Tuồng (hát bội) được ưa chuộng và phát triển ở khu vực miền Trung.

Vượt lên trên thái độ khắt khe của triều Lê, thời Nguyễn không những không cấm đoán, đối xử ngặt nghèo với nghề hát mà còn đưa nghệ thuật tuồng/hát bội thành quốc kịch. Thời cai trị của các chúa Nguyễn, nghệ thuật tuồng/hát bội được ưa chuộng và đưa vào trong đời sống cung đình chính quy. Chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát từng xây dựng hiên Đồng Lạc làm nơi trình diễn tuồng/hát bội. Đến triều Nguyễn, các tổ chức đào tạo ca – vũ – nhạc (bao gồm cả nghệ thuật tuồng/hát bội) như Viện Giáo phường, Việt Tường đội, Thanh Bình thự, Võ Can thự… đã được thành lập và duy trì hoạt động theo quy củ chặt chẽ. Lại xây dựng cả những địa điểm biểu diễn chuyên biệt cho nghệ thuật tuồng/hát bội như Duyệt Thị đường, Tĩnh Quan viện, Thông Minh đường, Minh Khiêm đường… Thậm chí, thời Minh Mệnh, triều đình còn xây dựng Thanh Bình từ đường là nơi thờ phụng Tổ nghề hát cùng các bậc Tiền hiền, Hậu hiền trong ngành. Như vậy, trong đời sống kinh đô Huế, nghệ thuật tuồng/hát bội đã được sự bảo trợ của triều đình phong kiến, trở thành công cụ phục vụ cho đường lối chính trị và xiển dương cho chế độ của vương triều nhà Nguyễn. Nghệ thuật tuồng/hát bội vì lẽ đó đã được trợ duyên và phát triển thịnh đạt.

Thanh Bình Từ Đường tọa lạc tại kiệt 281(hẻm) Chi Lăng, thành phố Huế. Nguồn ảnh: Cultura Fish. Đọc thêm về Thanh Bình Từ Đường tại đây

Khán giả xem tuồng, yêu thích hát bội phủ rộng từ giới quan quyền quý tộc đến dân dã. Hầu như các tôn thất trong hoàng tộc, lẫn các đại quan trong triều đình đều lập riêng cho mình một đội tuồng để biểu diễn trong tư dinh. Vị Tổng trấn Gia Định thành – Tả quân Lê Văn Duyệt – có lẽ là minh chứng lỗi lạc nhất. Sinh bình, ông Duyệt mê hát bội và tự lập cho mình đội tuồng riêng. Nhờ đó mà nghệ thuật tuồng/hát bội đã có cơ ngơi để định hình và phát triển thành dòng tuồng đặc thù nơi vùng đất Gia Định. Nghệ thuật tuồng/hát bội ở Huế còn làm điểm tựa cho tuồng/hát bội trong dân gian lan tỏa khắp nơi và đi vào lòng quần chúng nhân dân. Xứ xứ trong thôn ổ hẳn nơi nào cũng từng có phường hát, gánh hát. Vì lẽ đó giới nhà nghề tuồng/hát bội xứ Quảng Nam vẫn truyền miệng nhau câu chữ “Đức Giáo* vô địa lập chùy, dĩ xướng ca vi nghệ” (Đức Giáo không có đất cắm dùi, chỉ lấy nghề xướng ca để mưu sinh). [*Đức Giáo: Tên làng nổi tiếng nghề hát, được tin là cái nôi của tuồng/hát bội Quảng Nam]

Cảnh trong vở “Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt” do Đoàn Nghệ thuật Hát Bội – Tuồng cổ Ngọc Khanh biểu diễn, tái hiện cảnh Tả quân (ngồi bên phải) cầm chầu coi hát. Nguồn ảnh: Cultura Fish

Điểm qua mấy nét trên, chúng ta có thể nhận thấy, nghệ thuật tuồng hát bội trên dải đất miền Trung, hay nói đúng hơn là ở xứ Đàng trong đã được đắp đổi cuộc đời mới từ bóng tối ra ánh sáng. Thoát khỏi những áp đặt hà khắc của pháp chế nhà Lê đối với thành phần “con hát”, nghề hát, nghệ thuật tuồng/hát bội đã đủ nhân duyên để định hình thành một chỉnh thể thẩm mỹ phản ảnh được đời sống tâm tư và những khát vọng nhân văn của con người đương thời. Theo thời gian, nghệ thuật tuồng/hát bội dẫu có biến đổi và thích nghi với nhịp sống thời đại, nhưng bản dạng của loại hình sân khấu này ở các tỉnh thành miền Trung vẫn giữ được nhiều đường nét nguyên thủy. Không khó để nhận diện những phương ngữ Trung phần như “mô, tê, răng, rứa, ni, nớ…” còn tồn tại dày đặc trong các tuồng bản được trình diễn ở Bắc bộ, Nam bộ; càng đáng quý thay trong âm nhạc và vũ đạo của tuồng/hát bội miền Trung vẫn cứ phảng phất vóc hình của văn hóa Nam á (Chiêm Thành) là dòng chảy văn hóa sâu xa từng tham dự vào sự hình thành nghệ thuật sân khấu Việt. Nhìn về nghệ thuật tuồng/hát bội miền Trung kỳ thực là một cuộc hành hương về miền nguyên thủy, về cội nguồn của loại hình biểu diễn truyền thống nói riêng và nghệ thuật sân khấu Việt nói chung.

Mặt nạ mô phỏng vẽ mặt tuồng Huế, trưng bày tại Duyệt Thị Đường (Huế). Nguồn ảnh: Cultura Fish.

Bài viết đã được thiết kế dưới dạng infographic, kính mời quý độc giả truy cập thư viện hình ảnh của Cultura Fish để xem album. 

Tác giả: Huyên 

Bài viết thuộc dự án “Hát Bội 101” – dự án giới thiệu nghệ thuật hát bội đến khán giả một cách cởi mở và bài bản. Kính mời quý độc giả truy cập vào link trên để tìm hiểu về dự án này.