Tính đến nay, Hiếu Văn Ngư chỉ mới chập chững những bước khởi đầu trong hải trình vạn lý của mình. Nhìn lại chuỗi ngày gần 2 năm hình thành và hoạt động, Hiếu Văn Ngư cũng “trưởng thành” dần qua từng dự án của nhóm.

(Click here to read the English version) 

Toàn cầu hóa, thời đại thông tin và kỷ nguyên công nghệ hàng đầu nơi các nền văn hóa và ý tưởng va chạm. Ấy vậy mà, cho đến nay, chúng ta vẫn đôi khi thấy “lạc lối” với câu chuyện về các quốc gia xa lạ với bầu không khí văn hóa đại chúng bao quanh chúng ta. Ngay cả câu chuyện về Việt Nam cũng là một chủ đề đầy bất ngờ với bạn bè quốc tế, thậm chí đôi khi cũng “lạ lẫm” với chính người trong nước. Nhắc đến Việt Nam, người ta thường nghĩ…chiến tranh, hoặc những ấn tượng về phong cảnh thiên nhiên, nền ẩm thực được quảng bá qua các sản phẩm truyền thông. Tất cả những ý nghĩ ấy chỉ mới là một phần trong “bản sắc” Việt Nam – mặc dù điều đó không hoàn toàn sai, nhưng những câu chuyện đó không phản ánh đầy đủ sự phức tạp của một Việt Nam đã, đang và sẽ tồn tại. Kể một câu chuyện Việt Nam đa dạng và phức tạp một cách trung thực và chu đáo là một trong những mục tiêu của Cultura Fish; mục tiêu này được hình thành trực tiếp từ kinh nghiệm sống của các chúng tôi khi đã có dịp tiếp xúc với ngôi làng “toàn cầu”.

8 “chú cá” của Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish

Nhóm trẻ với nhiều hoài bão 

Hiếu Văn Ngư được thành lập vào tháng 12/2020 với vai trò“trung gian” giữa giới học thuật và công chúng. Nhóm gồm những người trẻ có nhiều chuyên ngành khác nhau (sư phạm, truyền thông, IT, kế toán, hội họa), từ đó nhóm có thể tận dụng những lợi thế này để tiếp cận di sản văn hóa phi vật thể như những “nguyên liệu” phù hợp với nhịp sống đương đại. Cho đến nay, Hiếu Văn Ngư vẫn tập trung vào các di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ (Việt Nam) như diễn xướng dân gian, sân khấu truyền thống, phong tục tập quán địa phương. Các hoạt động gồm có: 

  • Lưu trữ: bằng cách thu âm, chụp ảnh hoặc quay video tùy theo di sản văn hóa phi vật thể đang theo đuổi dưới sự đồng hành của các nhà nghiên cứu.

Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish thực hiện dự án lưu trữ về hát bội

  • Giáo dục: Thông qua các lớp học, workshop, khóa học online,..chúng tôi hướng dẫn khán giả cách thưởng thức và ứng dụng các di sản văn hóa phi vật thể. Nội dung các khóa học được biên soạn kỹ lưỡng dựa trên nhu cầu của học viên. 

Hiếu Văn Ngư hướng dẫn về lịch sử – văn hóa Nam Bộ thông qua board game do nhóm tự thiết kế.

  • Truyền thông: Sau khi nhận bài viết từ nhà nghiên cứu hoặc sau khi lưu trữ, Hiếu Văn Ngư tiến hành biên tập nội dung cho phù hợp với từng nền tảng mà nhóm đang sở hữu: các bài viết cung cấp thông tin trên nền tảng website cho các bài viết giáo dục; infographic trên nền tảng Facebook; audio file/ video file trên nền tảng Youtube.

Một số nội dung infographic mà Hiếu Văn Ngư đã thực hiện hướng tới các chủ đề như hát bội, phong tục, âm nhạc truyền thống.

Trưởng thành qua từng hoạt động 

Tính đến nay, Hiếu Văn Ngư chỉ mới chập chững những bước khởi đầu trong hải trình vạn lý của mình. Nhìn lại chuỗi ngày gần 2 năm hình thành và hoạt động, Hiếu Văn Ngư cũng “trưởng thành” dần qua từng dự án của nhóm. Với dự án Hát Bội 101, Hiếu Văn Ngư đã liên tục gửi đến khán giả những tài liệu hướng dẫn cách thưởng thức loại hình sân khấu truyền thống thông qua các bài viết (dạng chữ và infographic), video lưu trữ như trong series “Mô hình nhân vật trong nghệ thuật bội Việt Nam” đã được chia sẻ trên nền tảng ichLinks. Bên cạnh đó, chúng tôi đã 4 lần tổ chức lớp thưởng thức hát bội cho khán giả từ 10 – 45 tuổi và nghe học viên “ồ à” khi biết hát bộ hay như vậy. Đây cũng là dự án mà Hiếu Văn Ngư quyết tâm theo đuổi lâu dài nhằm số hóa dữ liệu hát bội (ở các phương diện khác như mô hình hát-nói, mô hình vũ đạo,…), công bố và giới thiệu với người quan tâm nước ngoài.

Học viên lớp “Hát bội 101” trong buổi trải nghiệm vẽ mặt – y quan hát bội

Song hành cùng dự án Hát bội 101, Phong hoa ca vịnh cũng là một dự án mà Hiếu Văn Ngư đang thực hiện. Phong hoa ca vịnh là dự án lưu trữ, truyền dạy và ứng dụng chất liệu diễn xướng dân gian Nam bộ (ru, hò, lý) hướng đến người trẻ. Hiếu Văn Ngư cơ bản đã hoàn thành hợp phần đầu tiên “Lưu trữ” gồm 35 bản thu âm (có ký âm phần dao từ) các lời ru, câu hò, điệu lý phổ biến ở Nam bộ. Tháng 8/2022, được sự cho phép của Hội đồng Anh (đơn vị tài trợ), cùng với sự giúp đỡ từ ICHCAP-UNESCO, Hiếu Văn Ngư đã chia sẻ kho tư liệu này trên nền tảng ichLinks để làm nguồn tư liệu cho người quan tâm quốc tế.

Bên cạnh lưu trữ, Phong hoa ca vịnh còn có hợp phần “truyền dạy” nhằm lan tỏa âm nhạc truyền thống đến nhiều đối tượng học viên. Ảnh: các bạn nhỏ 9 tuổi đang học dân ca trong một lớp học về văn hóa Nam Bộ do Hiếu Văn Ngư tổ chức.

Bên cạnh hai dự án kể trên, Hiếu Văn Ngư còn chuẩn bị nhiều nội dung khác nhằm hỗ trợ người trẻ tiếp cận với di sản truyền thống như các chuyến du khảo (field trip) nhằm “giải mã” văn hóa địa phương qua các khía cạnh âm nhạc truyền thống, tâm linh, lịch sử; những minigame hoặc cuộc thi dành cho công chúng nhằm nói lên cảm nghĩ của mình đối với di sản hay các sự kiện nhân dịp lễ Tết với sự hướng dẫn của nhà nghiên cứu. Hiếu Văn Ngư cũng sẵn sàng trò chuyện và “tư vấn” cho các bạn trẻ muốn sử dụng chất liệu văn hóa cho các dự án cá nhân như nhiếp ảnh, quay film, sáng tác văn chương.

Du khảo đến các di tích lịch sử – văn hóa do Hiếu Văn Ngư thực hiện cho các học viên lớp 5.

Hành trình vạn lý

Có thể nhận thấy, khởi đầu cho hải trình vạn lý của mình, Hiếu Văn Ngư đã lựa chọn những bước đi chậm rãi, nhưng đầy sự cân nhắc ngõ hầu mang lại những hiệu quả thiết thực đối với người quan tâm. Đó là hoạt động ngoại hiện nhưng đồng thời cũng là những lần dò soi sáng trong mỗi thành viên của nhóm. Bởi “hiểu thêm, hiểu hơn về chính mình” và mang câu chuyện Việt Nam đi ra với thế giới chính là ngọn nguồn động lực kết nối các thành viên lại với nhau, là tôn chỉ trong các hoạt động vô vị lợi mà Hiếu Văn Ngư cùng chung tay thực hiện. Trên hành trình ấy, Hiếu Văn Ngư đã đón nhận được sự quan tâm, ủng hộ của không ít người quan tâm ở độ tuổi trung niên trở lên, cũng như nhiều hồi ứng từ các bạn trẻ đồng trang lứa; bấy nhiêu cũng đủ thổi bùng nên niềm tin về sức sống và vẻ đẹp diệu kỳ của văn hóa truyền thống đang âm ỉ lan dần trong giới trẻ đương đại.

——-

Nhóm tác giả: Vương Hoài Lâm, Hà Hoàng Minh Trang, Lục Phạm Quỳnh Nhi 

Bài viết này do Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish và ICH Courier hợp tác thực hiện. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại (reup) ở bất kỳ hình thức nào. Đọc bài viết trên trang ICH Courier: https://ichcourier.unesco-ichcap.org/bringing-the-stories-of-vietnam-to-the-world/ 

——-

Theo dõi các kênh truyền thông của Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish tại: