Vai trò của chúng ta khi làm việc với diễn xướng dân gian

Bài viết được Nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phong hoa ca vịnh” do Cultura Fish tổ chức. Vui lòng dẫn link, ghi nguồn khi trích dẫn và không đăng lại ở bất kỳ hình thức nào. Đọc thêm về “Phong hoa ca vịnh” tại đây: https://culturafish.com/vi/projects/du-an-phong-hoa-ca-vinh/ 

Đọc phần 2 tại đây 

Đọc phần 1 tại đây

Diễn xướng dân gian là những loại hình nghệ thuật tồn tại trong môi trường văn hóa dân gian. Đặc trưng cơ bản của nó là không có tác giả, đồng thời phổ biến thông qua cộng đồng. Bởi vậy, di sản diễn xướng dân gian không thuộc sở hữu cá nhân mà là tài sản của cả cộng đồng. Chúng ta đều là truyền nhân, người thừa hưởng di sản diễn xướng dân gian. Không cá nhân nào có quyền sở hữu, cũng như tước đoạt quyền thừa kế đó. Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm hữu danh, bao gồm: quyền nhân thân và quyền tài sản. Còn luật di sản quy định cá nhân, tổ chức “tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”, trong đó khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phân loại, truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn, phục dựng…Như vậy, trách nhiệm của chúng ta đối với di sản này là thông qua hành động của mình nhằm kết giữa quá khứ – hiện tại – tương lai. Mặc dù, chúng ta không thể làm thay đổi những gì đã xảy ra, nhưng lại có trách nhiệm trước những gì đang diễn ra. 

Các bạn nhỏ lớp Mục Đồng – trường Đồng Xanh Steiner đang học dân ca Nam Bộ cùng nghệ sĩ Sáu Hưng và nghệ sĩ Song Oanh

Văn hóa phi vật thể khác với vật thể. Văn hóa vật thể có thể ngủ yên trong không gian để đi xuyên thời gian, còn di sản phi vật thể đòi hỏi các lớp truyền nhân lấy bản thân ra thực hành. Nói cách khác, văn hóa phi vật thể cần môi trường, thực thể ký thác. Thực thể ấy là chính chúng ta và môi trường đó là xã hội.

Đối với diễn xướng dân gian, ngoài những điều khoản mang tính pháp lý, cá nhân, tổ chức, cộng đồng cần có chuẩn tắc ứng xử về mặt luân lý, tâm lý, tín lý, thẩm mỹ. Lấy ví dụ, một loại hình diễn xướng đi ra từ môi trường tín ngưỡng đòi hỏi cách thức ứng xử liên quan đến môi trường văn hóa đặc thù này. Chúng ta không thể lấy một bài tụng ca làm trò diễu cợt hay hoán đổi vị trí đối tượng thờ tự. Sáng tạo phái sinh (hiểu là sáng tác dựa trên chất liệu dân gian hoặc rập khuôn truyền thống) tuy tự do, nhưng không đến mức làm tổn hại các nhóm xã hội liên quan, đặc biệt là đức tin, tình cảm, luân lý… Ngược lại, cũng không nên nhân danh bảo tồn vốn cổ một cách giáo điều, cứng nhắc làm cản trở tiến trình hội nhập sâu rộng của di sản quá khứ vào hiện tại, đánh mất cơ hội phục hưng di sản truyền thống. 

Chương trình “Diễn xướng Nam Bộ – Bóng rỗi – Địa nàng” do Đối thoại văn hóa cộng đồng “sân khấu hóa” nhằm giới thiệu nghệ thuật bóng rỗi và chặp tuồng bóng địa nàng. Tư liệu của “Thư viện lục tỉnh cầm ca”

Nói tóm lại, ứng xử với di sản ngoài quy định tại luật, còn cần bộ quy tắc ứng xử mang tính đạo đức, thẩm mỹ, luân lý, tâm lý… Mỗi cá nhân cần trang bị cho mình “năng lực phán đoán” trước các hiện tượng văn hóa mới. Sáng tạo vốn không có tiền lệ, quá khứ cũng chưa hội đủ căn cứ khẳng định điều gì sẽ trở thành phổ biến. Nó đòi hỏi chúng ta phải xây dựng hệ giá trị nhằm bảo vệ thành quả văn hóa chung. 

Tác giả: Lê Hải Đăng

Biên tập: Huyên | Lục Nhi

Ảnh bìa: Hiếu Văn Ngư đang thực hiện dự án lưu trữ các nhân vật điển hình của nghệ thuật hát bội Việt Nam.