DẤU MỐC CHO HÁT BỘI VIỆT
Khoảng năm 2017-2018, nhiều hoạt động, dự án, chương trình hướng tới hát bội, đặt mục tiêu phục dựng lại hát bội trên nhiều nền tảng, chất liệu, qua nhiều góc nhìn đã rộ lên như nấm mọc sau mưa, thổi một luồng sinh khí mới cho loại hình nghệ thuật “già cỗi”, đã nhiều năm sống trong thầm lặng.
(Click here for English version of this article)
Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21, nhịp sống càng diễn ra nhanh chóng, gia tốc biến đổi có lẽ đã được hiển thị bằng những con số gấp 4, gấp 8, thậm chí nhiều hơn thế. Con người và những giá trị nhân văn, xã hội gắn bó với con người có thể ví như những đợt sóng tràn bờ, đợt này chưa tan thì đợt sau đã ùa tới, dồn dập, cấp bách. Nhịp độ biến đổi ấy đã đưa nhân loại đến những chân trời đón đợi mới, song cũng đồng thời đẩy lùi một cơ số không nhỏ những giá trị văn hóa truyền thống vào thăm thẳm lãng quên. Nghệ thuật hát bội chính là một trong các loại hình thống thuộc vào thiết chế văn hóa truyền thống như thế.
Khách tri âm giờ đâu tá?
Hát bội (còn gọi là tuồng hay hát bộ) là một trong các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, có bề dày lịch sử phát triển lâu đời. Loại hình hát bội được ước đoán ra đời từ khoảng thế kỷ 16, định hình trong thế kỷ 17-18, và phát triển hưng thịnh vào thế kỷ 19. Như vậy, loại hình hát bội đã sinh phùng và đạt đến độ viên mãn về trình độ nghệ thuật trong khuôn khổ thời trung đại. Vì lẽ đó, sân khấu hát bội tích hợp trong nó hệ quy tắc thẩm mỹ thuộc quỹ đạo tư duy “cổ điển” thời trung đại. Cốt lõi của hệ quy tắc đó là phẩm chất ước lệ với những phương thức biểu đạt như tượng trưng, cách điệu, khoa sức,… đặc thù. Hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển, cùng với hành trình thai nghén qua nhiều thế kỷ dài lâu trước đó, hát bội đã hun đúc cho mình những giá trị thẩm mỹ riêng biệt, phản ánh được chiều sâu khát vọng nhân văn của văn hóa Việt truyền thống.
Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ 20, đứng trước cuộc chuyển giao tư tưởng mới, nghệ thuật hát bội dần mất đi thế thượng phong. Loại hình nghệ thuật từng được xem là thú thưởng ngoạn độc tôn đã phải chia sẻ một lượng không nhỏ người thưởng thức với nhiều hình thức văn nghệ – giải trí mới phảng phất phong vị Âu hóa như tuồng chớp bóng (điện ảnh), tân nhạc, cải lương, thoại kịch, v.v.. Giữa một rừng những loại hình mang tính chất tối giản về ngôn ngữ biểu hiện như thế, hát bội bỗng dưng trở thành kẻ lỗi thời vì bản dạng ước lệ vốn dĩ của nó. Đến những năm cuối thập niên 80 – đầu 90 của thế kỷ trước, nhiều người làm nghề lẫn công chúng mộ điệu, vì hoang mang trước tương lai mịt mờ của nền nghệ thuật truyền thống này, đã phải chua xót thốt lên rằng “Hát bội đã đến thời mạt vận!”. Nghệ thuật hát bội từ độ đó không còn sôi động như trước, nó lui về cuộc sống thầm lặng và hấp phụ vào những thiết chế văn hóa tín ngưỡng – tôn giáo trong làng xã dân gian.
Vì đâu hát bội lại trở nên lạc lõng giữa thời đại mới? Như đã nói, nghệ thuật hát bội mang đặc trưng thẩm mỹ của tư duy thời trung đại. Nó thường chọn những cốt truyện và xung đột phổ biến trong xã hội thời trung đại như chiến tranh, nội loạn trong các tập đoàn phong kiến; bi kịch con người chức năng – cá nhân; quan niệm luyến ái; v.v.. Trong khi đó, những loại hình kịch nói, cải lương đã chạm ngõ hoặc đi sâu vào những đề tài gần gũi, thiết thân với con người, phản ánh được những xung đột nhanh, mạnh của bối cảnh mới biến thiên liên tục. Trong kỹ thuật biểu hiện, phẩm chất ước lệ của loại hình hát bội thường gây trở ngại cho sự tiếp nhận, vì cách hát-nói, vũ đạo, hóa trang, phục trang có khoảng cách khá xa đối với hiểu biết và cảm nhận của khán giả hiện đại, đặc biệt là khán giả trẻ.
Những hồi ứng của người trẻ
Trong thời đại số ngày nay, xu hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa đang không ngừng xóa nhòa những ranh giới hữu hình, thực tại, hướng đến mục tiêu xây dựng lý tưởng “công dân toàn cầu”. Thực tế đó một mặt khiến con người thêm phần háo hức, hăm hở tìm và xác lập nhiều giá trị mới, một mặt lại khơi sâu niềm băn khoăn về việc nhận chân những giá trị tự thân. Điều đó không ngừng thôi thúc người trẻ tìm khơi lại những mạch nguồn giá trị truyền thống, thứ mà bao thế hệ con người Việt đã chung đúc, định dạng nên bản sắc văn hóa Việt. Hát bội là một trong những lựa chọn đó.
Khoảng năm 2017-2018, nhiều hoạt động, dự án, chương trình hướng tới hát bội, đặt mục tiêu phục dựng lại hát bội trên nhiều nền tảng, chất liệu, qua nhiều góc nhìn đã rộ lên như nấm mọc sau mưa, thổi một luồng sinh khí mới cho loại hình nghệ thuật “già cỗi”, đã nhiều năm sống trong thầm lặng. Đáng chú ý hơn cả là những hoạt động, dự án, chương trình ấy lại được tổ chức, điều hành bởi nhiều nhóm người quan tâm có độ tuổi thuộc vào loại “dân số trẻ”.Mở đầu cho chuỗi những hoạt động vừa nêu, không thể không nhắc đến chương trình “Đối thoại văn hóa cộng đồng, kỳ 3: Xây chầu hát bội” (8/2017). Đây có lẽ là sự kiện thu hút được nhiều sự quan tâm của giới mộ điệu hát bội lúc bấy giờ. Chương trình được xây dựng và tổ chức với mục đích nhận thức lại vai trò của môi trường văn hóa đương đại trong việc duy trì sự tồn tại của hát bội, giúp nghệ thuật hát bội nảy nở. Đặc biệt, sự trở lại với vai trò diễn giả của Nghệ sĩ nhân dân Đinh Bằng Phi – người nghệ sĩ thuộc vào hàng “cây đa, cây đề” của giới hát bội miền Nam – đã thổi bùng lại niềm say mê đang dần nguội lạnh trong lòng công chúng nghệ thuật hát bội, cũng như truyền cảm hứng cho không ít người trẻ quan tâm, tò mò về bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Chương trình kỳ thực đã đánh dấu bước dợm của hát bội trong không gian văn hóa hiện đại, là nhịp cầu nhân duyên cho không ít những hoạt động, dự án, chương trình về hát bội nối dài sau đó.
Sự trở lại với vai trò diễn giả của Nghệ sĩ nhân dân Đinh Bằng Phi – người nghệ sĩ thuộc vào hàng “cây đa, cây đề” của giới hát bội miền Nam – đã thổi bùng lại niềm say mê đang dần nguội lạnh trong lòng công chúng nghệ thuật hát bội. Nguồn ảnh: Cultural Community Discourse – Đối thoại văn hóa cộng đồng
Nổi bật lên trong năm 2018, có thể xem là dự án mang tính chất “tiên phong” trong những hồi ứng của người trẻ, chính là “Vẽ về hát bội”. Với hy vọng truyền cảm hứng về nghệ thuật hát bội truyền thống của Việt Nam, dự án đã tập hợp hơn 40 nghệ sĩ trẻ trong Nam ngoài Bắc cùng sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật lấy hát bội làm đề tài. Các tác phẩm nghệ thuật vừa nêu thuộc đa dạng các thể loại, có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã đem đến một bầu không khí chưa từng có đối với hát bội Việt. Đặc biệt là hát bội Việt qua nhãn quan của những người trẻ, thậm chí có người bộc bạch rằng chỉ mới bập bõm làm quen với loại hình biểu diễn truyền thống này. Nằm trong dòng chảy khí thế đó là một loạt những công trình, dự án cá nhân khác như bộ ảnh nhân vật hát bội mang phong cách chibi (trong dự án “Sài Gòn hí viện”) của họa sĩ Nguyễn Đức Huy; bộ sưu tập “Má ơi đừng đánh con đau. Để con hát bội làm đào má coi” của họa sĩ Phạm Rồng; bộ font chữ typography mang tên “Bội tự” của bạn trẻ Nguyễn Phương Vy; v.v.. Tựu trung lại ở những dự án này, chúng ta có thể nhận thấy hát bội đã được tiếp cận ở góc nhìn thị giác, tức khai thác sự hào nhoáng, mỹ lệ của loại hình từ các phương diện hóa trang, phục trang, vũ đạo, đem những ấn tượng nổi trội này chuyển hóa thành những sản phẩm có tính ứng dụng tương thích với bối cảnh hiện đại.
Bộ ảnh nhân vật hát bội mang phong cách chibi trong dự án “Sài Gòn hí viện” của họa sĩ Nguyễn Đức Huy
Bộ sưu tập “Má ơi đừng đánh con đau. Để con hát bội làm đào má coi” của họa sĩ Phạm Rồng. Nguồn ảnh: 419.vn
Song song với hành trình đầy màu sắc hiện đại đó, mặc dù ít có tính ứng dụng hơn, nhưng những công trình xuất bản kiểu như “Nghệ thuật sân khấu: Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam kỳ cuối thế kỷ XIX đến 1945” (của Nguyễn Đức Hiệp, 2017) đã đóng góp không nhỏ nguồn tư liệu quý, cung cấp thêm nhiều hiểu biết về nghệ thuật hát bội xưa, trong điều kiện khan hiếm tài liệu kéo dài trước nay. Không những thế, nhiều công trình, dự án khác đã “điểm danh” hát bội với vai trò là một mắc xích không thể thiếu trong diễn trình lịch sử văn nghệ truyền thống Việt Nam như loạt chương trình “Diễn xướng Nam bộ” và dự án “Thư viện diễn xướng Nam bộ – Lục tỉnh cầm ca” của nhóm “Đối thoại văn hóa cộng đồng” (CCD); nhiều bài viết trong khuôn khổ dự án “Trường ca kịch viện”; cẩm nang “Ta kể chuyện di sản: Phiên bản diễn xướng Nam bộ” của Hội đồng Anh; v.v..
Bộ sách “Đường vào diễn xướng Nam Bộ” từ dự án “Thư viện diễn xướng Nam bộ – Lục tỉnh cầm ca”
Tất cả những thành tựu đó không thể không thừa nhận rằng đã được trợ duyên một cách mạnh mẽ từ nhiệt huyết, tình yêu nghề tha thiết của các thế hệ nghệ sĩ hát bội, các đơn vị biểu diễn nhà nước và tư nhân. Vượt qua những khó khăn của thời cuộc, họ vẫn là những người miệt mài hành nghề, truyền nghề và lan tỏa vẻ đẹp nghề, góp phần duy trì mạch sống âm thầm của nghệ thuật hát bội qua hình thức “Sân khấu học đường” và các dạng thái hoạt động đào tạo/khoa giáo tương tự (các talkshow giao lưu “Cà phê học thuật nhân văn – Hát bội xưa và nay” – 11/2019; Lớp học “Đường vào hát bội” – 3/2020; sự kiện “Giữ lửa ngàn năm” – 3/2021; “Về nghe hát bội” – 4/2021; “Hát bội Nam bộ” – 5/2022;…). Điều đó có tác động tiên quyết đến khán giả ngày càng trẻ hóa, cung cấp những hiểu biết và vẻ đẹp đáng có của nghệ thuật hát bội đến lứa tuổi đang trưởng thành. Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish cũng là một trong những nhóm bạn trẻ đặt mục tiêu hàng đầu là đào tạo, nhân rộng những hiểu biết về hát bội trong khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đương đại. Bắt đầu từ giải thưởng “Sáng kiến TechCul” (do UNESCO tổ chức) với ý tưởng “Hát Bội 101 – đưa hát bội vào đời sống đương đại với sự hỗ trợ của công nghệ”, Hiếu Văn Ngư đã tiếp tục duy trì và phát triển dự án “Hát bội 101” thành nhiều hình thức như các sản phẩm truyền thông (loạt bài “Cá kể tuồng”, “Bí kíp coi hát ở đình”, “Hỏi nhanh – đáp gọn về hát bội”, v.v.); số hóa dữ liệu về nghệ thuật hát bội trên nền tảng quốc tế (“Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam” lưu trữ trên nền tảng ichLinks); tổ chức các lớp học “nhập môn” cho những khán giả chưa và bắt đầu quan tâm tới loại hình biểu diễn truyền thống này (“Biết người biết ta”, “Cắc rụp tịch tang”).
Các sản phẩm truyền thông (loạt bài “Cá kể tuồng”, “Bí kíp coi hát ở đình”, “Hỏi nhanh – đáp gọn về hát bội”, v.v.) thuộc dự án “Hát bội 101”
“SẮC – ẤN NGỌC NAM PHƯƠNG”: một nỗ lực tìm đường
Ra mắt công chúng nghệ thuật vào đầu tháng 4/2022, chương trình “Sắc – ấn ngọc Nam phương” có thể xem là một dấu mốc trở lại ngoạn mục của hát bội Việt sau gần hai năm sân khấu không thể sáng đèn vì ứng phó với đại dịch COVID-19. Đây là dự án mang tính định hướng mới trong hoạt động của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM, nhằm tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống, gắn với phát triển du lịch văn hóa.
Chương trình “Sắc – ăn ngọc Nam phương”. Hình ảnh: Nhà hát nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh
Giữa những âm giai huyên náo của nghệ thuật hát bội đương thời, “Sắc – ấn ngọc Nam phương” có thể được xem như tiếng trống chầu rền rĩ, đồng vọng, đáp lời nhiệt huyết của lớp công chúng nghệ thuật trẻ. Chương trình đã thể hiện sâu sắc năng lực hội nhập của hát bội Việt, chứng tỏ hát bội có thể hòa hợp một cách nhịp nhàng với loại hình múa hiện đại, xiếc tạp kỹ,…
Chương trình đã thể hiện sâu sắc năng lực hội nhập của hát bội Việt, chứng tỏ hát bội có thể hòa hợp một cách nhịp nhàng với loại hình múa hiện đại, xiếc tạp kỹ,… Hình ảnh: Nhà hát nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh
Trong đường dây kịch bản, “Sắc – ấn ngọc Nam phương” đã khéo léo lựa chọn góc nhìn và bối cảnh không xa rời “tính cách” truyền thống của loại hình. Người xem dễ dàng được hòa mình vào dòng chảy của nghệ thuật hát bội thông qua những bài vè được cất lên trong tiếng trẻ con hồn hậu, trong trẻo. Mặc dù đã diễn biến thành loại hình biểu diễn chuyên nghiệp, nhưng nghệ thuật hát bội luôn lưu giữ trong nó những ký ức hồn hậu của dân gian, nơi đã hun đúc nên hồn vía của nó, và cũng là nơi bảo dưỡng cho sự sinh tồn của nó hằng bao thế kỷ. Quả tình như thế, không khí lễ hội thiêng liêng trong chuỗi tiết mục Đại bội đã chẳng thể nào tách biệt được với hình ảnh các nhóm người ngồi nép bên cánh gà chăm chú dõi ra sàn diễn. Và rồi, cả âm thanh chát chúa, gỏng gắt của dàn nhạc lễ hát bội cũng chẳng nỡ làm chùng đi tiếng huyên náo, râm ran của trẻ con, người lớn xem hội.
Chương trình “Sắc – ăn ngọc Nam phương”. Hình ảnh: Nhà hát nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh
Với thời lượng vỏn vẹn khoảng 60 phút, chương trình “Sắc – ấn ngọc Nam phương” đã lột tả một cách hàm súc ý hướng cầu thị của giới làm nghề hát bội. Hành trình ngược dòng của cô gái trẻ trong câu chuyện hình như đã thay lời công chúng đương đại bày tỏ niềm kính ngưỡng, trân trọng với nghệ thuật truyền thống. Rồi ngược lại, nghệ thuật hát bội truyền thống cũng đã chẳng “kiêu kỳ”, mà sẵn sàng lấp đầy khoảng cách thế hệ, tìm tiếng nói chung với người trẻ, để cùng chung tay thực hiện khát vọng “cho lớp mai sau còn nghe hát bội”.
“Sắc – ấn ngọc Nam phương” tuy chỉ mới là một quả bóng thám không, lần dò khả năng thích ứng của loại hình hát bội trong bối cảnh đương đại, nhưng đã là một nỗ lực tìm đường đáng ghi nhận của đội ngũ những người làm nghề. Chương trình là một tín hiệu tích cực cho ta thấy tính khả dĩ của việc tổ chức biểu diễn định kỳ, vừa phục vụ người dân, vừa phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế trong tương lai gần./.
(Kỳ tiếp theo: “Tiếng nói người trong cuộc” – Bài phỏng vấn ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM về chương trình “Sắc – ấn ngọc Nam phương”)
—————-
Bài viết “Dấu mốc cho hát bội Việt” do Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish và ICHCAP hợp tác thực hiện. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại (reup) ở bất kỳ hình thức nào.
Tác giả: Vương Hoài Lâm
Biên dịch Việt – Anh: Hà Hoàng Minh Trang
Graphic: Lục Nhi
—————-
Đọc phiên bản tiếng Anh của bài viết tại: https://culturafish.com/en/a-moment-for-hat-boi/
Tìm hiểu dự án “Hát Bội 101” tại: https://culturafish.com/vi/projects/du-an-hat-boi-101-loi-moi-den-voi-nghe-thuat-hat-boi/
Theo dõi chuỗi bài viết “Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam” tại: https://culturafish.com/vi/hat-boi-co-nhung-kieu-nhan-vat-nao-ky-01-tong-quan/
————
ICHCAP-UNESCO: Trung tâm mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương trực thuộc UNESCO.