Đình làng không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng mà còn là không gian bảo tồn các loại hình biểu diễn truyền thống.

Trong đời sống tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đình là một không gian quan trọng để thờ tự các nhiên thần (các vị thần đại diện cho những yếu tố tự nhiên) và phúc thần (các vị thần bảo hộ cuộc sống của con người). Đình nằm trong khuôn khổ của thiết chế tín ngưỡng ở khu vực thôn – làng, nhưng không ngừng di thực những lễ thức chính thống của nhà nước quân chủ phong kiến thành một thể hòa trộn giữa màu sắc bình dân, cởi mở, tự do của dân gian với màu sắc trang nghiêm,  quy củ của quốc điển. Dù đứng về phía “quốc điển” hay “dân gian”, đình vẫn giữ chức năng quan trọng là bảo hộ cuộc sống ấm no, bình an cho con người trong địa vực mà đình tọa lạc/ thần cai quản. Bên cạnh đó, đình còn là không gian thực hành và lưu giữ những sản phẩm phi vật thể mang giá trị kết nối giữa xưa và nay, mà diễn xướng và biểu diễn truyền thống là một bộ phận.

Đình Phú Nhuận vào dịp lễ Kỳ Yên (Hình ảnh: Tran Duy) 

“Kỳ yên” từ sớm đã trở thành một nghi lễ quan trọng trong không gian đình Nam bộ. Bản chất của lễ Kỳ yên cũng giống như tên gọi của nó (“kỳ yên” là cách đọc khác của từ “cầu an”) là nhằm bày tỏ sự thành tâm kính ngưỡng đến các thần linh sở tại, chủ yếu là thần Thành hoàng, cầu mong cho bách tính sống yên ổn, thái bình, mùa màng tốt tươi, cuộc sống sung túc mỹ mãn. Căn bản, lễ Kỳ yên là một tập hợp nhiều hình thức cúng tế xen lẫn diễn xướng và biểu diễn truyền thống. Nhìn riêng từ khía cạnh diễn xướng và biểu diễn truyền thống, lễ Kỳ yên gắn liền với sự phát triển và lan tỏa của nghệ thuật hát bội phương Nam. Có thể nhận định rằng, ở Nam bộ, trước khi nghệ thuật cải lương ra đời, hát bội là loại hình diễn xướng độc tôn được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân. Theo đó, các cuộc hát chầu trong lễ Kỳ yên đều trình diễn các tuồng tích hát bội. Đặc biệt, hoạt động trình diễn hát bội trong các chầu hát Kỳ yên thường được mở đầu bằng nghi thức Xây chầu và Đại bội. Nếu như Xây chầu là nghi thức do chấp sự và ban quý tế địa phương thực hiện thì Đại bội chính là nghi thức do các diễn viên hát bội trình bày.

Ban quý tế Đình Phú Nhuận thực hiện nghi lễ Tôn Vương (Hình ảnh: Tran Duy)

Tham khảo: Album Lễ Kỳ yên ở Đình Phú Nhuận trên trang Facebook của Hiếu Văn Ngư

Biên soạn: Vương Hoài Lâm