Sau khi rời xa bến cũ, hò tiếp tục dịch chuyển tới những bến bờ cuộc sống hôm nay.

Nói chung, hò thường có nhịp điệu tự do, tốc độ chậm, đường nét giai điệu chủ yếu xây dựng trên thang âm nam, hơi oán. Lời ca mang nhiều tính chất ngâm ngợi, tự sự, thanh điệu thể hiện rõ đặc trưng vùng miền. Hò tồn tại cả ba hình thức: đơn ca, song ca và tập thể. Dù ở bất cứ hình thức nào, tính chất âm nhạc vẫn không đổi. Nó giúp cho người nghe nhận diện dù di chuyển qua các vùng miền khác nhau.

Có thể chia hò ra hai phần: mở đầu và phần nội dung chính

Phần mở đầu xây dựng bằng câu hát đưa hơi, còn phần nội dung thể hiện bằng ngôn ngữ lời ca. 

Câu hò mở đầu tuy sử dụng hư từ, nhưng chứa đựng đầy đủ đặc trưng âm nhạc của làn điệu, thậm chí chỉ cần một câu hò cất lên ngân nga, người nghe đã cảm nhận được tính chất, màu sắc, âm điệu đặc trưng. 

Phần chính có sự kết hợp giữa âm nhạc và lời ca. So với phần mở đầu, phần này thiên về chất hát thơ. Giai điệu xuất hiện các bước nhảy theo cùng thanh điệu lời thơ. Lời thơ hò sử dụng chủ yếu thể lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát hay văn vần… Tùy thuộc hình thức diễn xướng, như hò đơn, hò đôi, hò có xướng – xô (tập thể) mà tốc độ, tính chất, không khí thay đổi tương ứng. Hò đơn, hát một mình, thiên về tính chất tự sự, nhịp điệu buông lơi, chậm rãi. Hò đôi cần mức độ tương tác, ăn ý, tình tứ giữa hai người. Hò có xướng – xô mang tính chất hoạt cảnh, tình huống giàu kịch tính. 

Sự xuất hiện thường xuyên câu “hò” đưa hơi mang yếu tố quyết định đặc trưng thể loại, như một hình thức mở ra bài hát. Nếu như ở nhạc đàn có rao, dạo, thì hò có câu hát đưa hơi: hò…ơ. Hò cũng có nghĩa là tiếng hô, tiếng kêu gọi mời mọi người cùng nhau hành động. Hò từng mang tính chất của một từ tượng thanh, rồi gia tăng ngữ nghĩa bằng trợ từ, như hò la, hò hét, hò reo… Loại hò này vẫn duy trì trong môi trường sinh hoạt tập thể, cổ vũ thể thao, giao tranh trên chiến trường. Trong quá trình phát triển, hò đã vượt khỏi khuôn khổ chật hẹp để vươn tới nhu cầu biểu cảm phong phú. Nhờ tính chất tự do về nhịp điệu, gợi mở, tình tứ trong lời ca, chuyển tải qua nét giai điệu mơ màng, hò sớm thoát khỏi môi trường lao động thuần túy nhằm thể hiện tư tưởng, thị hiếu thẩm mỹ. Bởi vậy, sau khi rời xa bến cũ, hò tiếp tục dịch chuyển tới những bến bờ cuộc sống hôm nay .

Phim tài liệu “Suối nguồn vẫn chảy” (tập 2) do TFS thực hiện

Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào. 

Tác giả: Lê Hải Đăng

Biên tập: Lục Nhi | Huyên

Thiết kế: Dương Trương

Ảnh bìa: Lục Thanh Tùng

Hoạt động được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.