Từ thuở hỗn mang đến bốn cõi trời được thể hiện qua các tiết mục của nghi thức Đại bội. 

Thực chất, Đại bội là nghi thức được trình hiện dưới dạng diễn xướng tuần tự theo năm tiết mục chính (gồm Điềm hương, Xoang nhật nguyệt, Tam tài, Tứ thiên vương, Đại bội) và một tiết mục phụ (Gia quan tấn tước). 
Trước nhất là tiết mục “Điềm hương”. Trong tiết mục này, diễn viên sắm vai kép, mặc song mang, hóa trang mặt theo motif hình chim, tượng trưng cho Bàn Cổ, người khai mở trời và đất trong thần thoại Trung Quốc. Diễn viên bước ra sân khấu, tay cầm hai bó nhang, trình diễn thuần túy vũ đạo, mô tả sự khai mở, phân chia hai tầng trời và đất.

Tranh minh họa: Josh Trombley và Jackie Tạ (Uyên Phương)

Kế đến, trong tiết mục “Xoang nhật nguyệt”, hai diễn viên nam nữ cùng xuất hiện trên sân khấu. Diễn viên nam hóa trang râu tóc bạc, mặc mãng bào, tay cầm chén bọc vải điều (đỏ)/ hoặc một vật hình mặt trời: Tượng trưng cho mặt trời, dương tính (cứng rắn, mạnh mẽ, linh động…), nam giới, bầu trời (Thiên). Diễn viên nữ sắm phục trang kiểu mụ văn, tay cầm chén bọc vải trắng/ hoặc một vật hình mặt trăng: Tượng trưng cho mặt trăng, âm tính (mềm mại, yếu đuối, tĩnh tại…), nữ giới, mặt đất (Địa). Tiết mục này cũng thuần túy là vũ đạo, khi hợp khi phân, tượng cho sự giao hòa của âm dương, lưỡng nghi.

Tranh minh họa: Josh Trombley và Jackie Tạ (Uyên Phương)

Tiết mục thứ ba là “Tam tài”, tức “Tam đa chúc thánh chúc thọ”. Ứng với số 3 (tam) là ba diễn viên nam sắm vai ba ông Phúc, Lộc, Thọ cùng xuất hiện trên sân khấu. Khác với hai tiết mục trước, “Tam tài” có sự phối quyện giữa vũ đạo và hát (xướng, nói lối, hát khách). Về hình thức, tiết mục mượn hình ảnh ba nhân vật Phúc – Lộc – Thọ (Tam đa) ngụ ý chúc tụng hiển vinh, sung túc, trường thọ. Về bản chất, số lượng nhân vật tăng lên từ hai thành ba cho thấy tính chất trung hòa (tam tài), trước đã có Thiên và Địa thì mới nảy sinh cõi người, nằm giữa trời và đất.

Tranh minh họa: Josh Trombley và Jackie Tạ (Uyên Phương)

Sau “Tam tài” là tiết mục “Tứ thiên vương”. Bốn diễn viên nam hóa trang mặt sạch, mặc giáp nam, đội ngạch đợi, giắt sáu lá cờ sau lưng (mỗi người một màu cờ khác nhau), tay cầm sẵn tấm liễn cuộn gọn. Tiết mục trở lại thuần túy vũ đạo. Lần lượt từng diễn viên bước ra sân khấu múa những động tác mạnh, dứt khoát, dần hội thành bộ bốn, trưng bày bốn tấm liễn chúc tụng: “Quốc thới dân an”, “Phong điều vũ thuận”, “Phúc như Đông Hải” và “Thọ tỷ Nam Sơn”. Nguyên tiết mục này có xuất xứ từ điệu múa “Trình tường tập khánh” được trình diễn trong các dịp khánh tiết của triều đình nhà Nguyễn. Về hình thức, bốn nhân vật này đại diện cho bốn vị thần trông giữ bốn cõi thế giới trong quan niệm Phật giáo và tín ngưỡng dân gian (Tứ thiên vương). Về bản chất, sau khi phân hóa theo chiều dọc cõi Trời – cõi Người – cõi Đất, thì thế giới lại tiếp tục phân hóa theo chiều ngang bốn hướng đông – tây – nam – bắc để cấu thành một chỉnh thể không gian đầy đặn. Mỗi vị thiên tướng sẽ giữ chức năng trấn giữ một phương của thế giới.

Tranh minh họa: Josh Trombley và Jackie Tạ (Uyên Phương)

Tham khảo: Lễ Xây chầu – Đại bội do Đoàn Nghệ thuật Hát bội – Tuồng cổ Ngọc Khanh sân khấu hóa trong chương trình “Diễn xướng Nam Bộ – Kỳ 04: Xây chầu – Đại Bội” (Thư viện Diễn xướng Nam Bộ Lục Tỉnh cầm ca)

Biên soạn: Vương Hoài Lâm