Xét về tính thực hành xã hội, hò có chức năng phục vụ nhu cầu sản xuất. Xét với tính biểu cảm, hò phản ánh nhu cầu nội tại của con người.

“Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”

Lời ca trên xuất hiện trong một điệu hò chèo ghe từng vang vọng, miên man trên những dòng sông vùng Đồng Nai – Gia Định xưa. Nó như mảnh hóa thạch của thời gian đã qua đọng lại trên thực tại cho ký ức neo đậu. Khi người lái đò ngày ấy không còn xuôi ngược trên những dòng sông chở nặng phù sa, chất đầy tâm tư của một thời đã xa thì điệu hò năm nào cũng rời xa bến cũ.

Từ môi trường lao động…

Hò là một thể loại dân ca bắt nguồn trong môi trường lao động. Nhờ tiếng hò giúp cho người lao động vơi bớt mệt nhọc, kết hợp hài hòa với nhau nhằm gia tăng hiệu suất công việc. Hò có lịch sử lâu đời, phổ biến nhiều nơi trên thế giới. Ở nước ta, hò có từ cổ chí kim, xuất hiện khắp các vùng miền. Có người đoán rằng, hình ảnh chèo thuyền, giã gạo… trên hoa văn trống đồng có thể được hỗ trợ bởi loại hình hò hát! 

Nói như nhà thơ Lưu Quang Vũ trong bài “Tiếng Việt”:

“Ai người nói những lời thứ nhất. 

Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu. 

Điều anh nói hôm nay chiều sẽ tắt. 

Ai người sau nói tiếp những lời yêu”.

Nhìn suốt chiều dài lịch sử, hò đã tự phân mảnh thành nhiều hình thức khác nhau, có bộ phận ở lại với thời gian trở thành hóa thạch của dĩ vãng, có bộ phận tiến triển thành ngôn ngữ biểu cảm, giao duyên, hẹn hò… Xét về tính thực hành xã hội, hò có chức năng phục vụ nhu cầu sản xuất. Xét với tính biểu cảm, hò phản ánh nhu cầu nội tại của con người.

… đến cuộc sống muôn màu

Thuở ban đầu, hò sinh ra nhằm “tinh giản sức lao động”, sau đó theo con người vào cuộc sống đa dạng. Hiếm có làn điệu nào lan truyền rộng rãi như hò, xuống dưới nước có hò chèo ghe, hò đò dọc, hò xuôi dòng, hò kéo thuyền, hò cập bến, hò mái ba, hò mái nhì, hò mái dài, hò mái đoản, hò mái trường, hò thẻ mực, hò khoan, hò hụi…; lên cạn có hò cấy, hò giã gạo, hò giọng đồng, hò kéo gỗ, hò đắp đê, hò lơ, hò giã vôi, hò mái sắp, hò thuốc, hò leo dốc…; xét về hình thức diễn xướng, có hò lẻ, hò đối đáp, hò có xướng – xô; mang tính trình thức, như: hò rao – hò hỏi thăm – hò chúc –  hò đố – hò chia tay; tham gia thi tài, có: hò bắt xác, hò nhơn đạo, hò ngạnh trê… 

Với địa bàn diễn xướng đa dạng, hò từ môi trường lao động đến giải trí, giao đãi tình cảm, luyến ái hôn nhân. Ngoài lúc làm việc mệt nhọc, con người cũng sử dụng hò khi nghỉ ngơi. Hò trở thành tiếng lòng của con người, kết nên tâm tư, tình cảm, khát vọng muôn đời.

Cách phân loại hò

Tiêu chí phân loạiCác loại hò
Môi trường diễn xướngHò trên sông nước và hò trên cạn
Hoạt động sản xuấtHò chèo ghe, hò giã gạo, hò cấy lúa,  hò kéo chài, hò dệt vải, hò đan lát, vv 
Đặc điểm âm nhạcHò đơn, hò đôi, hò có xướng – xô (tập thể)
Dựa vào địa bàn điền dã (do giới nhạc sĩ, nhà sưu tầm, nghiên cứu phân loại)Hò Đồng Tháp, hò Bến Tre, hò Bạc Liêu, hò Cần Thơ… Trên cơ sở đó, người ta có thể nhìn hò ở góc độ vi mô, như hò Bình Đại (Bến Tre), hò Bến Lức (Long An), hò Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh), hò Gò Công (Tiền Giang)… hoặc vĩ mô, như hò Nam Bộ tương ứng với hò Trung Bộ, Bắc Bộ.

Trên thực tế, không có cách phân loại nào đạt độ ổn định tuyệt đối. Khi môi trường lao động, loại hình sản xuất thay đổi, chúng không còn quyết định khả năng ràng buộc hò vào một dạng thức văn hóa cố định. Riêng dựa vào cách hò tự “thể hiện mình” qua phương tiện biểu hiện của âm nhạc có khả năng níu kéo làn điệu vào những hình thái diễn xướng cụ thể, như hò đơn, hò đôi, hò có xướng – xô. Song, nguyên tắc này cũng không ngăn nổi những thể nghiệm mới làm thay đổi cấu trúc của hò. Chẳng hạn, hò lẻ (đơn ca) có thể chuyển sang đối đáp (hò đôi), mở rộng quy mô thành hò có xướng xô, gồm một người lĩnh xướng và tập thể xô, rồi sân khấu hóa, dàn dựng hoạt cảnh… Với sự đa dạng về tư duy sáng tạo, cùng một làn điệu người biểu diễn triển khai, áp dụng nhiều hình thái khác nhau. 

Tính đa dạng về địa bàn tác nghiệp phản ánh sự phong phú của làn điệu. Hò vốn đi ra từ môi trường lao động, nên có nhiều làn điệu gắn với loại hình sinh hoạt, sản xuất, như: hò cấy, hò xay lúa, hò thẻ mực, hò giọng đồng, hò mái đoản, hò mái ố, hò mái trường… rồi xuất hiện những điệu hò mang danh từ, thuật ngữ riêng, như hò môi, hò mép, hò nhơn đạo, hò ngạnh trê, hò cuộc, hò thi, hò bắt xác, hò đâm hơi, hò tẻ, hò rơi…

Hò xay lúa (Gò Công) – Giọng hò: Đào Đức, Quốc Hòa, Tô Thanh Phương, Kiều Chinh
Nhóm nghiên cứu nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sưu tầm và phục dựng

Nói chung, dựa vào hình thức diễn xướng, hò có ba loại: đơn, đôi và tập thể.

1. Hình thức đơn lẻ

Hình thức hò đơn (hò lẻ, hò tẻ, hò rơi, hò suông) có một người hát, mang tính chất tự sự, trữ tình… Hình thức này nhịp điệu tự do, tốc độ chậm rãi, khoan thai, chứa đựng nhiều không gian, thời gian cho người hát trải lòng mình.   

Xét về tính chất, câu hò nhiều lúc như một lời gọi mời, ngay cả khi thể hiện bằng hình thức đơn ca, như: “Ai về Gia Định, Đồng Nai…” giống một câu hỏi tìm người giải đáp.

Cô Song Oanh hò
Playlist các câu hò Nam Bộ của dự án Phong Hoa Ca Vịnh

2. Hình thức kết đôi

Hình thức kết đôi, đối đáp phổ biến ở nhiều thể loại âm nhạc, nhất là hát giao duyên, gồm một người hát đối (đố – hỏi) và một người hát đáp (trả lời).

Phàm có sự tham gia của hai người, hò đối đáp tất yếu nảy sinh nhiều dạng thức, như: hò huê tình, hò cấy, hò môi, hò mép, hò ngạnh trê, hò bắt xác…

Âm nhạc vừa là ngôn ngữ tình cảm, vừa là công cụ giao tiếp xã hội. Thuở trước, con người chủ yếu sử dụng lời ca, tiếng hát giao tiếp với nhau. Phương thức này vẫn lưu lại trong thể loại hò bằng hình thức đối đáp (hò đôi).

Cô Song Oanh – chú Sáu Hưng hò đối đáp
Thuộc playlist Hò của dự án Phong Hoa Ca Vịnh

3. Hình thức tập thể

Hình thức tập thể có xướng – xô, cụ thể hóa bằng một người lĩnh xướng và tập thể phụ họa. Phần lĩnh xướng gọi là lớp mái (cái kể), phần xô gọi là lớp trống (con xô). Cách kết hợp như vậy chỉ ra dấu vết, chức năng lao động ẩn trong điệu hò. Người lĩnh xướng đóng vai trò trưởng nhóm nhằm thống nhất động tác của tập thể (xô).

Bài “Í a hò khoan” có hình thức xướng – xô tập thể
Nguồn: Thư viện diễn xướng Nam Bộ Lục tỉnh cầm ca 

So với hình thức đơn lẻ hay đối đáp, hình thức này đòi hỏi tuân thủ nguyên tắc chung, không cho phép tự do, buông lơi tùy tiện… Trong quá trình phục dựng, người ta thường thiết kế hình thức xướng – xô dưới dạng hoạt cảnh mang tính chất sân khấu hóa, giữa lớp mái và lớp trống đan xen các mẩu đối thoại nhằm dẫn dắt tình huống tới tiết mục hò. (Còn tiếp) 

Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào. 

Tác giả: Lê Hải Đăng

Biên tập: Lục Nhi | Huyên

Thiết kế: Dương Trương

Ảnh bìa: Tran Duy 

Hoạt động được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.