Hiểu đặc điểm của diễn xướng dân gian để có thái độ đúng với di sản

Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào. Đọc thêm về “Phong hoa ca vịnh” tại đây: https://culturafish.com/vi/projects/du-an-phong-hoa-ca-vinh/

Tính khuyết danh 

Tính khuyết danh là một trong những đặc trưng căn bản của diễn xướng dân gian. Nói cách khác, chúng ta khó thể truy cứu nguồn gốc tác giả đối với tác phẩm nghệ thuật dân gian. Đó là lý do tại sao, tác phẩm diễn xướng dân gian đều có chung một điểm: khuyết danh (không có tên tác giả). Ngoài ra, cũng phải thấy rằng, trong xã hội truyền thống, vai trò cá nhân chưa trở thành căn cứ xác định quyền sở hữu, quyền tác giả đối với tác phẩm nghệ thuật. 

Tính tập thể

Từ tính khuyết danh dẫn diễn xướng dân gian đến với tập thể, cộng đồng. Diễn xướng dân gian lưu truyền, phổ biến trong môi trường văn hóa cộng đồng. Nên, tập thể bao gồm những người sống trên cùng một vùng đất có chung ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục tập quán… Tất cả cùng nhau gìn giữ, bảo lưu di sản văn hóa của mình. 

 “Lý quạ kêu” – một “sản phẩm” tập thể của Nam Bộ

Tính truyền khẩu

Hình thái diễn xướng dân gian nói chung thông qua phương thức truyền khẩu để bảo lưu. Đối với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, diễn xướng chính là hình thái tồn tại. Nói cách khác, diễn xướng chính là một phương thức “xã hội hóa” tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, xét truyền khẩu như một phương thức lưu truyền, không nên đánh đồng với tính chất nghiệp dư, không bài bản. Bằng chứng cho thấy, nhiều loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp, phát triển cao về cơ sở lý luận, triết lý, hệ thống bài bản vẫn sử dụng phương truyền khẩu, như cổ nhạc Ấn Độ chẳng hạn. 

Tính tại chỗ  

Trong âm nhạc chuyên nghiệp, hoạt động sáng tác, biểu diễn, thưởng thức thường tách rời nhau. Nhạc sĩ làm công việc sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn, rồi thông qua nhiều kênh chuyển tải đến với khán thính giả (thưởng thức), từ trình diễn trực tiếp trên sân khấu cho đến băng cassette, CD, VCD, truyền hình… Đối với diễn xướng dân gian, sáng tác, biểu diễn, thưởng thức đều diễn ra tại hiện trường, như hát ru, đồng dao, vè…

Hò lèo ba đò xuôi, diễn xướng dân gian Thanh Hóa. Kho lưu trữ của nhạc sĩ Vĩnh Phúc

Tính thực hành xã hội

Diễn xướng dân gian ra đời gắn liền với môi trường văn hóa cụ thể. Chúng không xuất phát từ mục đích hưởng thụ nghệ thuật hay giải trí thuần túy. Mặc dù, trong diễn xướng dân gian có tính chất đó, nhưng mục đích, công năng xã hội mới khiến cho các loại hình nghệ thuật này trường tồn trong môi trường văn hóa. Chẳng hạn, xuất phát từ mục đích dỗ dành trẻ nhỏ, hát ru nhằm mục đích thôi miên, hỗ trợ người mẹ vỗ về con thơ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Hát ru con Quảng Ngãi, kho lưu trữ của nhạc sĩ Vĩnh Phúc

Tính tổng thể nguyên hợp

Diễn xướng dân gian tồn tại trong môi trường văn hóa mang tính phức hợp. Nó không chỉ thuần túy là một màn trình diễn xuất phát từ mục đích hưởng thụ nghệ thuật mà thông qua đó gửi rất nhiều thông điệp liên quan, như diễn xướng trong môi trường nghi lễ vừa đóng vai trò thực hành nghi lễ, vừa sử dụng lời ca, tiếng đàn để dâng lễ vật, giao tiếp với thần linh, bên cạnh đó, nó tạo không khí cho buổi lễ, xác định tính chất, đặc trưng từng tiết mục, khoa nghi, chưa kể còn phân biệt đối tượng thờ tự thông qua làn điệu, bài bản, như: thờ thần ở đình dùng hơi lễ (hơi bắc), thờ Cô hồn dùng hơi ai…  (Còn tiếp) 

Nghệ thuật bóng rỗi – một hình thức diễn xướng dân gian trong môi trường nghi lễ. Hình ảnh: Tran Duy

Tác giả: Lê Hải Đăng

Biên tập: Lục Nhi | Huyên

Ảnh bìa: Khán giả theo dõi một chương trình giới thiệu nghệ thuật Cải Lương do người trẻ thực hiện. Tác giả: Giang Phạm