Để có cái nhìn trọn vẹn về “Sắc – ấn ngọc Nam phương”, Hiếu Văn Ngư đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, đồng thời cũng là chỉ đạo nghệ thuật của chương trình.

(Click here for English version of this article)

Sau đêm diễn công bố ngày 6/4/2022, chương trình “Sắc - ấn ngọc Nam phương” đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của công chúng mộ điệu hát bội, đặc biệt là khán giả trẻ. Điều đó cho thấy một tín hiệu khả quan đáng chú ý về nghệ thuật hát bội hôm nay và trong trong tương lai. Để có cái nhìn trọn vẹn về “Sắc - ấn ngọc Nam phương”, Hiếu Văn Ngư đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, đồng thời cũng là chỉ đạo nghệ thuật của chương trình. 

Hiếu Văn Ngư: Thưa ông Võ Hồ Hoàng Vũ, được biết “Sắc – ấn ngọc Nam phương” là một trong các chương trình có sự đầu tư công phu, nhân lực của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM trong năm 2022, xin ông chia sẻ những động lực nào khiến đơn vị mình triển khai chương trình này?

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ: “Sắc – ấn ngọc Nam phương” là một trong chuỗi các hoạt động mà Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM xây dựng và thực hiện trong những năm gần đây. Thực ra mà nói, “Sắc – ấn ngọc Nam phương” đã có kế hoạch thực hiện, lên ý tưởng ban đầu từ khoảng 2 năm trước. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ, và chương trình đã được công diễn chậm so với dự kiến. Không chỉ riêng “Sắc – ấn ngọc Nam phương”, chuỗi các hoạt động trong kế hoạch của Nhà hát nhiều năm gần đây đều hướng đến việc quảng bá hình ảnh của nghệ thuật truyền thống hát bội đến với đông đảo công chúng. Trước đó, Nhà hát cũng đã thực hiện nhiều vở diễn, dự án, ví dụ như “Sanh vi tướng, tử vi thần”, hoạt động giới thiệu hát bội đến công chúng, nhóm các bạn Hiếu Văn Ngư cũng đã thực hiện dự án Hát bội 101 để hỗ trợ Nhà hát giới thiệu đến khán giả nước ngoài biết thêm về nghệ thuật truyền thống hát bội của Việt Nam… “Sắc – ấn ngọc Nam phương” là một trong chuỗi các hoạt động đó để làm sao đó lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến nhiều người hơn. Điều đó, thiết nghĩ, sẽ góp phần thúc đẩy, trước tiên là khán giả Việt Nam, sau đó là du khách quốc tế tìm hiểu văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, đồng thời cũng là chỉ đạo nghệ thuật của chương trình “Sắc – ấn ngọc nam phương”

Hiếu Văn Ngư: Xin ông chia sẻ thêm về quá trình triển khai chương trình từ khi chuẩn bị ý tưởng, thực hiện, đến khi công diễn “Sắc – ấn ngọc Nam phương”. Trong quá trình đó, có những thuận lợi và khó khăn gì đáng nói?

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ: Dự án “Sắc – ấn ngọc Nam phương” được thực hiện theo chỉ đạo của Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM trong việc thúc đẩy các loại hình nghệ thuật truyền thống tạo được một sản phẩm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân thành phố trước mắt. Sau đó, càng tốt hơn khi sản phẩm có thể góp phần tạo được điểm đến tham quan cho khách du lịch ở TP.HCM. Xuất phát từ nhiệm vụ này, Nhà hát bắt đầu vạch ra các ý tưởng, kế hoạch triển khai, hướng đến mục tiêu chung là làm cho khán giả trong nước và du khách quốc tế có thể xem và hiểu được nghệ thuật truyền thống hát bội mình. Ý tưởng ban đầu đó thúc đẩy Nhà hát ngồi lại, trao đổi với thành phần sáng tạo, cùng đưa ra các phương án sản phẩm khác nhau. Giữ được nét truyền thống, đặc trưng của hát bội vẫn là trọng tâm của sản phẩm này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải tìm phương hướng kết hợp với một số loại hình nghệ thuật khác, ví dụ như múa, âm nhạc đương đại để tăng tính hấp dẫn, tăng tính giải trí và thu hút được đông đảo khán giả hơn. Ở đây, không phải là xem nhẹ, không giữ được màu sắc riêng của hát bội, qua vở diễn này, mục tiêu chính của chúng tôi vẫn là muốn giới thiệu được đến với công chúng rằng hát bội thực sự là một viên ngọc quý. Bên cạnh các loại hình khác, loại hình hát bội sẽ tỏa sáng. Khi xem xong vở diễn, khán giả có thể thấy rõ hát bội vẫn có vị trí đặc biệt trong văn hóa truyền thống của Việt Nam. Theo đó, khi kết hợp các loại hình nghệ thuật khác thì vở diễn tất nhiên đã gặp nhiều khó khăn. Vở diễn kéo dài thời gian chuẩn bị, tập dượt cũng vì điều này. Bởi mục đích nghệ thuật của vở diễn là làm cho sự kết hợp này có tính hài hòa, không gượng ép. Điều đó khiến ê-kíp sáng tạo phải làm việc liên tục với nhau, chỉnh sửa qua nhiều lần, cân đối sự hòa phối giữa các loại hình tham gia. Đó là cái khó nhất trong quá trình thực hiện “Sắc – ấn ngọc Nam phương”. Khi vở diễn ra mắt khán giả vẫn còn có một số chỗ chưa đạt được yêu cầu, sắp tới ê-kíp sáng tạo tiếp tục ngồi lại, trao đổi để hoàn thiện, làm cho vở diễn thêm hấp dẫn và thêm lôi cuốn khán giả.

Hiếu Văn Ngư: Ông có nhận định/kỳ vọng gì về chương trình “Sắc – ấn ngọc Nam phương” hoặc tác động của nó đến nghệ thuật hát bội; đến đời sống văn hóa, du lịch, v.v. trong tương lai?

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ: Như trao đổi ban đầu, vở diễn này được Nhà hát chúng tôi xây dựng nhằm quảng bá hát bội đến công chúng, làm cho công chúng hiểu biết nhiều hơn về loại hình hát bội. Từ chỗ người ta hiểu biết rồi mới có động lực tìm hiểu sâu hơn về hát bội. Thật sự mà nói, một vở diễn hát bội mang đến cho người xem nhiều cảm xúc thăng hoa phải là những vở truyền thống. Những vở hát bội truyền thống mới lột tả được hết những cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc của hát bội. “Sắc – ấn ngọc Nam phương” chỉ là trình diễn những cái tiêu biểu tương đối cần giới thiệu của nghệ thuật hát bội, chứ chưa hẳn đã phô bày hết được các kỹ thuật tinh hoa của hát bội. Tất nhiên, chúng tôi kỳ vọng qua vở diễn này công chúng sẽ biết nhiều hơn về hát bội, ở góc độ cảm nhận dễ nghe, dễ xem, lôi cuốn. Từ cảm nhận đó, khán giả sẽ quan tâm tìm hiểu sâu hơn để thấy được cái hay, cái đẹp của hát bội ở những vở diễn truyền thống, nguyên bản của hát bội. Với vở diễn này, Nhà hát chúng tôi cũng mong muốn phục vụ được đối tượng khán giả là khách du lịch khi đến tham quan TP.HCM. Vì hiện nay tại TP.HCM, và cả một số tỉnh thành trên cả nước, địa điểm có biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách quốc tế tham quan hầu như bị thiếu hụt. Tại TP.HCM chưa phổ biến được những nơi để các du khách có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Vở diễn này muốn tạo động lực cho việc xây dựng một điểm đến cho du khách nước ngoài để thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong đó có hát bội.

Hiếu Văn Ngư: Trong khoảng 5 năm gần đây, nhiều dự án, hoạt động, chương trình truyền thông phục dựng và quảng bá về nghệ thuật hát bội bỗng rộ lên. Đa số những hoạt động, dự án đó đều do người trẻ thực hiện. Ông có suy nghĩ gì về điều đó? Và không khí sôi nổi đó có tác động đến việc khơi gợi ý tưởng về show “Sắc – ấn ngọc Nam phương” không?


Ông Võ Hồ Hoàng Vũ: Khi nói đến hát bội, một số người sẽ nghĩ ngay rằng lớp khán giả của hát bội là các cô chú, anh chị lớn tuổi, còn các bạn trẻ sẽ khó nghe và ít tiếp cận. Tuy nhiên, từ 2017 đến nay, rất nhiều các hoạt động lấy hát bội làm chủ đề đã được tổ chức, đặc biệt là các hoạt động này được sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ nhiều từ các bạn trẻ. Các chương trình của Nhà hát dần dần thu hút được nhiều khán giả trẻ hơn. Các chương trình đi vào trường học, phục vụ thiếu nhi cũng nhận được nhiều sự hưởng ứng của các bạn trẻ. Phải nói rằng để giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống, trong đó có hát bội thì chỉ riêng bản thân Nhà hát, hay các cô chú, anh chị mộ điệu lớn tuổi là chưa đủ. Hát bội ngày nay rất cần sự tiếp sức, chung tay của các bạn trẻ. Thế hệ trẻ với điều kiện tốt hơn, có sự nhanh nhạy, nắm bắt thông tin, tương tác quốc tế tốt hơn. Được sự hỗ trợ của các bạn trẻ thì nghệ thuật truyền thống của Việt Nam sẽ có điều kiện quảng bá nhiều hơn đến không chỉ là công chúng trong nước mà cả công chúng quốc tế. Qua những dự án này, Nhà hát thấy rõ một điều rằng khi các bạn trẻ cùng tham gia, cùng chia sẻ, thì hiệu ứng lan tỏa cao hơn nhiều so với trước đây.

Các sản phẩm truyền thông (loạt bài “Cá kể tuồng”, “Bí kíp coi hát ở đình”, “Hỏi nhanh – đáp gọn về hát bội”, v.v.) thuộc dự án “Hát bội 101”

Hiếu Văn Ngư:  Theo ông, việc quảng bá hát bội trên nền tảng số của ICHCAP-UNESCO có phải là một tín hiệu khả quan cho nghệ thuật hát bội trong bối cảnh hiện đại không? Xin ông chia sẻ cảm nhận cá nhân.


Ông Võ Hồ Hoàng Vũ: Trước tiên, phải nói rằng rất cảm ơn sự quan tâm của ICHCAP-UNESCO cũng như các bạn trong nhóm Hiếu Văn Ngư đã có nỗ lực trong việc giới thiệu loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến với du khách quốc tế. Từ góc độ một người quản lý, bản thân tôi rất vui mừng. Bởi đây là điều mà cá nhân tôi và Nhà hát đã mong muốn thực hiện từ rất lâu, nhưng nguồn lực Nhà hát còn nhiều hạn chế, việc tiếp cận thông tin, tương tác với nước ngoài chưa hiệu quả. Thông qua các bạn trẻ, hình ảnh nghệ thuật hát bội phía Nam bước đầu đã được quảng bá. Đó là điều mà chúng tôi và các đơn vị nghệ thuật truyền thống khác cần quan tâm hơn. Việt Nam chúng ta có nhiều loại hình trình diễn dư sức hấp dẫn du khách quốc tế, song do giới hạn về kênh thông tin nên họ ít được biết đến để tìm hiểu. Thực tế đó thường dẫn đến tình trạng du khách gặp khó khăn khi tìm hiểu những loại hình nghệ thuật truyền thống Việt. Chính vì vậy, những dự án truyền thông giống thế này một phần sẽ giúp các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam tiếp cận nhanh hơn đến với công chúng, du khách quốc tế. Ngược lại, thông qua những dự án như vậy sẽ khiến nhiều du khách tìm về Việt Nam và tìm về những văn hóa rất đặc sắc, lâu đời của Việt Nam không chỉ riêng hát bội.

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ (hàng đầu tiên, áo đỏ) chụp hình cùng Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish trong dự án lưu trữ “Hát Bội 101” (Tháng 10/2021)

Hiếu Văn Ngư:  Qua show diễn “Sắc – ấn ngọc Nam phương” mà Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM ra sức dàn dựng, cũng như qua những tâm tư, tình cảm mà ông chia sẻ, Hiếu Văn Ngư cảm thấy rằng hát bội, vốn là một loại hình biểu diễn truyền thống đáng trân trọng gìn giữ, đã không ngừng được tiếp sức, duy trì và phát triển ở cả đội ngũ sáng tạo, lẫn phía công chúng thưởng thức, ở cả thế hệ lớn tuổi lẫn khán giả trẻ. Hình như đó là một mối quan hệ rất khăng khít và đều có điểm chung là tình yêu và nhiệt huyết với văn hóa cổ truyền. Đó đích thực là một tín hiệu tốt lành, nên được nhân rộng và lan tỏa trong thời đại ngày nay. 

Chân thành cảm ơn ông Võ Hồ Hoàng Vũ, vì những chia sẻ chân tình hôm nay!

(Kỳ trước: “Dấu mốc cho hát bội Việt” – Bài điểm danh các dự án lan tỏa hát bội từ 2017 đến nay). 

—————- 

Bài viết “Tiếng nói người trong cuộc” do Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish và ICHCAP hợp tác thực hiện. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại (reup) ở bất kỳ hình thức nào.

Tác giả: Vương Hoài Lâm

Biên dịch Việt – Anh: Hà Hoàng Minh Trang

Graphic: Lục Nhi 

—————-

Đọc phiên bản tiếng Anh của bài viết tại: https://culturafish.com/en/interview-behind-the-theatres-curtains/

Tìm hiểu dự án “Hát Bội 101” tại:  https://culturafish.com/vi/projects/du-an-hat-boi-101-loi-moi-den-voi-nghe-thuat-hat-boi/ 

Theo dõi chuỗi bài viết “Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam” tại: https://culturafish.com/vi/hat-boi-co-nhung-kieu-nhan-vat-nao-ky-01-tong-quan/ 

————

ICHCAP-UNESCO: Trung tâm mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương trực thuộc UNESCO.