“Điểm danh” một số hình thức hò phổ biến ở Nam Bộ

Hò chèo ghe…

Môi trường kênh rạch, sông nước mênh mông là địa bàn tác nghiệp của những người làm việc, chèo ghe trên sông nước. Hò chèo ghe từng phổ biến khắp vùng Nam Bộ. Điệu hò này xuất hiện ở cả ba hình thức: đơn lẻ, đối đáp và xướng xô. 

Ví dụ:

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi

Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê

(Hò chèo ghe vùng Đồng Nai – Gia Định – hình thức đơn lẻ)

Hay

Hò… ơ

Sông sâu sóng nước chảy hoài

Thương người xa xứ lạc loại đến đây

Hò… ơ

Xuồng ai đi trước bọt nước nổi phềnh

Chờ tôi đi với tâm tình đôi câu

(Hò chèo ghe Bạc Liêu – hình thức đối đáp)
Cô Song Oanh hò câu “Anh đi lục tỉnh giáp vòng…”
Playlist hò Nam Bộ thuộc dự án Phong Hoa Ca Vịnh 

Hò Đồng Tháp…

Hò Đồng Tháp dường như đã trở thành làn điệu kết tinh tinh hoa xứ sở, tiêu biểu cho vùng văn hóa Nam Bộ. Hò Đồng Tháp lần đầu xuất hiện trên sóng phát thanh qua giọng hát của nghệ sĩ Kim Nhụy. Bộ phim “Nổi gió” nổi đình nổi đám một thời cũng mở đầu bằng câu hò Đồng Tháp. Hò Đồng Tháp có thể được diễn xướng một mình hoặc đối đáp.

Cô Kim Nhụy hò trong phim “Nổi gió” (sản xuất năm 1966)

Ghe thuyền đóng vai trò giao thông chủ đạo trên sông nước Nam Bộ. Tính chất địa văn hóa này khiến cho thể loại hò chèo ghe hết sức phát triển, kết tinh cao độ ở hò Đồng Tháp, một làn điệu ngân nga giữa thiên nhiên mênh mang, thể hiện tình cảm, thị hiếu của những con người xuôi dạt trên sông. Có thể nói, hò Đồng Tháp đã tạo nên mạch kế thừa di sản hò mái nhì trên sông Hương, đồng thời không hề kém sắc so với tinh hoa âm nhạc dân gian Cố đô. Nếu như hò hụi, hò khoan, hò đò dọc… vẫn in đậm hình thái lao động thì hò mái nhì sông Hương, hò chèo ghe Đồng Tháp hoàn toàn thoát khỏi sự ràng buộc của môi trường lao động nhằm vươn tới nhu cầu biểu cảm chan hòa bao la. Khác với hò mái nhì, nét giai điệu sau khi rời điểm khởi phát có xu hướng đi xuống trong khoảng âm vực hẹp, hò chèo ghe Đồng Tháp mở rộng âm vực, đưa đẩy nét giai điệu lên cao vút, ngân nga, kéo dài miên man…

Cô Kim Nhụy hò Đồng Tháp
Từ dĩa than Tiếng Hát Việt Nam, NXB Đĩa hát Việt Nam, 78 vòng, 1957.

Xét về cấu trúc âm nhạc, nó gồm hai phần: phần 1 cấu tạo bởi một đoạn hát đưa hơi (ơ hò…), giống như hình thức vocalise trong nghệ thuật thanh nhạc phương Tây. Phần 2 xuất hiện lời ca kết hợp với giai điệu kế thừa, phát triển từ chất liệu câu hò (đưa hơi phần 1). Trong phần 1 lại có thể chia thành hai câu. Câu 1 hình thành trên âm khu thấp. Câu 2 phát triển trên âm khu cao. Rồi từng câu lại chia nhỏ thành mô-típ. Nhờ câu đưa hơi kéo dài khuôn khổ, mở rộng âm vực, xây dựng đường nét giai điệu trên nhiều bậc âm… giúp nâng cao khả năng biểu cảm cho câu hò, thậm chí chưa cần đến phương tiện lời ca đã có thể lay động lòng người.   

Cô Song Oanh và chú Sáu Hưng hò Đồng Tháp –
Playlist hò Nam Bộ thuộc dự án Phong Hoa Ca Vịnh

Hò huê tình

Hò huê tình sản sinh từ hình thức đối đáp nam nữ. Xuất phát bởi tính chất trữ tình, ý nhị, tình tứ, mỗi lớp hò huê tình có thể trở thành một cấu trúc độc lập với nội dung lời ca, hình thức âm nhạc hoàn chỉnh.

Ví dụ: 

Ơ… hò… ơ… hò

Trời cao hơn trăng

Con trăng sáng hơn đèn

Kèn kêu hơn biển

Biển rộng hơn sông

Nghĩa nhân lai láng chẳng đành

Anh ơi biểu anh đừng có thương trước cho uổng công

Để cho mà thiệt vợ thiệt chồng sẽ mặc sức mà thương

(Mỹ Xuyên – Sóc Trăng)

Lời ca ở hò huê tình chan chứa tình cảm yêu thương, tình yêu đôi lứa nồng nàn, những lời vàng thề non hẹn bể… Xét về tương quan giữa âm nhạc và lời ca, nội dung câu hát đóng vai trò chính yếu. Phần nội dung thường mở đầu bằng âm kết thúc câu đưa hơi. Cách làm này giống như thủ pháp “chuyển điệu đẳng âm” trong âm nhạc phương Tây. Trên cơ sở sử dụng một âm trung gian nhằm kết nối hai đoạn nhạc với nhau.

Hò hụi

Hò hụi Nam Bộ từng đi vào bài “Cổ Gia Định phong cảnh vịnh” qua mấy câu:

“Dưới Bến Nghé hát lẳng lơ, giọng con đò, giọng con rổi

Trên tàu voi ca khủng khỉnh, tiếng thằng mục thằng nài

Trọ trẹ ở dưới sông, quân Huế héo neo hò hố hụi

Xi xô inh đường cái, khách già giao kẹo ối chao ôi…”

Hoạt cảnh hò hụi trên đây thấy thấp thoáng hình bóng nhóm “nghệ sĩ” Huế” qua tiết mục hò hụi hay hò hố hụi. Loại hình này từng phổ biến ở đảo Phú Quốc.

Ví dụ:

Hò hụi là là hụi hố khoan

Khoan hố khoan hố khoan ơ hò hụi

Kể: Nước tình săn

Xô: là là khoan hố khoan hố khoan ở hò hụi

Kể: Neo thẳng như đờn

Xô: là là khoan hố khoan hố khoan ơ hò hụi…

(Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Lê Anh Trung sưu tầm)

Qua ví dụ trên cho thấy, hò hụi xuất hiện chủ yếu trong môi trường lao động tập thể. Mỗi câu hát hình thành bởi kết quả của hai vế xướng – xô đối xứng nhau. Câu xô giống như một âm hình chủ đạo quán xuyến suốt làn điệu.

Hò hụi miền Trung do nghệ sĩ Nhất Sinh thể hiện

Hò cấy

Hò cấy vốn diễn xướng trên ruộng đồng. Môi trường rộng lớn này trở thành mảnh đất màu mỡ cho hò cấy phát triển, biến đổi nhằm tạo nên nhiều làn điệu phong phú, như: hò giọng đồng, hò hòa hi, hò mái ố, hò mái dài, hò mái ba, hò lờ, hò kẹt mết, hò đưa linh… Hò cấy Nam Bộ xuất hiện đầy đủ các hình thức diễn xướng đơn, đôi và xướng – xô tập thể. Theo nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, hò cấy từng “tuân thủ lề lối diễn xướng”. Theo đó, một cuộc hò chia làm ba chặng. Chặng một: “Hò rao – hò dạo; Hò hỏi thăm – Hò chào mời – Hò chúc”; chặng hai: “Hò đối – Hò đố”; chặng ba: “Hò giã biệt – Hò tiễn bạn – Hò chia tay”. Ngoài ra, xuất phát từ tính chất thi thố, hò tiếp tục phân chia đẳng cấp thành những loại, như: hò ngạnh trê, hò nhơn đạo, hò bắt xác, rồi có khi chẳng chịu bó buộc vào nguyên tắc nào mà chỉ hò môi, hò mép hay hò thơ, hò truyện, hò tuồng… cho vui vẻ.

Ví dụ:

Ơ… tôi khéo khen anh Sáu Chơi

Hò cuộc cũng hay mà hò mép hò môi thời cũng lẹ  

Anh cất tiếng anh rao thật giòn mà khi anh hát lên cao thả giọng trầm như đờn cò Xuân nữ 

Có oán, có ai có hồi rỉ rả rồi anh dứt chót giọng rồi

Hơi đã còn dư…ơ… hư ơ

(Hò cấy – Đồng Tháp)

Sau khi hò cấy mai một, suy tàn, đa số làn điệu sưu tầm nằm ở hình thức đơn lẻ hay đối đáp với nội dung trữ tình.  

Ví dụ:

Hò… ơ chữ rằng

Họa phước vô môn em ơi sao dạo dễ kiếm

Hò… ơ khoan 

Người khôn khó tìm 

Hò…ơ

Con chim khôn tối ngủ nó lựa nhìn

Con cá khôn nó lựa bậc

Hò… ơ khoan

Trai lành lựa nơi

(Tân Uyên – Bình Dương)

Riêng hò bắt xác là một trường hợp đặc biệt. Nó mang tính chất của cuộc thi đánh cược với số phận, bên thua phải lấy bên thắng làm vợ hoặc chồng! Không thể biết có bao nhiêu cặp đôi nên duyên vợ chồng nhờ hình thức này, nhưng có thể khẳng định, nhiều cặp vợ chồng thành đôi nhờ hò hát. Thuở xưa, âm nhạc đóng vai trò “bà mai số 1” để kết duyên cho đôi lứa. Hò bắt xác nhắc nhớ về thời kỳ mà trai gái đến với nhau bằng nhiều con đường, trong đó có cả hành trình của một cuộc hò. (Còn tiếp) 

Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào. 

Tác giả: Lê Hải Đăng

Biên tập: Lục Nhi | Huyên

Thiết kế: Dương Trương

Ảnh bìa: Tran Duy 

Hoạt động được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.