong đời sống văn hóa xứ Đàng trong.
Đền thờ Lộc Khê hầu Đào Duy Từ tọa lạc tại thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tình Bình Định. Nguồn ảnh: Cultura Fish.
Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, vị quân sư đắc lực của chúa Nguyễn, được dân gian tin là người đã đem nghệ thuật tuồng/hát bội hoài thai từ đất Thanh Hóa vào Bình Định rồi phổ biến cho nhân dân vốn sính ca múa, hò hát và diễn xướng nơi đây. Không những vậy, Bình Định còn gắn liền với danh nhân Đào Tấn, người có văn tài hơn người, từng giữ vai trò Hiệu thư trong Ban Hiệu thư (đơn vị chuyên sáng tác, nhuận sắc, chỉnh lý, hiệu đính tuồng bản) dưới thời vua Tự Đức. Giai đoạn cuối đời, Đào Tấn còn tập trung xây dựng “Học bộ đình” – tức ngôi trường dạy nghề hát – để phát triển nghệ thuật tuồng/hát bội đến những “diệu xứ của nghề”. Chính vì lẽ đó mà hai danh nhân họ Đào, kẻ trước người sau, đã được giới sân khấu miền Trung tôn lên thành các bậc Tiền hiền và Hậu hiền (thậm chí đã có lúc người đời lạm gọi là hậu Tổ). (Còn tiếp)
Cổng làng Vĩnh Thạnh (gần đền thờ Đào Tấn) ở thôn Vĩnh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Nguồn ảnh: Cultura Fish.
Bài viết đã được thiết kế dưới dạng infographic, kính mời quý độc giả truy cập thư viện hình ảnh của Cultura Fish để xem album.
—
Tác giả: Huyên
—
Bài viết thuộc dự án “Hát Bội 101” – dự án giới thiệu nghệ thuật hát bội đến khán giả một cách cởi mở và bài bản. Kính mời quý độc giả truy cập vào link trên để tìm hiểu về dự án này.