Theo lý về miền thương nhớ
Lý không giới hạn môi trường diễn xướng. Nói cách khác, môi trường diễn xướng của lý hết sức rộng rãi, từ sinh hoạt đời thường đến tín ngưỡng.
Ngược dòng thời gian cho thấy lý từng giống như nhạc pop trong môi trường văn hóa dân gian. Khác với ca khúc mới đa số tập trung vào đề tài tình yêu, rộng hơn là quê hương, đất nước. Như chúng ta biết, quê hương, đất nước là một thực thể mang tính phức hợp, bên trong chứa đựng nhiều nội dung khác nhau. Xét về phương diện này, đề tài thể hiện trong hát lý hết sức đa dạng, có độ phủ sóng rộng, từ sự vật gần gũi, thân thương cho đến ước mơ, khát vọng, tình yêu và đức tin. Tất cả đều in đậm, lưu dấu trong hát lý.
Sở dĩ lý có độ phủ sóng rộng như vậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự mở rộng về môi trường diễn xướng. Nói cách khác, môi trường diễn xướng của lý không bị giới hạn không gian như hát ru, dựa vào môi trường lao động làm địa bàn tác nghiệp như hò mà lan sang nhiều lĩnh vực khác, từ tự sự, giao duyên, tâm tình cho đến tâm linh. Ngoài ra lý đạt đến sự ổn định về cấu trúc. Sự tổ hợp nhiều yếu tố tạo điều kiện cho nó thích nghi với nhiều môi trường diễn xướng. Người ta có thể tìm thấy điệu lý vui tươi, thắm thiết, như Lý cây bông; trữ tình, hoài niệm, như Lý xự xế xang; nỉ non, ai oán như Lý con sáo; nhiệt tình, hoạt bát, như Lý ngựa ô; hào sảng, “Tiếu ngạo giang hồ” như Lý kéo chài; ngây thơ, nhí nhảnh, như Lý con cúm núm; miên man, bay bổng như Lý đầu cầu dài; giản dị, mộc mạc, như Lý lá da lá dà; thương nhớ, mênh mang như Lý chiều chiều;… Mọi cung bậc cảm xúc, lòng trắc ẩn đều ẩn hiện trong điệu lý chứa chan tình người, nhiều nét nhạc lắng đọng như giọt sương mong manh khiến lòng ta xao xuyến.
Lý không giới hạn môi trường diễn xướng. Nói cách khác, môi trường diễn xướng của lý hết sức rộng rãi, từ sinh hoạt đời thường đến tín ngưỡng. Bài viết này căn cứ vào môi trường diễn xướng để phân loại. Trên cơ sở đó chia lý làm hai loại: diễn xướng trong môi trường sinh hoạt đời thường và trong môi trường văn hóa tín ngưỡng.
Môi trường sinh hoạt đời thường
Môi trường sinh hoạt đời thường phổ biến đa số làn điệu lý. Ngôi trường dạy và học dân ca chính là đời sống. Người thầy của dân ca là những người thôn quê bình dị. Bằng lời ca mộc mạc, ý nhị, cấu trúc âm nhạc ngắn gọn, giản dị, đường nét giai điệu uyển chuyển, nhịp nhàng, làn điệu lý chuyển tải, phản ánh nhiều nội dung phong phú. Những hình ảnh thân thuộc, yêu thương đều có cách đi vào lý một cách hữu tình, sinh động, gợi hình, gợi ảnh, ý nhị, tình tứ.
Ví dụ:
“Bông xanh bông trắng bông vàng
Bông lê bông lựu đố nàng mấy bông”
(Lý cây bông – Lư Nhất Vũ sưu tầm)
Hình ảnh: Hamzy Selamat on Unsplash
Lý là một thể dân ca của người bình dân lưu truyền trong môi trường văn hóa dân gian bằng hình thức truyền miệng, không có văn bản, xuất hiện nhiều dị bản. Lý thể hiện đầy đủ đặc trưng của một thể loại dân ca, ngắn gọn, giản dị về cấu trúc, lời ca dựa vào các thể văn vần, xuất hiện nhiều hư từ, tiếng đệm lót, đưa hơi, đặc biệt là thủ pháp melisma (một từ nhiều âm)… Trong quá trình phổ biến, lý không chỉ phong phú về làn điệu mà còn xuất hiện nhiều bài bản đạt tới mức độ kinh điển, thuộc loại “top hit” trong kho tàng dân ca, như: Lý chiều chiều, Lý con sáo, Lý ngựa ô, Lý chuồn chuồn, Lý kéo chài, Lý cây bông, Lý trăng thu dạ khúc, Lý chim quyên…
Bài lý thường có cấu trúc đơn giản, giai điệu xây dựng trên thang âm ngũ cung, điệu thức nam với các câu dài ngắn không cân phương, kết hợp hài hòa với nhau.
Ví dụ:
“Gió lên rồi căng buồm cho sướng
Gác chèo lên ta nướng khô khoai”
(Lý kéo chài – Lư Nhất Vũ sưu tầm)
Nhiều làn điệu lý có kết thúc “mở”, nhờ sử dụng thang âm ngũ cung, thủ pháp chuyển hệ hoặc sử dụng chất liệu âm nhạc mới… Bởi vậy, mặc dù cấu trúc giản dị, ngắn gọn, lý vẫn đủ sức hấp dẫn, đưa người nghe lạc bước vào một thế giới tuy nhỏ bé, nhưng dạt dào tình cảm. Ca khúc mới thường khẳng định tính chất điệu tính, thậm chí luôn trở về kết trên chủ âm. Ngược lại, nhiều làn điệu lý chọn thủ pháp chuyển âm điệu để kết thúc. Nó đem lại cảm giác bất ngờ, ngỡ ngàng đến ngẩn ngơ.
Từ ru, hò đến lý không chỉ có sự dịch chuyển về thể loại mà còn có sự thay đổi tính chất nội tại. Hát ru gắn với tính thực hành xã hội, hò tuy đã có bước đột phá, hướng tới nhu cầu đa dạng, đồng thời thực hành trong môi trường rộng lớn hơn, nhưng vẫn lưu luyến hình thái lao động sản xuất, đặc biệt xét về tính chất âm nhạc. Bởi vậy, cả ru và hò vẫn bảo lưu câu hát đưa hơi đặc trưng, như ầu ơ, ví dầu, hò ơ. “Câu thiền cửa miệng” này đã biến mất ở lý, thậm chí cả sợi dây ràng buộc với thuộc tính thực hành xã hội cũng được cởi bỏ, thay vào đó là nhu cầu biểu cảm, thể hiện tư tưởng thẩm mỹ. Lý gần với tác phẩm trình diễn, trong đó chứa đựng nhiều yếu tố thể hiện tính chất tự trị, đặc biệt giữa lời và nhạc có thể chia tách thành hai thực thể riêng biệt, giống như thơ ca và nhạc không lời. Bởi vậy, lý không chỉ tồn tại biệt lập với nhiều làn điệu phong phú mà còn được thay đổi lời ca trở thành những sản phẩm “bình cũ rượu mới”, như các bài được nhà thơ Lê Giang đặt lời: Kiên Giang mình đẹp lắm (Lý chèo đưa cá ông), Anh về miệt vườn (Lý xự xế xang), Chiều nhớ (Lý cái mơn), Tâm tình cô thợ dệt (Lý ba xa kéo chỉ)… Đáng chú ý có hàng loạt bài lý cải biên của nhạc sĩ Cao Văn Lý, như: Lý Mỹ Hưng, Lý trăng thu dạ khúc, Lý qua cầu… Ngay cả bài “Ru con” được mệnh danh là dân ca Nam Bộ nổi tiếng trên sân khấu, thực chất đã kết hợp hai bài Lý giao duyên và Lý bốn mùa do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nghệ sĩ Thái Thị Liên cải biên. Chẳng phải ngẫu nhiên, trong một bài ru con mà thiếu vắng câu hát đưa hơi ầu ơ, ví dầu đặc trưng, điển hình của dân ca Nam Bộ.
Ví dụ:
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày là năm canh chày
Thức đủ vừa năm, hỡi chàng chàng ơi
Hỡi người người ơi, em nhớ tới chàng…”
Ngoại trừ trường hợp đã chỉnh lý, cải biên hoặc sử dụng chất liệu, đa số làn điệu lý đều phơi bày tính chất mộc mạc, bình dị… mang đặc trưng của sáng tác dân gian. Xét về hình thức âm nhạc, lý thường có cấu trúc một hoặc hai đoạn đơn. Hiếm có bài lý khuôn khổ dài, như lý đầu cầu, lý lơ thơ, lý mười hai tháng… trong hát sắc bùa. Hình thái giai điệu ở nhiều làn điệu thể hiện sự mộc mạc, tự nhiên, câu hát không ngắn như hát ru mà ngân nga, kéo dài; đường nét giai điệu không xuất hiện nhiều quãng nhảy như hò mà uyển chuyển, nhịp nhàng. Điều đó càng khẳng định, lý hướng tới mục đích trình diễn nghệ thuật, thay vì dừng lại ở tính thực hành xã hội.
Ví dụ:
“Chiều chiều ra đứng lầu tây
Thấy cô gánh nước tưới cây ngô đồng”
(Lý chuồn chuồn – Lư Nhất Vũ sưu tầm)
Khúc thức bài bản có thể hình thành từ hai cơ sở. Thứ nhất là sự gợi ý của lời ca. Thứ hai: sự ổn định của một cấu trúc âm nhạc. Trong đó, lời ca góp phần tạo nên những câu nhạc dài ngắn, không cân phương. Trải qua sự hun đúc của bối cảnh văn hóa, hát lý dần dần định hình những làn điệu ổn định cho phép thay đổi lời ca. Cùng với đó, trong quá trình lưu truyền, một làn điệu cũ có thể lang thang đến chỗ mới hay dịch chuyển trên chính địa bàn phát tích nhằm tạo nên sự đổi thay. Hiện tượng này vừa tạo nên sức sống cho dân ca, vừa làm nên đặc trưng văn hóa dân gian. Nó khiến cho sự xê dịch của làn điệu lý men theo những nẻo đường lắt léo in đậm bản sắc văn hóa vùng miền.
Môi trường văn hóa tín ngưỡng
1. Lý đi đường
Lý đi đường xuất hiện trong loại hình diễn xướng hát sắc bùa Phú Lễ, như: Lý lá da lá dà, Lý trèo lên cây ổi, Lý ông Hương… Tập hợp bài lý sử dụng trong hát sắc bùa gọi chung là lý đi đường. Nghệ nhân diễn xướng, diễn tấu khi di chuyển trên đường, giống như hình thức du ca.
Ví dụ:
“Thân em như cột buồm cao
Linh đinh giữa biển lao đao giữa trời
Cơm ăn sao đặng mà mời
Cơm ăn sao đặng anh mời em không…”
(Lý lá da lá dà – Nguyễn Đại Phúc sưu tầm)
Nhóm nghệ nhân hát sắc bùa ở Phú Lễ (Bến Tre). Ảnh: Hoàng Mai (https://baodongkhoi.vn/nhung-nguoi-giu-hon-cho-hat-sac-bua-phu-le-02042021-a84663.html)
Hát sắc bùa nằm giao giữa môi trường sinh hoạt đời thường và tín ngưỡng. Trên thực tế, hát sắc bùa vừa mang tính chất du ca, vừa mang tính chất tín ngưỡng. Về tính chất du ca thể hiện ở hình thái diễn xướng di chuyển trên đường bằng các bài lý đi đường. Về tính chất tín ngưỡng thể hiện ở nghi thức dán bùa cùng các bài hát chúc người yên vật thịnh, gia quan tấn lộc. Sau khi du nhập hát sắc bùa, lý đã bị sắc bùa hóa bằng hình thái diễn xướng đặc trưng của loại hình sinh hoạt âm nhạc này. Thứ nhất: lý đi đường được diễn xướng tập thể. Nó gợi lại hình ảnh mà tác giả Huỳnh Tịnh Của trong “Đại Nam quốc âm tự vị” giải thích: “Hát bắt nhịp, giọng cao giọng thấp, lặp đi lặp lại”1. Tính chất này dường như chỉ còn bảo lưu trong hát sắc bùa. Thứ hai: lý đi đường hát trong điều kiện di chuyển, nghệ nhân vừa đi vừa hát, nên có thể xảy ra hiện tượng “lệch pha” giữa người đi đầu và cuối, từ đó tạo nên hiệu quả “giọng cao giọng thấp”. Thứ ba: lý trong hát sắc bùa được phụ họa bởi nhạc cụ đệm, gồm: phách cái, trống cơm, sênh tiền và đàn cò.
Ví dụ:
“Ai đi đường thẳng dưới rừng
Cây khô lá rụng giựt mình chim bay”
(Lý ai đi đường thẳng – Nguyễn Đại Phúc sưu tầm)
2. Lý giọng bóng
Lý giọng bóng là những bài lý được hát bóng rỗi tiếp thu trong tín ngưỡng nữ thần Nam Bộ. Lý giọng bóng cũng là những bài phổ biến, như: Lý cây bông, Lý con sáo… sau khi du nhập hát bóng rỗi có những thay đổi nhất định. Sở dĩ lấy tên lý giọng bóng là vì nó được trình diễn bởi các bà bóng trong lúc thực hành nghi lễ. Với giọng hát đặc trưng, nghệ nhân bóng đem đến cho hát lý sắc thái riêng biệt. Lý giọng bóng đi vào tiết mục Chầu mời thỉnh tổ dưới dạng liên khúc, trong đó, làn điệu lý được dùng làm đoạn nhạc kết. Trong đoạn kết này, một điệu lý chia làm hai phần. Phần đầu có tốc độ vừa phải, nhịp chẵn; phần cuối chuyển sang nhịp lẻ (nhịp 1), tốc độ nhanh dần về kết. Trên thực tế, nhịp 1 sản sinh từ việc chia đôi nhịp 2, rồi tăng dần tốc độ nhằm thực hiện nhiệm vụ kết thúc liên khúc. Hiện tượng này chịu ảnh hưởng bởi lối hát tẩu trong hát bội, tư duy thẩm mỹ “tiền bần hậu phú” của nghệ thuật truyền thống.
Ví dụ:
“Đêm đêm vái van, nguyện vái cho hồn Bà lên
Lòng thành thiết một giỏ huê
ngày hôm nay con xướng con nguyện cầu
Mời Bà về vui lòng Bà nhận lễ
Bà độ cho chúng sinh được giàu sang…”
(Trích đoạn Lý con sáo trong bài Chầu bà)
Lý giọng bóng cũng được diễn xướng với nhạc cụ đệm. Nó đem đến cho làn điệu lý nét độc đáo qua cách tiếp thu chất liệu âm nhạc truyền thống. Sự thay đổi về như cách thức thể hiện, chuyển hóa nhịp điệu, tái cấu trúc bài bản, lý giọng bóng đã trở thành một hệ bài bản riêng thuộc hát bóng rỗi.
—
Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào.
—
1 Huỳnh-Tịnh Paulus Của: “Đại Nam quốc âm tự vị”, sđd, tr 563.
Tác giả: Lê Hải Đăng
Biên tập: Lục Nhi | Huyên
Thiết kế: Dương Trương
Ảnh bìa: Rowan Heuvel on Unsplash
—
Hoạt động được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.