Bước đầu làm quen với Diễn xướng dân gian Nam Bộ
Cùng Cultura Fish “nhận mặt” một số khái niệm liên quan đến “Phong Hoa Ca Vịnh” nghen.
Mặc dù “Phong Hoa Ca Vịnh” tập trung vào hát ru, hò và lý nhưng để cho quý vị độc giả rộng đường thảo luận về ba loại hình này nói riêng và tiếp cận kho tàng diễn xướng Nam Bộ nói chung, Cultura Fish đã “đặt hàng” Nhà nghiên cứu – Nhạc sĩ Lê Hải Đăng bài viết dạng “hỏi gì – đáp nấy” về các khái niệm liên quan.
“Diễn xướng” là gì?
Có thể thấy, “diễn xướng” là một từ ghép gồm hai âm tiết: “Diễn” có nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có “thể hiện kỹ năng nghệ thuật”. “Xướng” nhằm chỉ các hình thái nghệ thuật sử dụng giọng người làm phương tiện biểu hiện.
Trên thực tế, nội hàm từ “diễn” bao trùm các hoạt động đa dạng liên quan đến nghệ thuật trình diễn, bao gồm hình thức tĩnh và trạng thái động, như: trưng bày hiện vật, nghệ thuật trình diễn (performance), vũ đạo, ca nhạc, sân khấu…Đặc điểm căn bản của hoạt động trình “diễn” là nhằm ký thác thông điệp, nội dung, hình thức nghệ thuật lên chính thực thể con người, đồng thời tồn tại trong trạng thái vận động.
Khi “diễn” đi kèm với “xướng”, nó tập trung phản ánh nhóm đối tượng thuộc các loại hình nghệ thuật sử dụng chất liệu âm thanh phát ra từ cổ họng con người làm phương tiện biểu hiện, như: hát ru, đồng dao, hò, lý, vè, nói thơ, hát sắc bùa, hát bóng rỗi, hát bả trạo, hát đưa linh, ứng phú, đờn ca tài tử, hát bội, cải lương… Bên cạnh đó, theo quan niệm của người Việt, xướng – hát ngoài chỉ loại hình thanh nhạc nói riêng, còn có loại hình nghệ thuật tổng hợp, như: hát chèo, hát bội, hát cải lương… Chính vì vậy, hát – xướng nên hiểu theo cả nghĩa rộng và hẹp. Theo nghĩa hẹp, xướng – hát nhằm chỉ nghệ thuật thanh nhạc, theo nghĩa rộng bao gồm những loại hình nghệ thuật tổng hợp, trong đó tích hợp các yếu tố khí nhạc, trò diễn, nghi lễ, diễn xuất…
Hát bội – một trong những loại hình diễn xướng phổ biến ở Nam Bộ (Hình ảnh: Lục Nhi)
“Dân gian” là gì?
Đây cũng là một từ ghép kết hợp hai âm tiết, gồm tiền tố “dân” và hậu tố “gian”. Trong cấu trúc ngôn ngữ Hán – Việt, hậu tố có chức năng quyết định đối tượng phản ánh. Theo đó, “gian” nhằm chỉ không gian, môi trường, phạm vi, bối cảnh…. Còn “dân” vốn chỉ con người nói chung, như: dân tộc, dân chúng, quốc dân, nhân dân, công dân… Đối với quốc gia đa dân tộc, nội hàm “dân” bao gồm các tộc người cùng chung sống trên một đất nước. Như vậy, “dân” có nội hàm rất rộng. Trong xã hội phân chia đẳng cấp, dân thuộc tầng lớp bị trị, đối ứng với quan thuộc tầng lớp cai trị; dân gian đối ứng với cung đình. Khái niệm dân gian ở đây vừa nhằm chỉ môi trường sinh hoạt của những người bình dân, vừa phản ánh đặc trưng, tính chất loại hình nghệ thuật tồn tại trong môi trường đó.
“Nam bộ” là “Nam bộ” nào?
Nam Bộ là vùng đất phía nam của nước ta, gồm 6 tỉnh, thành thuộc miền Đông và 13 tỉnh thành thuộc miền Tây. Đứng ở góc độ địa lý, vùng đất Nam Bộ thuộc yếu tố tĩnh, nhưng môi trường diễn xướng dân gian Nam Bộ thì động, luôn thay đổi. Điều đó cho thấy sự cần thiết tìm hiểu các loại hình diễn xướng dân gian tồn tại trên vùng đất này. So với những gì mô tả đầu thế kỷ 20 trong tư liệu, rõ ràng môi trường diễn xướng Nam Bộ đã thay đổi đến mức kinh ngạc. Cảnh trai gái hò hát đối đáp, tự tình trên sông nước, “giọng con rổi”, tiếng “ca khủng khỉnh”, “khách già rao kẹo”… tất cả đều đã chìm vào dĩ vãng. Ngay cả lời ru cũng đã tắt lịm trên môi người mẹ, thất lạc trong ký ức người con. Văn hóa với đặc trưng thay đổi, nên, trong môi trường văn hóa mới, chúng ta cũng có thể mở ra một vùng diễn xướng dân gian Nam Bộ co giãn, hữu tình theo những biến chuyển nhịp nhàng của đời sống. Mạng internet tuy ảo, nhưng đủ thật để tạo nên không gian bát ngát cho lời ru, điệu lý, câu hò dập dìu, tình tự trải dài qua miền xúc cảm mênh mông.
Rừng tràm Trà Sư, An Giang (Hình ảnh của diGital Sennin trên trang Unsplash)
Tóm lại “Diễn xướng dân gian Nam Bộ” là sao?
“Diễn xướng dân gian Nam Bộ” nhằm chỉ các hình thái nghệ thuật lưu truyền trong môi trường văn hóa của vùng đất này. Nam Bộ có nhiều tộc người cùng sinh sống, như người Việt, người Kh’mer, người Chăm, người Hoa, người Châu Ro, người S’tiêng, người Mạ… Bởi vậy, diễn xướng dân gian Nam Bộ bao gồm toàn bộ di sản văn hóa của các tộc người cư trú trên một vùng đất. Tuy nhiên, dự án “Phong hoa ca vịnh” chỉ giới hạn đối tượng vào các loại hình diễn xướng của người Việt, mà cụ thể là hát ru, hò và lý.
—
Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào. Đọc thêm về “Phong hoa ca vịnh” tại đây: https://culturafish.com/vi/projects/du-an-phong-hoa-ca-vinh/
—
Tác giả: Lê Hải Đăng
Biên tập: Lục Nhi | Huyên
Thiết kế: Dương Trương
—
Hoạt động được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một. Tìm hiểu thông tin dự án “Di sản Kết nối” tại đây: https://www.britishcouncil.vn/…/nghe-thuat/di-san-ket-noi