Bài 03: Nghi thức đại bội (Phần 02)
Lớp diễn “Đại bội” và màn “Gia quan tấn tước”.
Tiết mục thứ năm là tiết mục chính mang tên “Đại bội”, hay còn gọi nôm na là “lễ Đứng cái”. Đến đây, số lượng diễn viên đã tăng đáng kể thành năm người. Trong đó, bốn diễn viên nữ, hóa trang mặt sạch, mặc phục trang đào văn (mỗi người một màu), tay cầm quạt xuất hiện trước trên sân khấu và thài (tức hát theo điệu chúc tụng). Sau đó một diễn viên nam, hóa trang mặt sạch, mặc mãng bào vàng, đội mũ miện của vua, tay cầm quạt ra sân khấu xướng chúc linh thần, ban quý tế sở tại và khán giả. Tiết mục phối hợp nhịp nhàng giữa hát và vũ đạo. Về hình thức, đây là hình ảnh ông vua và các bà vợ, ngụ ý chúc tụng cuộc sống được sung túc, đề huề. Về bản chất, sau khi chia thành bốn hướng thì theo quan niệm kinh Dịch thì mỗi hướng sẽ thủ đắc một thuộc tính kim, mộc, thủy, hỏa, ứng với những loại vật chất cơ bản hình thành sự sống theo quan niệm cổ. Trong đó, bốn hướng lấy được trọng tâm (trung ương) là thuộc tính thổ, gộp chung gọi là Ngũ hành. Từ Ngũ hành mới tương sinh tương chế, giao thoa ảnh hưởng lẫn nhau để sản sinh ra mọi vật. Như vậy sau khi khai mở thế giới thì Ngũ hành sẽ cấu thành sự sống của vạn vật, muôn loài.
Tranh minh họa: Josh Trombley và Jackie Tạ (Uyên Phương)
Cuối cùng, một diễn viên nam sẽ đeo mặt nạ người đàn ông mặt trắng, râu loe hoe, trên người mặc mãng bào, tay cầm quạt ra sân khấu trình diễn tiết mục “Gia quan tấn tước”. Tiết mục hoàn toàn là vũ đạo, gần giống mới kịch câm phương Tây, trình hiện một người có tính cách hoạt bát, lí lắc, gần gũi, bình dân. Anh ta bước ra sân khấu, ý muốn viết một tờ liễn chúc tụng công danh sự nghiệp được đắc ý (gia quan tấn tước). Nhân vật này được gọi là “Linh Quan” tức ông quan mà lời lẽ chúc tụng rất linh ứng. Giới bình dân thường gọi ông này là ông Địa, còn giới hát bội thì coi ông là Tổ của các vai hề. Về hình thức, tiết mục mang ý nghĩa chúc tụng, cầu mong cuộc sống hiển vinh, mãn ý. Về bản chất, có thể thấy sau khi thế giới tự nhiên đã được định hình, quy luật xã hội (làm quan, đạt danh lợi) của con người dần thay thế quy luật bản thể của giới tự nhiên.
Tranh minh họa: Josh Trombley và Jackie Tạ (Uyên Phương)
Điểm lại các kịch mục trên, nếu tạm bỏ qua tiết mục “Gia quan tấn tước” mang ý nghĩa chúc tụng, cầu mong cuộc sống sung túc hiển vinh thì năm tiết mục còn lại mang dáng dấp một cuộc mô phỏng motif sáng thế. Ở đây những con số (số diễn viên trong từng tiết mục) không ngừng được gia tăng 1 thành 2, 2 thành 3, rồi thành 4, và 5 như một lối diễn giải cho sự phát triển của thế giới theo tinh thần của dịch lý phương Đông. Thậm chí, có tài liệu còn cho rằng ban đầu nghi thức Đại bội còn có một tiết mục nữa là “Bát tiên hiến thọ”, nhưng do quá rườm rà nên người địa phương đã rút gọn bớt, lâu ngày thì mất hẳn. Điều đó đã cho thấy một thứ cảm quan thấm đẫm chất huyền thoại trong sinh hoạt nghi lễ của con người Nam bộ, xuất phát từ kinh nghiệm về tính không thuần nhất về không gian của những người mở cõi xưa. Bởi “tính không thuần nhất của không gian đã tạo nên một trải nghiệm tiên khởi, có thể coi đó là một nền tảng của thế giới.” (Mircea Eliade). Sự gia tăng theo bội số đó có lẽ là nguyên nhân tạo nên tên gọi “hát bội”, hoặc chí ít thì cũng tạo nên sự bền vững cho thuật ngữ “hát bội” trong lòng văn hóa Nam bộ, trong bối cảnh “tuồng” đã trở thành thuật ngữ toàn dân.
Tóm lại, chúng ta có thể thấy, nghi thức Đại bội với tư cách là một nghi thức diễn xướng truyền thống đã bắt đầu được “quốc điển hóa” theo xu hướng chung của văn hóa tín ngưỡng đình. Trong lòng các tiết mục của nghi thức Đại bội chứa đựng cả một vũ trụ triết học, mà dẫu một người bình dân cũng có thể mường tượng ra nhưng vẫn cần trình độ hiểu biết uyên thâm mới cắt nghĩa và lý giải thấu đáo. Không những vậy, thứ cảm quan sáng tạo mà nghi thức Đại bội mang lại chính là ngọn nguồn của màu sắc tâm linh, thiêng liêng cho các chầu hát Kỳ yên, mở đường cho một thế giới nhiệm mầu hiện ra trên sân khấu đình làng.
Tham khảo: Lễ Xây chầu – Đại bội do Đoàn Nghệ thuật Hát bội – Tuồng cổ Ngọc Khanh sân khấu hóa trong chương trình “Diễn xướng Nam Bộ – Kỳ 04: Xây chầu – Đại Bội” (Thư viện Diễn xướng Nam Bộ Lục Tỉnh cầm ca)
Biên soạn: Vương Hoài Lâm