Cùng có nhiều nét tương đồng nhưng giữa hò và hát ru lại có những điểm khác nhau để phân biệt.

Hò và ru có nhiều điểm tương đồng, như: xuất hiện tiếng đưa hơi mở đầu, khai thác chất liệu âm nhạc mang đặc trưng vùng miền… Bởi vậy, trong các làn điệu hò có loại hò ru ngủ. 

Tuy nhiên, giữa hò và ru vẫn có nhiều điểm khác nhau. 

Hát ru
Hát ru diễn xướng trong môi trường gia đình, mang chức năng thôi miên, dỗ dành trẻ ngủ. Hò diễn xướng trong môi trường lao động, dưới mây trời bao la, trên sóng nước hiền hòa. 
Nếu ở hát ru, người hát có xu hướng xuống giọng, thu hẹp âm vực… ngược lại, hò phải cất cao giọng nhằm đáp ứng nhu cầu biểu cảm của người hát, đồng thời hướng tới những “thính giả” gần xa. 
Mở đầu bài ru ngắn gọn, xúc súc tích (ầu ơ, ví dầu). Hò có khi ngân nga, kéo dài miên man, như: hò Đồng Tháp chẳng hạn. Câu đưa hơi ở Đồng Tháp chiếm thời lượng gần 50% cả bài.    
Cô Song Oanh hò Đồng Tháp
Playlist hò Nam Bộ thuộc dự án Phong Hoa Ca Vịnh

Cũng giống như à ơi, ầu ơ ở hát ru, mở đầu làn điệu hò luôn xuất hiện câu đưa hơi hò…ơ. Tần suất xuất hiện câu đưa hơi này đến nỗi trở thành căn cứ xác định đặc trưng thể loại. Nó thể hiện chức năng kép: hướng nội và hướng ngoại. Về mặt hướng nội, câu đưa hơi mang tính chất ướm giọng, tạo sự chú ý, một hình thức rao bằng giọng hát (thay thế nhạc cụ dạo đàn). Về mặt hướng ngoại, người chèo ghe làm dịch vụ, cũng cần giới thiệu sản phẩm thông qua câu hát nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý, như hỏi: “ai về” hay “xuồng ai”… để tìm khách sang sông. Khi có người tiếp lời, hình thức hò tẻ (hò suông) chuyển sang đối đáp.

Ví dụ:

Hò… ơ

Lưới thưa anh buộc con cá luồn

Buông lời hỏi bạn chớ chèo xuống đi đâu

Hò… ơ

Lưới thưa em buộc con cá luồn

Ở nhà em mà có chuyện em chèo xuồng đi kiếm anh

Hò… ơ

Gió nam non thổi lòn hang chuột

Tôi thấy cô Ba chèo xuống tôi đứt ruột đứt gan

Hò… ơ

Gió nam non thổi lòn hang chuột

Tôi thấy anh Hai chèo thuyền tôi cũng đứt ruột bầm gan

(Hò chèo ghe Bạc Liêu – Hình thức đối đáp)

Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào. 

Tác giả: Lê Hải Đăng

Biên tập: Lục Nhi | Huyên

Thiết kế: Dương Trương

Ảnh bìa: Lục Thanh Tùng 

Hoạt động được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.