Phân loại Diễn xướng Nam Bộ theo không gian sinh hoạt chỉ là cách tiếp cận tương đối, phù hợp để bước đầu có thể tìm về câu hò, điệu lý, lời ru.

Xuất phát bởi góc nhìn không gian, các loại hình diễn xướng tồn tại trong môi trường dân gian Nam Bộ phân loại dựa vào môi trường diễn xướng. Tất nhiên, cách phân loại này cũng bộc lộ hạn chế nhất định, như nhiều môi trường diễn xướng có điểm chồng lấn nhau, chẳng hạn hò chèo ghe có khi leo lên cạn, hò cấy đi vào tang lễ, hát ru, hát lý bước lên sân khấu hiện đại… Quá trình chuyển hóa bối cảnh đưa đẩy nhiều loại hình nghệ thuật di dời môi trường diễn xướng. Bên cạnh đó, sự giao thoa mạnh mẽ giữa loại hình nghệ thuật dân gian và chuyên nghiệp cũng làm xê dịch địa chỉ diễn xướng. Tuy vậy, để quý vị độc giả có thể bước đầu “chạm” đến Diễn xướng Nam Bộ, chúng ta hãy tạm phân chia các loại hình này theo môi trường của chúng.

Hát ru – Diễn xướng trong môi trường gia đình

Hát ru là thể loại âm nhạc duy nhất tồn tại trong môi trường gia đình. Tại không gian văn hóa đặc thù này, hát ru trở thành bài hát đầu đời mà con người tiếp xúc, thưởng thức. Điểm độc đáo của hát ru không chỉ xuất phát bởi công năng, tính thực hành xã hội mà còn có cả cấu trúc nội, ngoại tại. Riêng cấu trúc ngoại tại, loại hình âm nhạc này chỉ có một người hát và một người thưởng thức. Nó làm nên tính chất độc đáo, có một không hai trong hình thái diễn xướng.

Hò – Diễn xướng trong môi trường lao động

Hò vốn bắt nguồn trong môi trường lao động. Vùng Nam Bộ sông nước mênh mông trở thành địa bàn tác nghiệp cho các loại hò đường thủy, như: hò chèo ghe, hò mái ba, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò đò ngang, hò đò dọc… Xưa kia, hò đường thủy rất phổ biến. Từ môi trường diễn xướng, hò lại chia thành hò trên cạn và hò dưới nước. Hò trên cạn có các loại hò cấy, hò lờ, hò bắt xác, hò ngạnh trê, hò tẻ, hò rơi, hò đối đáp, hò đậu, hò hội… Dựa vào nội dung, đề tài phản ánh, hò tiếp tục sản sinh ra các loại, như: hò thơ, hò văn, hò tuồng, hò truyện, hò tiểu thuyết…Nói chung, với đặc trưng “thổ sinh thổ dưỡng”, mỗi loại hình diễn xướng lưu truyền trong môi trường dân gian cụ thể nảy sinh ra hiện tượng riêng khiến cho câu hò đi theo những nẻo đường lắt léo thấm đẫm tình người xứ sở.

Mời bạn thưởng thức playlist các câu hò miền Nam do cô Song Oanh và chú Sáu Hưng thực hiện

– Diễn xướng trong môi trường sinh hoạt

Lý phổ biến khắp ba miền đất nước, nhưng có lẽ phát triển nhất ở Nam Bộ. Trương Vĩnh Ký từng nhắc đến câu thành ngữ: “Nam lý Huế hò Bắc thơ” nhằm chỉ sở trường của người phương Nam. Trên thực tế, lý không chỉ chiếm số lượng dồi dào mà còn đạt đến trình độ nghệ thuật cao, kết tinh văn hóa dân gian và chuyên nghiệp Nam Bộ, như hàng loạt bài: Lý con sáo, Lý cây bông, Lý qua cầu, Lý chiều chiều, Lý son sắt, Lý con cúm núm, Lý ngựa ô, Lý con trâu, Lý chuồn chuồn, Lý Mỹ Hưng, Lý Trăng thu dạ khúc…

Mời bạn thưởng thức playlist các điệu lý miền Nam do cô Song Oanh và chú Sáu Hưng thực hiện

Vè – Diễn xướng trong môi trường cộng đồng

Theo cách phân loại trong lĩnh vực văn học, vè thuộc thể loại văn học dân gian mang tính chất tự sự thể hiện bằng văn vần. Tuy nhiên, trong quá trình sưu tầm, ký âm phát hiện, vè cũng thể hiện đầy đủ đặc trưng âm nhạc với tính chất tạo hình về giai điệu, tiết tấu mang tính chu kỳ, làn điệu phong phú… thể hiện bản sắc vùng miền, như: Vè đá banh, Vè 12 tháng… Điểm đáng lưu ý là vè biểu hiện bằng hình thái diễn xướng (động), chứ không phải đọc (tĩnh) thông qua hình thức văn bản.  

Mời bạn nghe bài “Vè các chợ” do nhà nghiên cứu Lê Giang biên soạn, trích trong CD “Hành trình Lý ngựa ô”

Hát đưa linh

Hát đưa linh hay hò đưa linh là một loại hình nghi lễ tổng hợp xuất hiện trong môi trường tang lễ. Sở dĩ hát đưa linh cũng gọi là hò, vì trong loại hình diễn xướng này sử dụng điệu hò cấy. Thông qua phương thức đối đáp, có xướng – xô nhằm đưa tiễn người ra đi đến đoạn đường cuối cùng. Ngoài ra, người ta cũng có thể sử dụng thêm bài Vọng cổ để bày tỏ lòng tiếc thương đối với người quá cố.

Hát sắc bùa 

Hát sắc bùa là hình thức “du ca” thú vị ở Việt Nam nói chung và riêng miền Nam thì chỉ còn thấy ở Phú Lễ (Bến Tre). Nói nôm na thì hát sắc bùa giống như các dàn đồng ca đến gõ cửa từng nhà vào dịp Giáng sinh để ca hát ở phương Tây, còn ở nước ta các nghệ nhân sắc bùa Phú Lễ sẽ “tác nghiệp” vào mùa Tết Nguyên đán. Hát sắc bùa cũng là một loại diễn xướng tổng hợp. Xuất phát bởi tính chất tổng hợp, hát sắc bùa tích hợp nhiều bài bản dân ca vào thực thể của mình, pha trộn giữa tính chất du ca, tín ngưỡng, chúc tụng, giải trí. 

Hát sắc bùa chia thành nhiều giai đoạn, như: hát trên đường, gồm các bài lý; hát ngoài cổng, gồm các bài Mở cửa rào, Mở ngõ; hát trước cửa nhà có các bài: Cõi nam, Khai môn; hát trước ban thờ, gồm các bài Rước xuân, Chơi xuân, Tiên sư, Trừ tà, Xốc quách; hát lúc dán bùa, gồm các bài Dán bùa cửa đông, Dán bùa cửa nam, Dán bùa cửa giữa, Dẫn bùa; tiếp đến giai đoạn hát chúc, gồm các bài Chúc nghề làm ruộng, Chúc nghề dệt vải, Chúc nghề thợ mộc, Chúc nghề thợ hồ…Cuối cùng là các bài hát góp vui, như lý Đầu cầu vắn, Đầu cài dài, lý Thơ rơi, Chơi trăng, vè Con tôm, Cá đồng…

Mời bạn thưởng thức bài “Cõi nam” – một trong những bài bản của nghệ thuật Hát Sắc Bùa Phú Lễ (Bến Tre) 

Hát bóng rỗi

Hát bóng rỗi là loại hình diễn xướng nghi lễ trong tín ngưỡng nữ thần Nam Bộ. Sân khấu của loại hình nghệ thuật này diễn ra tại ngôi miễu, một không gian nhỏ có khi nằm trong quần thể kiến trúc đình. Hát bóng rỗi gồm nhiều tiết mục, như: Khai tràng, Thỉnh tổ, Chầu mời, Mời tiên ra tuồng, Phước Lộc, Thanh Đường hạ san, Bả trạo nghinh Bà, Hội năm Bà, Trạng – Nàng xuống huê viên, múa bóng. Trong đó, ngoài tiết mục Khai tràng mang tính chất thuần túy nghi lễ, tất nhiên cũng được thể hiện bằng hiệu lệnh trống (lệnh) của bà bóng, còn lại đều là các tiết mục trình diễn nghệ thuật.

Để tìm hiểu về Hát bóng rỗi, bạn có thể xem tập phim “Nghệ thuật Bóng rỗi phương Nam” ở đây nhé

Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào. Đọc thêm về “Phong hoa ca vịnh” tại đây: https://culturafish.com/vi/projects/du-an-phong-hoa-ca-vinh/ 

Tác giả: Lê Hải Đăng

Biên tập: Lục Nhi | Huyên

Thiết kế: Dương Trương

Hoạt động được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một. Tìm hiểu thông tin dự án “Di sản Kết nối” tại đây: https://www.britishcouncil.vn/…/nghe-thuat/di-san-ket-noi